Thị trường chứng khoán: Gây dựng niềm tin cho hành trình phía trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Niềm tin là chủ đề được nhắc tới khá nhiều trong thời gian gần đây khi thị trường tài chính chịu tác động tiêu cực từ một số vụ việc liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp.

Minh bạch thông tin và tôn trọng nhà đầu tư

Nhiều người am hiểu Trung Nam Group khá ngạc nhiên khi ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch tập đoàn này tham dự hội thảo do Công ty Chứng khoán VNDirect tổ chức mới đây. Bởi lẽ, ông Thịnh ít khi xuất hiện trước công chúng, mà thường nhường vai trò này cho anh trai là ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty.

Lần này, ông phải xuất hiện theo đề nghị của bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNDirect trước việc các trái chủ lo lắng về dòng tiền của Trung Nam, đặc biệt khi nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (công suất 172 MW) phải dừng vận hành từ tháng 9/2022.

Đây là phần công suất ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận (được hưởng giá FIT theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời). Trước đó, công suất nhà máy điện này vẫn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động trong lúc chờ cơ chế giá điện mới được phê duyệt.

Các chuyên gia tham dự talk show “Chọn danh mục” đã kiến nghị nhiều giải pháp để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường tài chính.

Các chuyên gia tham dự talk show “Chọn danh mục” đã kiến nghị nhiều giải pháp để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường tài chính.

Theo thống kê, các thành viên thuộc Trung Nam Group đã huy động khoảng 26.100 tỷ đồng từ kênh trái phiếu trong giai đoạn tháng 5/2021 - 10/2022.

Ông Thịnh đã chia sẻ thông tin và giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư khá thẳng thắn. Thậm chí, ông còn tiết lộ về thương vụ huy động vốn nước ngoài Trung Nam đang triển khai, mà theo lời ông là “rất ít nhân sự trong Tập đoàn được biết theo cam kết bảo mật thông tin với đối tác nước ngoài”.

Ngoài hội thảo tại Hà Nội, Trung Nam và VNDirect tiếp tục tổ chức một hội thảo quy mô lớn hơn tại TP.HCM, chia sẻ cởi mở thông tin với các nhà đầu tư và cơ quan truyền thông. Sau những sự kiện này, những tin đồn về khả năng có thể xảy ra vỡ nợ trái phiếu của Trung Nam, hay “lãnh đạo tập đoàn này trốn ra nước ngoài” đã chấm dứt. Mà nếu có xuất hiện tin, theo lời một số nhà đầu tư mua trái phiếu Trung Nam, họ cũng không bỏ vào tai nữa.

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được như vậy. Sự căng thẳng trên thị trường tài chính trong hơn một tháng qua, bắt nguồn từ khủng hoảng trên thị trường trái phiếu và những khó khăn trên thị trường tín dụng, dòng tiền tắc nghẽn khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn. Nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khỏi trái phiếu bằng mọi giá, thậm chí có những người chấp nhận chiết khấu tới 30% giá trị trái phiếu do doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 phát hành. Hiện tượng “bond run” xảy ra rầm rộ khiến các quỹ đầu tư trái phiếu không có đủ khả năng thanh toán, mua lại chứng chỉ quỹ như đã cam kết với khách hàng. Thống kê cho thấy có quỹ hàng đầu bị bay 6.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần.

Tình huống khẩn cấp này theo mô tả của ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán AAS, “là rất nguy hiểm vì ngay cả các định chế tài chính lớn cũng chỉ để tỷ lệ 15 - 20% vốn dự phòng cho thanh khoản, nếu nhà đầu tư cấp tập rút tiền vào cùng một thời điểm, rút trước hạn, thanh khoản sẽ căng ngay”.

Một số quỹ trái phiếu trong tuần qua đã phải áp dụng chế độ phân bổ thanh toán. Tức là, nếu như trước kia, nhà đầu tư muốn bán trái phiếu chỉ cần đặt lệnh là được đáp ứng, thì nay họ cứ đặt lệnh, dựa vào tình trạng lệnh nhiều hay ít, khả năng đáp ứng thanh toán của quỹ đến đâu, vài ngày sau nhà đầu tư mới biết mình được thanh toán bao nhiêu phần trăm trong số lệnh đã đặt đó. Tình huống này có thể khiến một số nhà đầu tư thêm lo lắng, chưa kể những người có nhu cầu về tiền mặt lâu nay ngỡ để tiền trong quỹ mở có thể rút bất cứ lúc nào, trở nên “bị động” về thanh khoản.

