Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 2-9/12: Giá dầu giảm 7 tuần liên tục, vàng giảm mạnh nhất 10 tuần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 2-9/12, ngoại trừ đồng, quặng sắt, thép…, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến sự giảm giá của các mặt hàng khác, trong đó giá dầu giảm 7 tuần liên tục, vàng giảm mạnh nhất 10 tuần.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 2-9/12: Giá dầu giảm 7 tuần liên tục, vàng giảm mạnh nhất 10 tuần

Năng lượng: Giá dầu và khí tự nhiên giảm 7 tuần và 5 tuần liên tục

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tăng trong phiên cuối tuần qua (8/12) sau số liệu của Mỹ hỗ trợ kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu, song cả 2 loại dầu đều giảm tuần thứ 7 liên tiếp - chuỗi giảm hàng tuần dài nhất trong nửa thập kỷ, do lo ngại tình trạng dư cung kéo dài.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 8/12, dầu thô Brent tăng 1,79 USD (+2,4%) lên 75,84 USD/thùng và dầu thô Tây Texas (WTI) tăng 1,89 USD (+2,7%) lên 71,23 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, cả hai loại dầu đều giảm 3,8% - sau khi chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023.

Ngoài ra, giá dầu giảm khi hải quan Trung Quốc cho thấy rằng, nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11/2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái do tồn trữ ở mức cao, các chỉ số kinh tế suy yếu và các đơn đặt hàng từ các nhà máy lọc dầu độc lập chậm lại khiến nhu cầu suy giảm.

Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên tại Mỹ tiếp tục giảm do xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt mức cao kỷ lục, bù đắp dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm đến cuối tháng 12/2023 giảm.

Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn New York giảm 0,4 US cent (-0,2%) xuống 2,5815 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá giảm 8% sau khi giảm 1% trong tuần trước đó. Đây là tuần giảm thứ 5 liên tiếp - lần đầu tiên kể từ tháng 2/2023.

Kim loại: Vàng giảm mạnh nhất 10 tuần; đồng, quặng sắt, thép đều tăng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, sau khi các thương nhân giảm đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ thành hiện thực vào tháng 3/2024, sau số liệu việc làm cao hơn so với dự kiến.

Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,4% về 2.000,49 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp 1.994,49 USD/ounce trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 3,4% - tuần giảm mạnh nhất trong 10 tuần. Vàng kỳ hạn tháng 2/2024 trên sàn New York giảm 1,6% xuống 2.014,5 USD/ounce.

Tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 11/2023 tăng mạnh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% - cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của thị trường lao động khiến các thương nhân đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đến tháng 5/2024 mới đưa ra đợt giảm lãi suất đầu tiên trong một loạt đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Chỉ số USD ghi nhận tuần tăng 0,7% - khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với khách hàng nước ngoài, cùng với đó là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hồi phục từ mức thấp nhất 3 tháng.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng trên sàn London tăng, được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng tại thị trường kim loại hàng đầu Trung Quốc và kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất trong năm tới sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,3% lên 8.450 USD/tấn.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2023 tăng lần đầu tiên trong 6 tháng và nhập khẩu đồng tăng 10,1% so với tháng trước đó lên mức cao nhất trong gần 2 năm.

Giá thiếc trên sàn LME giảm 0,5% xuống 24.550 USD/tấn, song có tuần tăng 3,5% - mạnh nhất kể từ ngày 7/7/2023.

Tồn kho nikel trong các kho đăng ký với sàn LME đã tăng cao nhất 10 tháng lên mức 48.360 tấn, sau khi giao 2.016 tấn tại Rotterdam, phần nào cho thấy tình trạng dư thừa toàn cầu trên thị trường kim loại được sử dụng trong lĩnh vực thép không gỉ và pin xe điện, từ đó ảnh hưởng đến giá.

Hiện tại, giá niken ở quanh mức 16.580 USD/tấn, là kim loại có diễn biến tệ nhất trên sàn LME năm nay, hướng tới mức giảm 45%, mức sụt giảm hàng năm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ít nhất 1/3 số công ty khai thác nikel trên toàn cầu đang thua lỗ ở mức giá hiện tại.

Sự sụt giảm chủ yếu là do nguồn cung tăng từ Indonesia, bán khống và giảm thanh khoản kể từ khi cuộc khủng hoảng nikel nổ ra trên sàn LME vào tháng 3/2022, khi giá tăng gấp đôi sau vài giờ và sàn giao dịch đình chỉ giao dịch. LME đã cố gắng tăng tính thanh khoản trong hợp đồng nikel của mình bằng cách thu hút các nhà cung cấp mới và tăng lượng tồn kho từ mức thấp lịch sử.

Ở nhóm kim loại đen, hợp đồng quặng sắt tháng 5/2024 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) chốt phiên 8/12 tăng 2,4% lên 958,5 CNY (tương đương 133,86 USD)/tấn. Hợp đồng chuẩn đã tăng 3,8% trong tuần qua - ghi nhận tuần tăng tốt nhất trong 5 tuần qua.

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt chuẩn tháng 1/2024 tăng 0,9% lên 133,9 USD/tấn.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng lần đầu tiên sau 6 tháng trong tháng 11/2023, cho thấy các nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thu hút người mua thông qua chiết khấu giá để vượt qua nhu cầu sụt giảm kéo dài. Dữ liệu hải quan cho thấy, nhập khẩu quặng sắt của nước này trong tháng 11 tăng 3,4% so với tháng 10.

Công ty khai thác Brazil Vale - một trong những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đã giữ mục tiêu sản xuất trong năm thứ hai liên tiếp do nhu cầu của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến.

Rio Tinto đã đẩy nhanh việc bắt đầu sản xuất từ dự án quặng sắt khổng lồ Simandou lên một năm trước đó, điều này sẽ bổ sung khoảng 5% vào nguồn cung đường biển toàn cầu.

Các nhà phân tích của ING cho biết, dự báo sản lượng ổn định từ các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá nguyên liệu thô tăng trong năm 2024, dựa trên kỳ vọng nhu cầu hạ nguồn sẽ phục hồi.

Tất cả các tiêu chuẩn thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đều tăng. Cụ thể, hợp đồng cốt thép được giao dịch nhiều nhất tăng 1,3%; thép cuộn tăng 1,8%; thép thanh tăng 0,4% và thép không gỉ tăng 1%.

Trong số các nguyên liệu sản xuất thép khác, giá than cốc Đại Liên giảm 1,6% và giá than luyện cốc tăng 0,8%.

Nông sản: Lúa mì tăng giá, đi ngược đậu tương và ngô

Trên sàn Chicago, Mỹ, giá đậu tương giảm do bớt lo ngại về nguồn cung hạt có dầu toàn cầu. Cụ thể, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2024 giảm 7-3/4 US cent về 13,04 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất 1 tuần (13,3-3/4 USD/bushel). Tính cả tuần, giá đậu tương giảm 21 US cent (-1,6%).

Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 2-1/2 US cent về 4,85-1/2 USD/bushel.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 10-1/2 US cent về 6,31-3/4 USD/bushel, nhưng cả tuần vẫn tăng 4,8%.

Nguyên liệu công nghiệp: Đồng loạt giảm giá, cao su Nhật Bản xuống mức thấp nhất 2,5 năm

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô trên sàn ICE tăng, song có tuần giảm 6,9% do áp lực từ nguồn cung tăng tại nước sản xuất hàng đầu Brazil và triển vọng sản lượng tăng cao tại Ấn Độ.

Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn ICE tăng 0,33 US cent (+1,4%) lên 23,36 US cent/lb trong phiên 8/12, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng (22,8 US cent/lb) trong phiên trước đó. Dẫu vậy, giá đường đã giảm gần 14% trong 2 tuần qua. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn London tăng 1,3% lên 654,4 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn ICE giảm 0,2% xuống 1,7715 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 5,5 tháng trong tuần trước đó. Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn London giảm 0,8% xuống 2.569 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm do JPY tăng mạnh và số liệu kinh tế đáng thất vọng. Cụ thể, gá cao su kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn Osaka giảm 3,1 JPY (-1,3%) xuống 237,5 JPY (1,65 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 7,5% - tuần giảm mạnh nhất trong 2,5 năm qua.

Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn Thượng Hải tăng 345 CNY (+2,6%) lên 13.620 CNY (1.903,19 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn Singapore tăng 1,2% lên 143,9 US cent/kg.

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng, qua đó ngắt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp, nhờ giá dầu thực vật khác tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2024 trên sàn Bursa Malaysia tăng 39 ringgit (+1,05%) lên 3.741 ringgit (802,45 USD)/tấn tron phiên 8/12.

Tuy nhiên, tính cả tuần, giá mặt hàng này vẫn giảm 3,43% - thấp nhất kể từ ngày 20/10/2023.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan