Sau năm Nhâm Dần mất mát, nhà đầu tư kỳ vọng mùa Xuân mới sẽ mang nhiều điều tươi đẹp hơn

Sau năm Nhâm Dần mất mát, nhà đầu tư kỳ vọng mùa Xuân mới sẽ mang nhiều điều tươi đẹp hơn

Thị trường chứng khoán: Đông qua, Xuân sẽ tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau năm 2022 đầy sóng gió, nhiều nhà đầu tư đang lỗ nặng nề 50 - 70% giá trị danh mục. Song, chu kỳ kinh tế cũng như của thị trường chứng khoán giống như quy luật của tự nhiên: Đông qua, Xuân sẽ tới.

Học phí đắt đỏ

Chia sẻ với phóng viên tại một buổi hội thảo do Công ty Chứng khoán ACBS tổ chức cuối năm 2022, nhà đầu tư Hoàng Liên (TP.HCM) cho biết, giá trị tài khoản đã giảm gần 60% trong năm 2022. Khoản đầu tư 300 triệu đồng ban đầu giờ chỉ còn gần 120 triệu đồng. Mở danh mục trống trơn lúc này, chị Liên chỉ biết thở dài vì “giữ không nổi nên phải bán”.

Gia nhập chứng trường từ đầu năm 2021, do đã quen với xu hướng uptrend nên khi thị trường downtrend, nhà đầu tư này vô cùng bối rối, không biết phải xử lý danh mục ra sao.

Chị bắt đầu cắt lỗ cổ phiếu penny, trong đó có 1.000 cổ phiếu TCI với giá 12.000 đồng/cổ phiếu và 3.000 cổ phiếu DLG giá 7.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng lỗ 18% và 21%. Sau đó, nhà đầu tư này tiếp tục hoảng loạn bán DXG, NLG khi nhóm bất động sản có biến động để mua vào nhóm phòng thủ, bao gồm BWE, PPC. Song, với đà giảm sâu của thị trường, cả cổ phiếu phòng thủ cũng không thể cầm cự được, nên chị lại bán ra khi danh mục lỗ 10%.

“Lúc mới lỗ 10%, mọi người xung quanh trấn an lỗ chứng khoán coi như là học phí nên tôi cũng đỡ tiếc và vẫn cố gắng giữ lại các cổ phiếu tốt, cổ phiếu phòng thủ. Tuy nhiên, đến khi lỗ 60%, tôi mới giật mình vì chưa thấy mức học phí nào lại đắt đỏ như thế”, nhà đầu tư này ngậm ngùi.

Bài học mà chị Liên nhận ra muộn nhất và mang lại nhiều thiệt hại nhất trong năm là không dám mạnh tay cắt lỗ. Tâm lý này cũng là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư khi quyết giữ cổ phiếu với kỳ vọng thị trường sẽ sớm khởi sắc trở lại để “về bờ”, may hơn nữa còn có thể có lãi.

Tổn thất là điều không ai muốn, nhưng theo nhà đầu tư Phạm Phong (TP.HCM), trong năm 2022, không ai là không có tổn thất, vấn đề là ít hay nhiều. Rất khó dự đoán thị trường vận động ra sao trong ngắn hạn khi có quá nhiều yếu tố bất lợi bủa vây. Do đó, việc giao dịch với các nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm là vô cùng rủi ro.

“Thị trường còn giảm đến 35% thì lấy đâu ra nhà đầu tư có lãi. Nhỏ lẻ giảm bằng thị trường đã là thành công, đa số bạn bè tôi tài khoản đang lỗ trên dưới 50%, còn tôi cũng lỗ hơn 43%”, anh Phong cho biết.

Sau khi bán toàn bộ cổ phiếu từ đợt thị trường rũ mạnh hồi tháng 4, đến tháng 8, khi có tín hiệu tích cực, anh Phong đã mua 10.000 cổ phiếu IDI với giá trung bình là 18.850 đồng/cổ phiếu. Dù thấy thị trường bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, nhà đầu tư này vẫn đặt kỳ vọng vào việc IDI sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, giúp tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp được cải thiện. Đến nay, anh Phong đang gồng lỗ hơn 43% từ cổ phiếu này và nắm giữ thêm cổ phiếu NT2, ACB.