9 khách mời của chuỗi talkshow “Chọn danh mục” phần II do Báo Đầu tư tổ chức mới đây đều chia sẻ quan điểm rằng “niềm tin đóng vai trò quan trọng bậc nhất trên thị trường tài chính”.

Tại cuộc gặp với lãnh đạo các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh: “Phải có niềm tin, nhà đầu tư mới gửi tiền, mới đầu tư”.

Làm thế nào để nhà đầu tư giải tỏa bớt tâm lý lo lắng, cởi bỏ phần nào tâm lý phòng thủ, giữ chặt tiền mặt mà không đưa vào sản xuất, lưu thông?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khuyến nghị: “Cần người có thẩm quyền của doanh nghiệp cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà đầu tư và cập nhật thường xuyên trên web doanh nghiệp. Khởi kiện, khởi tố nếu thông tin sai”.

Dẫn câu chuyện Samsung vẫn hoạt động tốt khi lãnh đạo bị khởi tố, phạt tù, ông Huỳnh cho rằng, cơ quan chức năng nên xem xét cá thể hoá trách nhiệm hình sự cá nhân, tách khỏi hoạt động doanh nghiệp. Các cơ quan bảo đảm, bảo vệ để doanh nghiệp không bị tê liệt, tài sản không bị đóng băng khi doanh nghiệp có cá nhân bị tạm giam, truy tố…

Gỡ rối cho doanh nghiệp và nền kinh tế

“Cần giải pháp mạnh và cấp thiết”, là ý kiến của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Finn Group. Ông Thuân nhắc lại quan điểm, để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mấu chốt là câu chuyện niềm tin, các giải pháp hướng đến sự minh bạch thông tin.

Thứ nhất, các doanh nghiệp phát hành nên chủ động minh bạch thông tin về triển khai dự án và tiến độ sử dụng vốn qua việc chủ động thu xếp làm việc với đại diện người sở hữu trái phiếu, hoặc từng trái chủ lớn về lãi suất cũng như gia hạn kỳ hạn thanh toán. Trong điều kiện môi trường lãi suất cao hiện nay và các kênh tiền gửi ngân hàng có lãi suất cao hơn đáng kể thì việc chấp nhận tăng lãi suất cho trái chủ tùy theo tiến độ triển khai cũng là điều nên làm.

Thứ hai, kênh phát hành chào bán đại chúng nên được khơi thông bởi các cơ quan quản lý. Chào bán đại chúng với các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin, có thể tiếp cận được bất kỳ đối tượng nhà đầu tư nào, cả tổ chức và cá nhân. Kênh này hầu như bị các doanh nghiệp “bỏ quên” nhiều năm qua bởi việc phát hành riêng lẻ quá dễ dãi, không phải qua thẩm định, phê duyệt hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Thuân cũng nhấn mạnh, các chính sách nhằm khơi thông tín dụng bất động sản nên là tâm điểm của các chính sách can thiệp. Hiện dư nợ tín dụng bất động sản tại Việt Nam ở mức khoảng 22%, trong đó khoảng 14% dành cho người mua nhà và 8% dành cho kinh doanh bất động sản. Mức đòn bẩy này trên bình diện chung của hệ thống là chưa cao (ví dụ ở Trung Quốc khoảng 38% vào cuối năm 2021).

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, “quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội”.

Bên cạnh đẩy mạnh chi tiêu hàng trăm nghìn tỷ đồng đang ứ đọng, nhất là đầu tư công, cần nghiên cứu các gói không còn “hợp thời” phải linh hoạt chuyển tiền sang các lĩnh vực khác.

Ông Thành kiến nghị 3 giải pháp xử lý cấp thiết: Một là, minh bạch thông tin và cam kết của nhà hoạch định chính sách, cam kết của Chính phủ phải rất rõ; hai là, cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn này phải làm sao cho hài hoà hơn, khéo hơn, cách xử thế nào rất quan trọng; ba là, gói giải cứu như của Trung Quốc rất đáng xem xét.

“Vấn đề mình đã nhìn ra rồi, chỉ còn cách ứng xử. Chúng ta phải nhìn thị trường để thay đổi trong thế giới biến động nhanh, để giảm bớt khó khăn và tốt dần lên”, ông Thành bày tỏ quan điểm.

Tin bài liên quan