Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 16-23/7: Giá dầu và bông tăng liên tiếp 4 tuần, thép cũng đi lên, trái chiều với quặng sắt, vàng, đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 16-23/7, thị trường hàng hóa chứng kiến sự biến động mạnh trong mỗi nhóm mặt hàng, chẳng hạn giá dầu tăng 4 tuần liên tiếp trong khi khí tự nhiên tiếp tục giảm giá, hay như giá thép tiếp tục đi lên còn quặng sắt thì giảm…
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 16-23/7: Giá dầu và bông tăng liên tiếp 4 tuần, thép cũng đi lên, trái chiều với quặng sắt, vàng, đồng

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp, khí tự nhiên giảm

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng vào thứ Sáu (21/7), ghi nhận mức tăng hàng tuần thứ tư liên tiếp, được hỗ trợ bởi thông tin nguồn cung giảm trong những tháng tới.

Cụ thể, dầu thô Brent tăng 1,43 USD (+1,8%) lên 81,07 USD/thùng, với mức tăng hàng tuần khoảng 1,2%. Dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,42 USD (+1,9%) lên 77,07 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2023 và tăng gần 2% trong tuần.

Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô đã giảm trong tuần trước trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô tăng vọt và nhà máy lọc dầu tăng sản lượng. Trước đó ngày 17/7/2023, EIA đã dự báo sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ có khả năng giảm lần đầu tiên trong tháng 8/2023, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Trong khi đó, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần qua đã ngừng hoạt động 7 giàn khoan dầu, mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 6/2023. Số lượng giàn khoan đang hoạt động là 530 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

Chính quyền Trung Quốc đã lên kế hoạch giúp thúc đẩy doanh số bán ô tô và đồ điện tử, một động thái được các nhà đầu tư hoan nghênh với hy vọng sẽ vực dậy nền kinh tế của đất nước.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm vào thứ Sáu (21/7) do dự báo nhu cầu vào tuần tới ít hơn so với dự kiến trước đó đã bù đắp cho sản lượng hàng ngày thấp hơn và thời tiết nóng hơn bình thường kéo dài đến đầu tháng 8/2023, đặc biệt là ở Texas và California.

Nhu cầu điện ở Texas đạt mức cao kỷ lục khi các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng điều hòa không khí để thoát khỏi đợt nắng nóng kéo dài. Vào năm 2022, khoảng 49% năng lượng của bang đến từ các nhà máy chạy bằng khí đốt, phần lớn còn lại đến từ gió (22%), than đá (16%), hạt nhân (8%) và năng lượng mặt trời (4%), dữ liệu năng lượng Liên bang cho thấy.

Cụ thể, giá LNG giao tháng 8/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 4,4 cent (-1,6%) về mức 2,713 USD/mmBTU. Tuy nhiên, trong tuần, hợp đồng này vẫn tăng khoảng 7%, xóa hầu hết các khoản lỗ khoảng 9% trong hai tuần trước đó.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 101,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 7/2023, từ mức 101,0 bcfd trong tháng 6. Điều đó so sánh với kỷ lục hàng tháng là 101,8 bcfd vào tháng 5.

Các nhà khí tượng học dự báo thời tiết nóng hơn bình thường ở 48 tiểu bang cho đến ít nhất là ngày 5/8/2023.

Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 105,7 bcfd trong tuần này và tiếp theo là 107,7 bcfd trong hai tuần. Dự báo cho tuần tới thấp hơn so với triển vọng của Refinitiv vào thứ Năm.

Lưu lượng khí đốt đến 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên mức trung bình 12,7 bcfd cho đến nay trong tháng 7 từ mức 11,6 bcfd trong tháng 6.

Kim loại: Giá vàng, đồng, quặng sắt tiếp tục đi xuống, ngược với giá thép

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm và rời khỏi mức cao nhất 2 tháng do USD tăng mạnh và các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Theo đó, vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% về 1.962,85 USD/ounce, song cả tuần vẫn tăng 0,4% và vàng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn New York giảm 0,2% về 1.966,6 USD/ounce.

Chỉ số USD tăng 0,2% lên mức cao nhất hơn 1 tuần, sau dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tích cực, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng và các kim loại công nghiệp trên sàn London đều giảm, khi các nhà đầu tư thất vọng về các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế bởi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc công bố.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,6% về 8.436 USD/tấn, sau khi tăng trong phiên trước đó.

Chính quyền Trung Quốc đã công bố các biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ ô tô và các mặt hàng điện tử như là một phần của nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trì trệ.

