T+0, chu kỳ thanh toán phổ biến trên thế giới, chưa biết khi nào mới có thể triển khai.

T+0, chu kỳ thanh toán phổ biến trên thế giới, chưa biết khi nào mới có thể triển khai.

Thị trường chứng khoán ngóng sản phẩm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 22 năm thị trường chứng khoán đi vào vận hành, giới đầu tư vẫn sốt ruột chờ đợi sự ra mắt của nhiều dự án, sản phẩm.

Tiếp tục chờ… hệ thống KRX

Tiến độ triển khai hệ thống giao dịch mới mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) phối hợp với nhà thầu KRX tiếp tục chậm trễ so với dự kiến.

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi dòng tiền cá nhân ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, thanh khoản tăng đột biến, hệ thống giao dịch của sàn HOSE thường xuyên rơi vào tình trạng “nghẽn lệnh”, gây bức xúc cho giới đầu tư.

Nhiều giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng để khắc phục tình trạng này như nâng lô giao dịch từ tối thiểu 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu, chuyển cổ phiếu từ HOSE sang giao dịch trên HNX. FPT cũng đã vào cuộc khắc phục hệ thống phần mềm giao dịch của HOSE, theo đó nâng khả năng xử lý lệnh gấp 3-5 lần so với hệ thống cũ.

Tuy vậy, đó chỉ là những giải pháp tạm thời, giới đầu tư vẫn chờ đợi hệ thống KRX do đối tác Hàn Quốc thực hiện (bắt đầu triển khai từ nhiều năm trước) đi vào vận hành. Bởi lẽ, thị trường kỳ vọng việc đưa hệ thống KRX vào vận hành là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai một số sản phẩm, nghiệp vụ mới như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống, quyền chọn cổ phiếu…

Tuy vậy, đã hơn một năm kể từ khi xảy ra sự cố nghẽn lệnh, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, lãnh đạo HOSE cho biết, hiện tại dự án đã xong giai đoạn kiểm thử nội bộ đối với 3 đơn vị HOSE, HNX, VSD, “nhưng việc test với các thành viên thị trường thì vẫn phải thực hiện nhiều lần, sau đó sẽ thực hiện chạy thử với toàn bộ thành viên thị trường”.

Dù vậy, những người trong cuộc cũng thừa nhận, hệ thống KRX rất phức tạp nên đòi hỏi nhiều thời gian để vận hành.

“Hiện HOSE đang phối hợp chặt chẽ với các thành viên trên thị trường để nỗ lực sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào hoạt động, đảm bảo vận hành thị trường liên tục hiệu quả, an toàn về hệ thống và xuyên suốt về thông tin”, lãnh đạo HOSE chia sẻ.

Trong cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ đạo cơ quan này và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Theo kế hoạch, hệ thống KRX sẽ đi vào vận hành trong năm nay, tạo nền tảng để có được cải cách khác liên quan đến vận hành thị trường.

Mòn mỏi ngóng T+0

Có 2 nội dung liên quan sản phẩm VSD cần chuẩn bị trên nền tảng công nghệ mới dù đã có khung pháp lý, đó là mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở. Hiện tại, VSD đang gấp rút để áp dụng thời gian thanh toán T+2.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó giám đốc VSD chia sẻ, dự kiến ngày 29/8 tới, nếu được UBCK phê duyệt, VSD sẽ chính thức triển khai áp dụng việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán theo chu kỳ T+2 theo dự thảo Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ giao dịch được vào chiều ngày T+2 khi chứng khoán và tiền đã được hoàn tất thanh toán (T+1,5), không phải đợi tới ngày T+3 như hiện nay.

Trong khi đó, sản phẩm được thị trường chờ đợi là mua bán trong ngày (T+0), cũng được tích hợp trong gói thầu KRX, hiện VSD đã chuẩn bị pháp lý, cấu phần hệ thống cần có. T+0 nếu được triển khai sẽ là cột mốc đánh dấu sự phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dù vậy, lãnh đạo VSD cho biết, hệ thống mới khi đi vào vận hành chỉ mới là điều kiện cần, còn để thực hiện ngay sản phẩm T+0 mà thị trường đang mong ngóng thì phải chờ quyết định của cơ quan quản lý.

