Thị trường chứng khoán: Áp lực mang tên DXY

Thị trường chứng khoán: Áp lực mang tên DXY

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong các yếu tố vĩ mô cần quan sát giai đoạn này, chỉ số DXY được giới chuyên gia phân tích liên tục nhắc tới.

Chỉ số DXY, còn gọi là chỉ số USD Index, là thước đo giá trị sức mạnh đồng USD so với 6 loại tiền tệ của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm: Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), Đô-la Canada (CAD), Kronor Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sĩ (CHF).

USD Index được tính toán từ tỷ giá hối đoái của 6 đồng tiền tệ khác (đi kèm với tỷ trọng cấu thành USD Index) là: EUR 57,6%, JPY 13,6%, GBP 11,9%, CAD 9,1%, SEK 4,2%, CHF 3,6%. Chính vì vậy, biến động của chỉ số này không chỉ phụ thuộc vào nội tại nền kinh tế Mỹ, mà còn dựa trên tương quan với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Nhìn lại lịch sử một chút để hiểu rõ hơn về điều này. Năm 1994, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, cùng với việc cổ phiếu công nghệ tăng đã đưa đồng USD tăng giá đến năm 2000. Tuy nhiên, bong bóng dotcom vỡ cùng vụ khủng bố 11/9/2001 đã khiến đà tăng của DXY chấm dứt, đồng USD sụt giảm trầm trọng. DXY rơi về mức đáy lịch sử trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Chỉ số DXY bắt đầu tăng trở lại từ năm 2011, nhờ hai yếu tố chính: Thứ nhất, vào năm 2011, hầu hết các nền kinh tế Nam Âu đều lâm vào tình trạng khó khăn do vay nợ quá mức, mà các nền kinh tế này là một phần của khu vực đồng tiền chung châu Âu, dẫn đến đồng EUR suy yếu và USD mạnh lên. Thứ hai, Fed lần đầu tiên đề cập đến việc giảm bớt việc mua trái phiếu của họ vào năm 2013 và bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2015. Năm 2016, đồng USD chạm mức cao nhất trong vòng 13 năm nhờ niềm tin Fed tiếp tục tăng lãi suất cùng việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với lời hứa tăng chi tiêu cho cầu đường và công nghiệp, giúp nhà đầu tư lạc quan về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong tương lai.

Năm 2022 đánh dấu thời điểm chỉ số DXY tăng rất mạnh. Lý do chính là lạm phát của Hoa Kỳ cao kỷ lục. Để kiềm chế lạm phát, Fed đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 10/2022, khiến giới đầu tư chuyển qua các khoản đầu tư bằng USD để thu lợi nhiều hơn, dẫn tới nhu cầu USD tăng mạnh, giá trị của đồng USD lên cao.

Hiện tại, đồng USD có thể còn duy trì ở mức cao với các lý do: Thị trường tin Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2024; kinh tế Mỹ vững vàng, trong khi kinh tế châu Âu và Trung Quốc gây thất vọng. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Palestine có thể thúc đẩy nhà đầu tư trú ẩn ở USD.

Ảnh hưởng của DXY đến Việt Nam.

Ảnh hưởng của DXY đến Việt Nam.

Chỉ số DXY có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá và chính sách tiền tệ của Việt Nam. DXY tăng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam qua hai yếu tố:

Thứ nhất, dòng tiền nước ngoài chuyển sang các kênh đầu tư khác bằng USD nhằm thu được lợi nhuận cao hơn. Đây chính là một phần lý do dòng tiền nước ngoài sẽ rút khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi hay cận biên như Việt Nam.

Thứ hai, DXY tăng làm tăng áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp chính sách tiền tệ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực lên dòng tiền của nhà đầu tư.

Điều dễ thấy gần đây chính là việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu và sắp tới là bán USD để làm dịu lại tình hình tỷ giá. Nó chính là yếu tố góp phần vào nhịp giảm hiện tại của thị trường chứng khoán khi VN-Index điều chỉnh 16% từ đỉnh 1.250 điểm.

Hiện tại, tia sáng đã dần lóe lên, khi nhìn vào đồ thị USD Index, chúng ta có thể thấy chỉ số DXY đang tạo mô hình hai đỉnh - tín hiệu tích cực đầu tiên trong ngắn hạn cho thấy áp lực tỷ giá có thể giảm bớt phần nào, từ đó cũng giúp tâm lý và dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện hơn.

Tin bài liên quan