Trái ngược với những dự báo lạc quan và tâm lý hưng phấn hồi đầu năm, thị trường chứng khoán năm 2022 diễn ra theo một kịch bản mà theo nhiều nhà đầu tư là “không ngờ tới”. Bắt đầu từ việc giữa tháng 2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, tiếp đến là sự kiện Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 khiến các thị trường bị tác động, qua đó cũng ảnh hướng tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, thị trường vẫn cầm cự tương đối tốt, diễn biến sideway kéo dài trong quý đầu năm.

Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng khởi tố một số lãnh đạo doanh nghiệp về tội thao túng giá chứng khoán vào cuối tháng 3 đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân - bộ phận chiếm đến 90% cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, khiến VN-Index lao dốc từ mức đỉnh 1.530 điểm đầu tháng 4 về vùng 1.200 điểm.

Sau nhịp hồi tháng 5, thị trường giảm trở lại và dao động quanh vùng 1.150 điểm trong cuối quý II, đầu quý III. Tuy nhiên, liên tiếp các vụ án liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp diễn ra, kết hợp với việc Fed liên tục tăng lãi suất, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất theo, qua đó khiến thị trường lao dốc không phanh từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Có thời điểm, VN-Index được xếp vào nhóm chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới khi mất đến hơn 40%.

Chờ mùa Xuân mới

Tâm lý thị trường đang không mấy tích cực khiến lượng tài khoản chứng khoán mởi mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước sụt giảm đáng kể. Trong tháng 11, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 88.479 tài khoản chứng khoán. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 88.334 tài khoản và các tổ chức mở mới 145 tài khoản. Đây là lượng tài khoản mở mới thấp nhất của nhà đầu tư nội kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 6 liên tiếp giảm.

Trong Talkshow Chọn danh mục kỳ 9 do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức cuối tháng 12/2022, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research đánh giá, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân là động lực rất lớn cho thị trường chứng khoán. Sau 2 năm ghi nhận số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia ở mức kỷ lục, sang năm 2022, trước đà lao dốc của thị trường, các nhà đầu tư đều trong tâm thế thận trọng hơn khi nhìn sang năm 2023.

Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, với sự nhanh nhạy vốn có, chỉ cần nhìn thấy có cơ hội, các nhà đầu tư cá nhân sẽ rất nhanh quay trở lại và tiếp tục trở thành động lực của thị trường chứng khoán.

“Hoa nở có mùa, điểm tích cực hiện nay là các chu kỳ kinh tế rút ngắn rất nhiều so với trước kia, chúng ta chỉ cần kiên nhẫn chứ không cần chờ đợi quá lâu để mùa hoa đẹp nhất quay trở lại”, bà Phương nói.

Thực tế, tâm lý bi quan thái quá khiến cổ phiếu tốt cũng như cổ phiếu xấu đều bị bán mạnh và giảm không có điểm dừng. Riêng trong tháng 11, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng lên tới 19.000 tỷ đồng - quy mô chưa từng có. Động thái này hoàn toàn trái ngược với việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 16.000 tỷ đồng - mức kỷ lục trong 5 năm trở lại đây.

Trước những sóng gió mà nhà đầu tư phải đối mặt thời gian qua, ông Huỳnh Tấn Thuế, Giám đốc Vùng, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán HSC đã mượn câu nói của nhà đầu tư lỗi lạc Warren Buffett rằng: Trừ khi bạn có thể chứng kiến cổ phiếu mình nắm giữ giảm 50% mà không trở nên hoảng sợ, nếu không, bạn không nên tham gia thị trường chứng khoán (tạm dịch).

Từ đó, ông Thuế đưa ra đúc kết, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý và tài chính cho những biến động thị trường. Đặc biệt, cần tránh việc làm cho tâm lý bị xáo động, phiền não bởi các đợt sụt giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc đời thường. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn tài chính để có thể sẵn sàng đón nhận các cơ hội.

“Khi tích lũy đủ hạt giống, chuẩn bị kỹ tâm lý, tài chính và niềm tin, đôi khi chỉ cần một cơ hội sẽ tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ trong hành trình đầu tư của mình”, ông Thuế nhấn mạnh.

Tin bài liên quan