Bởi kỳ vọng tăng tính thanh khoản cho thị trường nhưng T+0 tiềm ẩn rủi ro mất khả năng thanh toán trong quá trình thực hiện giao dịch nếu thiếu một quy trình quản lý rủi ro một cách nghiêm túc, chặt chẽ vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến vận hành thị trường.

Hơn nữa, giao dịch trong ngày được đánh giá là kỹ thuật giao dịch rất phức tạp, có tính rủi ro cao nên chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, tại một số thị trường, giao dịch trong ngày chỉ được áp dụng kèm theo những điều kiện nhất định.

Việc cho phép vừa mua, vừa bán chứng khoán trong ngày là một trong những cơ chế giao dịch được quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC nhằm góp phần cải thiện thanh khoản, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được thực hiện trong sự sốt ruột của nhà đầu tư và nhiều thành viên thị trường.

Theo lãnh đạo VSD, để triển khai thành công bất kỳ sản phẩm hay nghiệp vụ mới nào của thị trường chứng khoán, bên cạnh sự sẵn sàng về hệ thống công nghệ thì còn cần đến sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế khắc phục các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

Để triển khai thành công, bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức hạ tầng thị trường, bao gồm VSD và các sở giao dịch chứng khoán, tiến độ triển khai còn phụ thuộc vào các thành viên thị trường, nhất là trong vấn đề thiết lập cơ chế kiểm soát và xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán.

Nút thắt cho nâng hạng thị trường chậm được tháo gỡ

Nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu lớn của Chính phủ, của cơ quan quản lý đặt ra với thị trường chứng khoán và là sự kiện được mong chờ vào bậc nhất của giới đầu tư. Bởi lẽ, việc nâng hạng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá cao hơn, qua đó, thu hút dòng vốn quốc tế tốt hơn. Thị trường chứng khoán không ít lần “nổi sóng” nhờ câu chuyện liên quan đến nâng hạng thị trường.

Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu thị trường được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Các chuyên gia đã nhiều lần đưa ra nhận định lộ trình nâng hạng thị trường có thể thực hiện sớm hơn mốc 2025.

Theo công bố mới đây của Tổ chức MSCI về kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, một lần nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam không lọt vào danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi.

Điều này cũng không nằm ngoài dự đoán, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí như giới hạn sở hữu nước ngoài, room ngoại còn lại, quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, đăng ký đầu tư và mở tài khoản, các quy định về thị trường, luồng thông tin, thanh toán bù trừ và khả năng chuyển nhượng…

Nhìn lại quá trình phấn đấu nâng hạng, mà quyết liệt nhất là từ năm 2018, cho đến nay, sau gần 4 năm, thị trường Việt Nam chưa có nhiều chuyển động mới về tiêu chí nâng hạng của FTSE.

Thực tế, quá trình nỗ lực nâng hạng thị trường của Việt Nam đang được MSCI - một trong những công ty cung cấp chỉ số uy tín nhất trên toàn cầu và một trong những chỉ số nổi bật nhất được giới đầu tư tham chiếu là chỉ số thị trường mới nổi (MSCI EM Index) - đánh giá tích cực ở cả góc độ thay đổi chính sách, sản phẩm...

Tuy vậy, triển vọng nâng hạng thị trường Việt Nam vẫn cần thêm nhiều thời gian và nhiều nỗ lực thay đổi, đặc biệt là ở góc độ chất lượng của doanh nghiệp và thị trường, đây là điều nhà đầu tư quan tâm hơn hết.

Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, nâng hạng vẫn còn là câu chuyện dài, phải sang năm 2023 mới có thể có những điểm kỳ vọng mới.

Trong đó, với FTSE cũng như các quỹ ETF, vấn đề quan tâm nhất vẫn là room cho nhà đầu tư nước ngoài, vì họ rất e ngại thị trường mất thanh khoản, nhất là các thị trường mà lượng cổ phiếu chuyển nhượng tự do (freeloat) thấp, room lại bị giới hạn.

Đơn cử, một doanh nghiệp niêm yết có room 49%, nhưng tỷ lệ freefloat chỉ 5% thì số lượng họ mua được trên thị trường là rất ít. Vừa qua, FTSE ra thêm các tiêu chí mới, trong đó ràng buộc kỹ về tỷ lệ freefloat, điều hướng đến cuối cùng vẫn là có thể mua bao nhiêu, bán bao nhiêu.

Tin bài liên quan