Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 23-30/3: Ca cao lập kỷ lục giá mới, dầu và vàng tăng nhiều tháng liên tục

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 23-30/3: Ca cao lập kỷ lục giá mới, dầu và vàng tăng nhiều tháng liên tục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)   Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng tháng 3, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến mặt hàng ca cao lập kỷ lục giá mới 9.766 USD/tấn, dầu ghi nhận tăng 3 tháng liên tiếp, còn với vàng là 6 tháng liên tục...

Năng lượng: Giá dầu tăng 3 tháng liên tiếp

Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên cuối tuần qua (28/3) do triển vọng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong bối cảnh cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga liên tục bị tấn công và số lượng giàn khoan của Mỹ giảm khiến nguồn cung dầu thô thắt chặt.

Cụ thể, kết phiên, dầu Brent kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 1,39 USD (+1,6%) lên 87,48 USD/thùng - cao nhất kể từ ngày 27/10/2023; dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6/2024 tăng 1,58 USD lên 87 USD/thùng. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 1,82 USD (+2,2%) lên 83,17 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, dầu Brent tăng 2,4% và dầu WTI tăng 3,2%. Cả 2 loại dầu đều có tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Trong tháng 3/2024, giá dầu tăng khoảng 5%.

Giá dầu chịu áp lực do tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ bất ngờ tăng vào tuần trước do nhập khẩu dầu thô tăng và nhu cầu xăng chậm chạp. Tuy nhiên, tồn trữ dầu thô thực tế tăng ít hơn mức Viện Dầu khí Mỹ dự kiến.

Tỷ lệ sử dụng công suất tại các nhà máy lọc dầu của Mỹ, tăng 0,9 điểm phần trăm trong tuần trước, cũng hỗ trợ giá. Theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí đốt - một chỉ số dự báo sớm về sản lượng tương lai - giảm 3 giàn xuống 621 giàn trong tuần tính đến ngày 28/3/2024.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ trong quý 4 tăng trưởng nhanh hơn ước tính trước đó. Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng sản phẩm quốc nội tăng với tốc độ 3,4% hàng năm so với mức 3,2% được báo cáo trước đó.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi các tín hiệu từ cuộc họp vào tuần tới của Ủy ban Giám sát chung Bộ trưởng của Nhóm sản xuất Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Rủi ro địa chính trị gia tăng đã làm tăng kỳ vọng về khả năng gián đoạn nguồn cung, nhưng OPEC+ khó có thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào về chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng đầy đủ vào tháng 6.

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga cũng đã thúc đẩy tâm lý xung quanh việc nguồn cung dầu thô toàn cầu đang thắt chặt và giúp hỗ trợ giá dầu.

Kim loại: Giá vàng bật mạnh, tăng quý thứ 2 liên tiếp; đồng vững giá, nhôm và thiếc giảm nhẹ; giá quặng sắt giảm, thép biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng phiên 28/3 đạt mức cao kỷ lục và tính chung trong tháng 3/2024 tăng mạnh nhất trong hơn 3 năm qua do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp cắt giảm lãi suất và nhu cầu trú ẩn an toàn tăng.

Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 2.220,85 USD/ounce, đầu phiên có lúc giá đạt 2.225,09 USD/ounce - mức cao kỷ lục. Vàng kỳ hạn tháng 4/2024 tăng 1,2% lên 2.238,4 USD/ounce.

Như vậy, trong tháng 3/2024, giá vàng tăng 9% - tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020 và có quý tăng thứ 2 liên tiếp.

Một số kim loại quý khác: Bạc tăng 0,7% lên 24,82 USD/ounce; bạch kim tăng 1,4% lên 906,33 USD/ounce và palladium tăng 3% lên 1.012,72 USD/ounce. Cả 3 kim loại đều tăng trong tháng.

Daniel Ghali - chiến lược gia hàng hóa của TD Securities cho biết, các nhà giao dịch “đang có vị thế ổn định trước kỳ nghỉ lễ và hoạt động giao dịch (tăng) vào cuối tháng và cuối quý”.

“Vàng có thể tăng hơn nữa nếu thị trường bắt đầu kỳ vọng Fed bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất sâu hơn và có khả năng giữ được mức cao này, nhưng chúng tôi nhận thấy dấu hiệu cạn kiệt lực mua xuất hiện trong thời gian rất gần”, Ghali nói thêm.

Everett Millman - Giám đốc Phân tích thị trường của Gainesville Coins cũng cho hay, giá vàng tăng còn do “thực tế là vẫn còn những căng thẳng địa chính trị lớn trên toàn cầu, điều này có thể thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang vàng như một tài sản dự trữ trung lập.

“Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát đang nóng hơn mức các nhà hoạch định chính sách mong muốn, nhưng điều đó không nhất thiết giải thích cho việc định giá vàng cao như hiện nay”, Millman chia sẻ thêm.

Báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ sẽ công bố vào cuối tuần này. Điều đó có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá lập trường chính sách của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện đang dự đoán 64% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng và nhôm trên sàn London tăng trong phiên 28/3 do hoạt động đẩy mạnh mua vào trước khi kết thúc quý đầu tiên năm 2024.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng tăng 0,3% lên 8.870,5 USD/tấn; nhôm tăng 1,7% lên 2.337,5 USD/tấn, sau khi đạt 2.340 USD/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 2/1/2024. Tương tự, kẽm tăng 0,3% lên 2.442,5 USD/tấn; chì tăng 2,5% lên 2.053 USD/tấn; thiếc giảm 0,5% xuống 27.405 USD/tấn và niken tăng 0,5% lên 16.690 USD/tấn.

Tính cả tháng 3/2024, giá đồng vững, nhôm và thiếc giảm nhẹ.

Chỉ số Dollar Index vững trong phiên này khi thị trường tập trung vào dữ liệu lạm phát PCE của Mỹ chuẩn bị công bố có thể ảnh hưởng đến quyết định tiếp theo của Fed. Lãi suất cơ bản giảm sẽ hỗ trợ các kim loại công nghiệp - vốn phụ thuộc vào tăng trưởng bằng cách giảm chi phí vay cho các nhà sản xuất và ngành xây dựng.

Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu không chắc chắn ở Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên đồng. Nhà phân tích hàng hóa Ewa Manthey của ING cho biết: “Mức tiêu thụ tại quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới này đã gây thất vọng sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi hoạt động thường bắt đầu khởi sắc”.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3/2024 có thể đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp nhưng với tốc độ chậm hơn, cho thấy các chủ nhà máy đang gặp khó khăn trong việc có được đơn đặt hàng mặc dù nền kinh tế có một số dấu hiệu tích cực.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt giảm phiên thứ 3 liên tục do mùa xây dựng của Trung Quốc bắt đầu chậm và nguồn cung từ Brazil tăng cao.

Kết thúc phiên 28/3, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2024 sàn Đại Liên giảm 1,5% xuống 800 CNY (110,73 USD)/tấn - thấp nhất kể từ ngày 19/3/2024. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn Singapore tăng 1,4% lên 102,7 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,9% xuống 3.741 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 1,8% xuống 3.675 CNY/tấn; thép cuộn giảm 1,1% xuống 3.757 CNY/tấn; trong khi đó, thép không gỉ tăng 0,9% lên 13.495 CNY/tấn.

Tính chung trong tháng 3, giá quặng sắt giảm, trong khi thép biến động trái chiều: thép thanh vằn giảm nhưng thép cuộn cán nóng tăng.

Các nhà phân tích thuộc Citi Group cho biết, giá quặng sắt chịu áp lực giảm do nhiều yếu tố, bao gồm mùa xây dựng của Trung Quốc bắt đầu chậm, xuất khẩu quặng sắt của Brazil tăng cao và xuất khẩu từ các nhà cung cấp phi truyền thống vào Trung Quốc cao, trong bối cảnh giá quặng sắt cuối năm 2023 ở mức cao.

Các nhà phân tích dự báo giá quặng sắt sẽ phục hồi trong quý II/2024 lên mức trung bình 120 USD/tấn.

Nông sản: Lúa mì và ngô tăng giá, đi ngược đậu tương

Giá ngô Mỹ phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3/2024 tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2023, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố tồn trữ ngũ cốc và diện tích trồng thấp hơn dự kiến.

Cụ thể, trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 15-1/4 US cent lên 4,42 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 4,48 USD/bushel - cao nhất kể từ ngày 9/2/2024. Tính trong tháng 3, giá ngô tăng 3%, sau khi giảm 4 tháng trước đó.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 12-3/4 US cent lên 5,6-1/4 USD/bushel. Trong khi đó, đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 1 US cent xuống 11,91-1/2 USD/bushel. Tính cả tháng 3, giá lúa mì và đậu tương gần như không thay đổi.

USDA cho biết, diện tích trồng ngô vụ thu hoạch năm 2024 đạt 90,036 triệu mẫu Anh, thấp hơn ước tính trung bình của các nhà phân tích là 91,776 triệu mẫu Anh. Dự trữ ngô hàng quý tính đến ngày 1/3/2024 là 8,347 tỷ bushel, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích là 8,427 tỷ bushel.

Doanh số xuất khẩu lúa mì của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 21/3/2024 đã vượt qua ước tính thương mại cho năm tiếp thị 2023-2024, trong khi doanh số xuất khẩu ngô cao hơn ước tính và doanh số bán đậu tương không đạt kỳ vọng.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá ca cao tạo đỉnh lịch sử mới, cà phê và đường giảm nhẹ, cao su biến động trái chiều

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn ICE tăng 0,33 US cent (+1,5%) lên 22,52 US cent/lb; đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,1% lên 652,5 USD/tấn. Tính chung trong tháng 3, giá đường giảm nhẹ.

Các đại lý cho biết, lượng mưa gần đây dường như cải thiện triển vọng cho vụ mía 2024/2025 của Brazil, dù vẫn còn một số lo ngại về điều kiện khô hạn. Rabobank dự báo: “Vụ thu hoạch sớm của Brazil có thể đạt mức cao, trước khi giảm xuống, song khối lượng mía có thể gây thất vọng vào cuối năm”.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn New York phiên cuối tháng 3/2024 giảm 0,9% xuống 1,8885 USD/lb; cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 80 USD (-2,2%) xuống 3.479 USD/tấn. Tính cả tháng, giá cà phê giảm nhẹ.

Các đại lý cho biết, nguồn cung tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới Việt Nam đặc biệt khan hiếm, trong khi lo ngại thời tiết khô hạn có thể làm giảm sản lượng cà phê robusta năm tới tại đây. Trong khi đó, xuất khẩu từ Indonesia giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cũng giúp hỗ trợ giá.

Giá ca cao kỳ hạn bật tăng 9,25% lên 9.766 USD/tấn - tạo đỉnh lịch sử mới. Từ đầu năm 2024 tới cuối tháng 3, giá ca cao tăng tới 128%. MXV cho biết, thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng tại các nước sản xuất chính tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với ca cao.

Theo Chính phủ Bờ Biển Ngà, tính từ đầu vụ đến ngày 24/3/2024, lượng ca cao vận chuyển đến các cảng tại nước này giảm 28% so với cùng kỳ vụ trước, đạt 1,28 triệu tấn. Cùng với đó, sản lượng ca cao niên vụ 2023-2024 nước này ước giảm 21,5% xuống 1,75 triệu tấn.

Ngoài ra, Commerzbank cho biết, một số vùng trồng ca cao ở châu Phi đang bị ảnh hưởng bởi việc khai thác vàng trái phép. Điều này càng khiến tình hình lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trầm trọng hơn.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn Osaka phiên 28/3 tăng 5 JPY (+1,56%) lên 326,2 JPY (2,16 USD)/kg; giá cao su cùng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 85 CNY lên 14.655 CNY (2.027,81 USD)/tấn; ngược lại, cao su kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn Singapore giảm 0,9% về 158,9 US cent/kg.

Farah Miller - Giám đốc điều hành của Helixtap Technologies, một công ty dữ liệu độc lập tập trung vào cao su cho biết, hoạt động chốt lời đã diễn ra trong tuần qua, nhưng đợt bán tháo mạnh dường như đã quá mức và tạo cơ sở cho sự phục hồi kỹ thuật.

Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới - đặt mục tiêu trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay, mở cửa thị trường rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao. BYD - nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc đặt mục tiêu doanh số 3,6 triệu chiếc năm nay, tăng 20% so với doanh số kỷ lục năm ngoái.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan