Trong ba doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đã gia nhập thị trường dược phẩm, chỉ có FPT Retail có lãi.

Trong ba doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đã gia nhập thị trường dược phẩm, chỉ có FPT Retail có lãi.

Bán lẻ dược phẩm: Miếng bánh không dễ ăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường ICT dần trở nên bão hòa, các doanh nghiệp bán lẻ “lấn sân” kinh doanh dược phẩm. Song thực tế cho thấy kinh doanh mảng này không dễ dàng.

Bên mở rộng, bên thu hẹp

Ba nhà bán lẻ công nghệ lớn nhất trên sàn chứng khoán là Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG), Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) đều đã tham gia mảng bán lẻ dược phẩm. Khi thị trường điện thoại bão hòa, sức cầu mảng ICT sụt giảm, các nhà bán lẻ phải đi tìm động lực tăng trưởng mới.

Với quy mô dân số 100 triệu người, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện và ngày càng quan tâm tới sức khỏe, bán lẻ dược phẩm được đánh giá là thị trường đầy hấp dẫn. Ước tính, tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025, đạt 33,8 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2030 là 7,6%.

Các chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại đã giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống khi các quy định kiểm soát đối với nhà bán lẻ dược phẩm chặt chẽ hơn.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail cho biết, chuỗi nhà thuốc Long Châu tăng trưởng tốt, đúng hướng và bền vững. Năm 2022, chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp 32% tổng doanh thu của Công ty. Năm 2023 và các năm tiếp theo, chuỗi nhà thuốc này sẽ là động lực tăng trưởng cho Công ty.

“Sau 5 năm gia nhập thị trường, FPT Long Châu đã có một số thành tựu bước đầu khi trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam. Công ty bắt đầu có lãi nhẹ từ cuối năm 2021 và năm 2022 lãi trước thuế 53 tỷ đồng”, bà Điệp chia sẻ.

Năm nay, FPT Retail tiếp tục mở rộng độ phủ của chuỗi nhà thuốc Long Châu bằng việc mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng số lượng nhà thuốc trên cả nước lên con số 1.400 - 1.500 vào cuối năm.

Trong khi đó, mảng kinh doanh dược phẩm tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động lại không được thuận lợi như vậy. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, tính đến cuối năm 2022, chuỗi nhà thuốc An Khang đạt quy mô 500 nhà thuốc và Công ty đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận.

Thực tế, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn đang lỗ lớn, với khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2022 lên tới 318,6 tỷ đồng.

Miếng bánh khó xơi

Dù bán lẻ dược phẩm là thị trường có dư địa tăng tăng trưởng lớn, nhưng cạnh tranh trong ngành rất quyết liệt. Điều này có thể thấy được qua việc chuỗi cửa hàng thuốc Pharmacity thu hẹp từ con số 1.100 cửa hàng vào cuối năm 2022 xuống còn 936 nhà thuốc vào cuối tháng 3. Như vậy, Pharmacity đã giảm khoảng 164 cửa hàng bán lẻ chỉ trong vòng một quý.

Lỗ lũy kế của chuỗi nhà thuốc An Khang đến cuối năm 2022 lên tới 318,6 tỷ đồng.

Bản thân Thế giới di động sau thời gian dài đầu tư mở rộng các chuỗi nhà thuốc đã quyết định tạm dừng mở mới cửa hàng. Mảng kinh doanh mới thua lỗ, trong khi các chuỗi bán lẻ truyền thống như Thế giới di động, Điện máy Xanh gặp nhiều khó khăn khiến năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi lên niêm yết Thế giới di động chỉ thực hiện được 95% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.

Trong số ba nhà bán lẻ công nghệ đã gia nhập thị trường dược phẩm, hiện chỉ có FPT Retail cho thấy bước đi hiệu quả của mình. Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, có ba yếu tố tạo nên sự khác biệt cho FPT Long Châu: Thứ nhất, FPT Long Châu đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố - một trong các yếu tố giúp hệ thống nhà thuốc này phát triển bền vững, vì không phụ thuộc vào thị trường nào.

Thứ hai, FPT Long Châu đặc biệt quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng, từ tư vấn dùng thuốc đúng liều, hiệu quả cho tới cố gắng làm việc với nhà cung cấp để có giá tốt nhất.

Thứ ba, FPT Long Châu đi vào sản phẩm điều trị các bệnh lý đòi hỏi trình độ chuyên môn, phối hợp với hãng chặt chẽ. Công ty đã hỗ trợ nhiều bệnh nhân ung thư tiếp cận với thuốc chính hãng, với giá hỗ trợ bởi các hãng dược mà FRT làm đối tác chiến lược.

Doanh nghiệp bán lẻ có trông đợi vào động lực tăng trưởng từ ngành hàng dược phẩm hay không? Điều này chỉ nhìn thấy ở FPT Retail khi xác định FPT Long Châu là động lực quan trọng cho tăng trưởng và tiếp tục gia tăng tỷ lệ đóng góp trên tổng doanh thu.

Trong khi đó, Thế giới di động xác định, đóng góp chủ lực vào doanh thu, lợi nhuận của Công ty vẫn từ chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh. Ông Nguyễn Đức Tài nhận định, tâm lý tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong năm 2023.

Không đứng ngoài cuộc đua bán lẻ dược phẩm, năm 2021, Digiworld đã hợp tác cùng Đại Tín Pharma để phát triển thương hiệu DPharma, phát triển thị trường dược phẩm. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Digiworld chia sẻ, doanh nghiệp đã được cấp phép phân phối dược phẩm và thiết bị y tế và Digiworld sẽ đẩy mạnh phát triển mảng này trong thời gian tới.

Khi quyết định lấn sân vào mảng bán lẻ dược phẩm, Digiworld đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp Top đầu trong ngành này, tuy vậy, mảng bán lẻ dược phẩm chưa phải là động lực tăng trưởng cho Công ty trong năm nay. Nhà bán lẻ này vừa thông báo điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và 42% so với mức thực hiện năm ngoái.

Năm 2023, mảng ICT khó khăn vì nhu cầu đã đi qua mùa cao điểm, điều này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Digiworld. Song theo Digiworld, các ngành đều gặp khó nhưng hàng công nghệ hay FMCGs vẫn luôn có nhu cầu.

Tin bài liên quan