Ngoài ra, chỉ số USD tăng cũng gây áp lực thị trường, khiến hàng hóa được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Về nhóm kim loại đen, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm trở lại sau khi tăng phiên trước đó, bởi lĩnh vực bất động sản đang chững lại và sản xuất thép hạn chế.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Đại Liên giảm 0,1% xuống 846,5 CNY (118,09 USD)/tấn. Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn Singapore giảm 0,9% xuống 113,8 USD/tấn.

Mysteel cho biết, một số nhà máy thép ở Đường Sơn đã nhận được thông báo về việc tạm ngừng 1 lò cao cho đến cuối tháng. Trong báo cáo mới nhất của Mysteel, 7 lò cao tại Đường Sơn với tổng công suất sản xuất là 26.000 tấn/ngày, dự kiến sẽ được bảo trì từ ngày 21-31/7/2023.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,4%; thép cuộn cán nóng tăng 1,5%; thép cuộn tăng 0,7% và thép không gỉ tăng 1,3%.

Nông sản: Ngô và lúa mì giảm giá, đậu tương biến động trái chiều

Giá lúa mì tại Mỹ giảm 4,1%, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời, khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng, làm dấy lên lo ngại khả năng xuất khẩu từ 2 nước cung cấp chính trên toàn cầu bị gián đoạn.

Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 29-1/2 US cent xuống 6,97-1/2 USD/bushel. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 5,4%.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2023 giảm 10 US cent xuống 5,36-1/4 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2023 giảm 3 US cent xuống 14,01-3/4 USD/bushel, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2023 tăng 6 US cent lên 15,01 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cà phê, đường, dầu cọ cùng tăng, bông tăng 4 tuần liên tiếp, cao su đi xuống

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn ICE tăng 0,34 US cent (+1,4%) lên 25,01 US cent/lb. Tính chung cả tuần, giá đường thô tăng 2,8%. Đồng thời, giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 12,7 USD (+1,8%) lên 701,6 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn ICE tăng 3,8 US cent (+2,4%) lên 1,6185 USD/lb. Đồng thời, giá cà phê robusta cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 66 USD (+2,6%) lên 2.602 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất gần 2 năm, khi lĩnh vực ô tô Trung Quốc đã không hỗ trợ thị trường, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiếp tục trì trệ.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 12/2023 trên sàn Osaka giảm 1,3 JPY (-0,6%) xuống 202 JPY (1,44 USD)/kg - thấp nhất kể từ tháng 9/2021 và cả tuần giảm 1,5%. Tính đến nay, giá cao su đã giảm 4,7% kể từ tuần tăng cuối cùng vào ngày 9/6/2023.

Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 105 CNY xuống 12.115 CNY (1.690,36 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 8/2023 giảm 0,2% xuống 128,3 US cent/kg.

Chính quyền Trung Quốc đã công bố các biện pháp thúc đẩy doanh số bán ô tô và đồ điện tử nhằm vực dậy nền kinh tế trì trệ, song không gây ấn tượng đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm nhẹ trong phiên 22/6 do hoạt động chốt lời, song vẫn có tuần tăng thứ 4 liên tiếp do xuất khẩu trong tháng 7/2023 tăng và lo ngại nguồn cung dầu thực vật từ khu vực Biển Đen.

Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn Bursa Malaysia giảm 3 ringgit (-0,07%) xuống 4.043 ringgit (887,21 USD)/tấn, sau khi tăng 0,8% trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 4,2%.

Giá bông gây chú ý với tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, giá bông đóng cửa tuần giao dịch vừa qua với cả 5 phiên tăng giá, tương đương mức tăng 4,01% lên 1.862,46 USD/tấn và là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp. Nhu cầu về bông dần hồi phục là nguyên nhân chính hỗ trợ giá.

Chỉ số Dollar Index giảm giúp giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó kích thích lực mua trên thị trường. Dữ liệu bán hàng bông trong tuần kết thúc ngày 13/7/2023 tại Mỹ diễn biến tích cực hơn so với tuần trước đó cũng góp phần thúc đẩy giá tăng. Cụ thể, quốc gia này đã bán ra 67.100 kiện bông, tăng gần 3 lần so với mức 23.100 kiện trong tuần trước đó.

Vào cuối tuần, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Mỹ cho biết, nước này sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu bông theo thuế suất trượt lên tới 750.000 tấn bông cho các công ty quốc doanh. Điều này càng góp phần thúc đẩy nhu cầu về bông sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan