Thị trường chứng khoán: Tàu lượn không dành cho người yếu tim

Thị trường chứng khoán: Tàu lượn không dành cho người yếu tim

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham gia thị trường chứng khoán, mục tiêu hàng đầu của nhà đầu tư là kiếm lời. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị thị trường “vạc đến tận xương”, đặc biệt là những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Một năm đáng quên

Tháng 4/2021, nghe theo hô hào của một số hội nhóm về việc sẽ nhân đôi, nhân ba tài khoản khi đầu tư cổ phiếu DIG, chị Mai (Hà Nội) đã dành phần lớn số tiền tiết kiệm được để mua 20.000 cổ phiếu DIG ở vùng giá 60.000 - 70.000 đồng/cổ phiếu. Chị tin tưởng cổ phiếu này sẽ lên mức 150.000 đồng/cổ phiếu như “cam kết” của thủ lĩnh nhóm.

Thế nên, đầu năm 2022, khi DIG vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu, chị Mai vẫn quyết giữ chặt, không bán. Vậy nhưng, thị trường chứng khoán năm 2022 có những biến động “quái gở” nhất, như lời của nhiều broker, nên tài khoản của chị có thời điểm mất gần 80%. Dù thị giá DIG có nhịp phục hồi so với vùng đáy, song “đường về bờ” của nhà đầu tư này vẫn còn rất xa.

Không chỉ DIG, cổ phiếu từng được mệnh danh là “cổ phiếu quốc dân” như HPG cũng khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ không ít. Nhiều cổ phiếu bất động sản như NVL, PDR, HPX... cũng có chuỗi hàng chục phiên nằm sàn liên tục.

Anh Nam, một nhà đầu tư ở Hà Nội cũng chia sẻ, do “đu” theo cổ phiếu L14 và CEO mà bay mất gần 1 tỷ đồng. Trong khi đó, đối với một số nhà đầu tư “tay to” hơn, giá trị vốn hóa cổ phiếu L14 trong tài khoản có thời điểm đạt hơn 100 tỷ đồng cũng giảm còn hơn 8 tỷ đồng.

Giai đoạn 2020 - 2021 là thời kỳ hoàng kim cho thị trường chứng khoán, trong môi trường lãi suất thấp, bí kênh đầu tư, dòng tiền rẻ liên tục đổ vào thị trường, giúp chỉ số VN-Index tăng trưởng mạnh (tăng 36% trong năm 2021), thanh khoản liên tục lập kỷ lục mới.

Sự hưng phấn cũng lan tỏa trên diện rộng với tất cả các cổ phiếu đều ghi nhận mức tăng giá vài chục phần trăm trong giai đoạn này, cá biệt có những cổ phiếu tăng vài chục lần, làm cho kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn bao giờ hết. Làn sóng này cuốn theo nhà đầu tư mới tham gia thị trường, thường được gọi là nhà đầu tư F0.

Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, khi thị trường chuyển biến xấu, với hàng loạt yếu tố vĩ mô thay đổi nhanh trong năm 2022 thì nhiều nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức cần thiết bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Điều đó có thể thấy rõ khi thị trường giảm mạnh từ đỉnh, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “cố thủ” không hạ đòn bẩy tài chính cũng như tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ, với niềm tin rằng khả năng thị trường xuống rồi sẽ sớm lên lại. Kết quả là nhiều nhà đầu tư chịu mất mát nặng, thậm chí bay tài khoản vì bị forcell.

Đầu tư chứng khoán chưa bao giờ dễ dàng

Nhà đầu tư cần giữ vững tâm lý, tránh sự ảnh hưởng bởi biến động mạnh trong ngắn hạn của thị trường.

Tham gia thị trường chứng khoán, mục tiêu hàng đầu của nhà đầu tư là kiếm lời, nhưng thực tế thì nhiều nhà đầu tư đã “bầm dập” với thị trường này.

Đầu tư chứng khoán không phải là một công việc dễ dàng, mà phải cần có kiến thức, thời gian, kinh nghiệm, sự chăm chỉ rèn luyện cả về kỹ năng và tâm lý. Sẽ có những giai đoạn mà nhiều nhà đầu tư cảm thấy rất dễ dàng để kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán (như giai đoạn từ đầu 2020 đến cuối năm 2021). Nhưng ngay khi chúng ta cảm thấy mọi việc dễ dàng thì đó là lúc rủi ro bắt đầu xuất hiện ngày càng lớn.

Lời khuyên được ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đưa ra là, hãy đầu tư vào những công ty mà vòng tròn năng lực của bạn có thể thật sự thấu hiểu về hoạt động kinh doanh và tiềm năng của chúng.

Trong hoạt động đầu tư, hãy chú trọng đến hoạt động kiểm soát rủi ro hơn là tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng trong ngắn hạn. Cuối cùng, bản chất của thị trường luôn có tính chu kỳ. Những giai đoạn sụt giảm của thị trường sẽ không kéo dài mãi mãi, do đó, hãy kiên nhẫn và đầu tư với tầm nhìn dài hạn.

Dường như “tàu lượn” chứng khoán không dành cho những nhà đầu tư chứng khoán yếu tim. Làm như thế nào để nhà đầu tư tránh được rủi ro cũng như đầu tư hiệu quả hơn là một câu hỏi lớn với nhiều người.

Thực tế, lợi nhuận kỳ vọng luôn đi cùng với rủi ro hiện hữu, nhà đầu tư cần phân tích thực tế, chấp nhận và xác định rõ các vấn đề này sẽ giúp thiết lập chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp với mục tiêu đầu tư cá nhân.

Việc trang bị kiến thức, tích lũy kinh nghiệm là yếu tố cần thiết, nếu nhà đầu tư muốn tự mình ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần giữ vững tâm lý, tránh sự ảnh hưởng bởi biến động mạnh trong ngắn hạn của thị trường, khiến chúng ta có tâm lý đốt cháy giai đoạn để nắm lấy cơ hội.

Nhiều nhận định cho rằng, trong năm 2023, thị trường sẽ ổn định hơn khi những dự phóng tiêu cực hiện tại phần nhiều đã được phản ánh vào năm qua. Tuy vậy, dù có vẻ như mọi yếu tố vĩ mô đang diễn ra đúng theo kỳ vọng với tình hình lạm phát đang dần giảm xuống sau khi các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất thì áp lực rủi ro về một cuộc suy thoái kinh tế cũng tăng dần.

Trong trường hợp suy thoái kinh tế mạnh hơn so với những gì được dự kiến thì nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện một đợt suy giảm mạnh nữa. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần cẩn thận quan sát và phân tích tình hình kinh tế vĩ mô thế giới.

Ông Tuấn Anh, người sáng lập FinPeace cho rằng, thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đang có rất nhiều lựa chọn từ nhóm cổ phiếu tấn công đến nhóm phòng thủ. Đặc biệt, nhà đầu tư đang bước vào khu vực giá được chiết khấu mạnh so với vùng đỉnh, đây chính là lợi thế để cân nhắc giải ngân.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, khi xây dựng một danh mục đầu tư, khẩu vị rủi ro cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, nhà đầu tư đang ở độ tuổi 40 - 45, nên xây dựng danh mục đầu tư có tỷ lệ cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu tăng trưởng tăng trưởng 50:50.

Thực tế, thị trường chứng khoán biến động mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư luôn xao động. Do vậy, khi thị trường sụt giảm, có hai điều nhà đầu tư nên làm là hạn chế mua bằng vay nợ và giữ vững niềm tin vào kênh đầu tư này.

Tin bài liên quan