Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/3-2/4: Biến động mạnh

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 25/3-2/4: Biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 25/3-2/4, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận sự biến động mạnh giữa các mặt hàng chủ chốt trong bối cảnh 2 nền kinh tế cũng như thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có những biến chuyển.

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp, khí đốt và than giảm mạnh

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới giảm nhẹ ở phiên giao dịch chiều ngày 31/3, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi dữ liệu kinh tế của Mỹ.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 33 cent (-0,42%) về 78,94 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 22 cent (-0,3%) về 74,15 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn tăng gần 6%, còn dầu WTI tăng 8%.

Giá dầu tăng trong tuần qua do sự lạc quan xung quanh sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Dù chậm hơn so với tháng 2, nhưng hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trong tháng 3/2023, vượt kỳ vọng của giới phân tích trong một cuộc thăm dò mới đây của Reuters.

Hoạt động công nghiệp ở Trung Quốc đã tác động tới giá dầu trong những tuần gần đây, sau khi nước này chấm dứt các hạn chế liên quan đến Covid-19, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu hơn.

Giá dầu ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp. Những lo lắng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã giảm. Giá đã tăng hơn 1% vào phiên 30/3 do tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần tính đến ngày 24/3 xuống mức thấp nhất trong 2 năm.

Trên thị trường khí đốt, hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ kỳ hạn tương lai đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần vào phiên cuối tuần qua 31/3 do dự báo nhu cầu vào tuần này cao hơn so với dự kiến trước đó.

Cụ thể, hợp đồng khí đốt giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) tăng 10,1 cent (+4,8%) lên 2,205 USD/mmBtu - là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 24/3/2023.

Dù vậy, tính cả tuần, giá vẫn giảm 1% và cả tháng 3 giá giảm 20%, trong quý I/2023 giảm 51% - hướng tới mức giảm hàng quý lớn nhất lịch sử.

EIA cho biết, dự trữ khí đốt hiện tại của Mỹ cao hơn 31% so với số dư cùng thời điểm một năm trước và tăng 21% so với mức trung bình 5 năm. Cân đối khí đốt cho năm 2023 cũng là cao nhất trong những năm gần đây.

Theo đà giảm của thị trường thế giới, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 4. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 4/2023 tại Hà Nội là 405.240 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.620.960 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 59.460 đồng/bình và 237.640 đồng/bình so với tháng 3.

Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng Phòng Kinh doanh gas dân dụng và thương mại, Petrolimex, giá gas trong nước giảm là do hợp đồng gas thế giới bình quân tháng 4 ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3, nên Petrolimex thực hiện điều chỉnh giảm tương ứng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.

Trên thị trường than, sau khi tạo đỉnh hồi tháng 3/2021, giá than thế giới hiện đã giảm xuống dưới mức trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine (tháng 2/2022).

Theo số liệu từ trang Investing.com, tính đến ngày 27/3/2023, giá than giao trong tháng 4 tại cảng Newcastle khoảng 175 USD/tấn, giảm hơn một nửa so với mức kỷ lục 418 USD/tấn vào năm 2021 và thấp hơn 10% so với thời điểm 2/1/2022.

Đà suy giảm của giá than diễn ra khi lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu lắng xuống. Mùa đông ấm hơn đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng khí gas để sưởi ấm ít hơn, khiến hàng tồn kho ở mức cao. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm 80% so với mức đỉnh. Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng, tình trạng thiếu hụt khí đốt ở châu Âu có thể khiến các quốc gia đẩy mạnh việc nhập khẩu than nhằm cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Do than đá dồi dào và không tập trung ở các khu vực cụ thể như dầu mỏ hay khí đốt nên nó tương đối rẻ và dễ tiếp cận.

Kim loại: Biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm trong phiên cuối tuần qua 31/3, với vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.968,25 USD/ounce, sau dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng nhẹ trong tháng 2. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6/2023 cũng giảm 0,6% xuống 1.986,2 USD/ounce.

Chỉ số USD đã ổn định vào cuối tuần qua, gây áp lực lên nhu cầu đối với vàng - được định giá bằng “đồng bạc xanh”.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 1 triệu ounce kể từ khi bắt đầu cuộc xung với Ukraine, cụ thể là 74,9 triệu ounce kể từ ngày 1/3/2023, trị giá khoảng 135,56 tỷ USD - tăng từ 73,9 triệu ounce vào ngày 1/2/2022 và tăng 2,5% về giá trị trong khoảng 13 tháng.

Hiện tại, vàng chiếm tỷ trọng khoảng 23,6% trong tổng dự trữ 574,2 tỷ USD của ngân hàng này.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, trong phiên giao dịch 31/3, giá đồng đang trên đà tăng theo quý thứ hai, được hỗ trợ bởi nhu cầu từ nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc được cải thiện sau khi dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19.

Cụ thể, trên sàn London, giá đồng kỳ hạn giao ba tháng giảm 1,1% xuống 8.898,50 USD/tấn, nhưng tăng 6,2% trong quý I/2023.

Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng đồng giao tháng 5/2023 được giao dịch nhiều nhất giảm 0,7% xuống 69.200 CNY (tương đương 10.078,35 USD)/tấn, nhưng tăng 5,1% trong quý.

Giá đồng tăng cao vào đầu tháng 1, nhưng đà tăng bị đình trệ cho đến khi tiêu thụ phục hồi vào tháng 3, đẩy giá đồng trên sàn London tăng khoảng 1.000 USD chỉ trong 2 tuần, lên khoảng 9.000 USD/tấn.

Việc USD suy yếu hơn trong nửa cuối tháng 3 cũng hỗ trợ giá, làm cho các kim loại được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.

Đồng cũng là kim loại giảm mạnh nhất trong số các kim loại cơ bản trong 3 tháng đầu năm 2023, với hợp đồng giao 3 tháng trên sàn London giảm 23,5% từ đầu năm đến nay. Trên sàn Thượng Hải, giá đồng được giao dịch nhiều nhất giảm 20% trong cùng kỳ.

Về các kim loại cơ bản khác, tính đến hết quý I/2023, trên sàn London, giá nhôm giảm 0,1%; kẽm giảm 2,1% và chì giảm 7,5%; trong khi giá thiếc tăng 4,8%.

Trên sàn Thượng Hải, giá nhôm tăng 0,1%; kẽm giảm 3,9%; chì giảm 4,4% và thiếc giảm 0,7%.

Giá quặng sắt kỳ hạn tại sàn Đại Liên tăng và duy trì đà tăng hàng quý thứ hai liên tiếp do kỳ vọng nhu cầu thép được cải thiện ở Trung Quốc trong quý II/2023, với lo ngại về nguồn cung thắt chặt sẽ hỗ trợ thêm.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt giao tháng 5/2023 tăng 1,2% lên 907 CNY (tương đương 132,13 USD)/tấn và kéo dài mức tăng hàng quý lên hơn 6%.

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt chuẩn giao cùng kỳ hạn giảm 0,2% xuống 125,10 USD/tấn trong phiên 31/3. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn đi đúng hướng với mức tăng hàng quý khoảng 10%.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết, giá quặng sắt tiếp tục tăng do các dấu hiệu nguồn cung thắt chặt trước nhu cầu theo mùa tăng vào thời kỳ xây dựng cao điểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, sức mạnh nhu cầu quặng sắt của nước này có thể suy yếu trong nửa cuối năm nay với việc đặt mục tiêu giảm sản lượng thép thô trong năm để phù hợp với mục tiêu giảm phát thải carbon.

Các nhà phân tích của Citi Group cho biết, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang diễn ra nhưng có vẻ không đồng đều, với cơ sở hạ tầng và sản xuất vượt trội so với bất động sản và tiêu dùng.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,2%; thép cuộn tăng 0,5% và dây thép cuộn tăng 0,2%; trong khi thép không gỉ giảm 1,3%.

Trên sàn Đại Liên, giá than cốc tăng 1,8% và than luyện cốc tăng 2,8%.

Nông sản: Đậu tương tăng giá, ngược chiều ngô và lúa mì

Giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ tăng 2,1% vào phiên cuối tuần qua 31/3, cũng là lần đầu tiên tăng trở lại trên mức 15 USD/bushel kể từ giữa tháng 3, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo về diện tích gieo trồng năm 2023.

Cụ thể, trên sàn Chicago, đậu tương kỳ hạn tháng 5/2023 tăng 31 cent lên 15,05-1/2 USD/bushel, sau khi đạt 15,13-3/4 USD - mức cao nhất của hợp đồng kể từ ngày 13/3/2023.

Ngược lại, giá ngô giao tháng 5/2023 giảm 11 cent xuống 6,60-1/2 USD/bushel, ngô giao tháng 12/2023 (vụ mới)cũng giảm 1/2 cent về 5,66-1/2 USD/bushel.

Trong khi đó, giá lúa mì giao tháng 5/2023 ổn định ở mức 6,92-1/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cà phê và dầu cọ giảm, cao su và cacao bật tăng

Giá cà phê robusta giao tháng 5/2023 giảm 0,9% xuống 2.196 USD/tấn do thị trường trượt dốc từ mức cao nhất trong 6,5 tháng, là 2.250 USD/tấn thiết lập ngày 28/3/2023. Cà phê arabica cùng kỳ hạn cũng giảm 0,35% về 1,6920 USD/lb.

Nhu cầu tăng do một số nhà rang xay tăng tỷ lệ cà phê robusta rẻ hơn trong hỗn hợp, trong khi xuất khẩu từ nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới là Việt Nam chạy chậm hơn so với mùa trước.

Giá ca cao kỳ hạn trên sàn New York tăng lên mức cao nhất trong 2 hai năm vào thứ Sáu (31/3). Cụ thể, hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2023 tăng 0,2% lên 2.924 USD/tấn, sau khi đạt mức 2.963 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 11/2020. Ca cao cùng kỳ hạn tại sàn London cũng tăng 0,9% lên 2.150 GBP/tấn.

Các đại lý cho biết, thị trường được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm, với lượng hàng cập cảng tại Bờ Biển Ngà, nước trồng cacao hàng đầu thế giới chậm hơn so với mùa trước.

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng trong phiên 31/3 do hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng chậm hơn dự kiến. Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 9/2023 trên Sở giao dịch Osaka tăng 0,9 JPY (+0,4%) lên 210 JPY (1,58 USD)/kg. Hợp đồng cao su giao tháng 5/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 30 CNY lên 11.930 CNY (1.738,1 USD)/tấn.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ chậm hơn trong tháng 3, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phục hồi của các nhà máy sau dịch, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu hơn và thị trường bất động sản suy thoái.

Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia giảm trong phiên 31/3, sau 4 phiên tăng trước đó do hoạt động bán chốt lời và đồng ringgit mạnh hơn gây áp lực lên giá.

Cụ thể, hợp đồng dầu cọ giao tháng 6/2023 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 1,72% xuống 3.723 ringgit (845,18 USD)/tấn, xóa đi một phần mức tăng 7,67% trong 4 phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 6%, nhưng cả tháng 3 vẫn giảm.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan