Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 1-8/10: Nông sản giảm giá, năng lượng vẫn tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 1-8/10, ngoại trừ mặt hàng nông sản, các mặt hàng khác trên thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục duy trì đà tăng, đặc biệt là năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng nguyên liệu tại những thị trường lớn nhất là châu Âu và Trung Quốc.

Năng lượng: Giá dầu và khí LNG tăng mạnh

Giá dầu tuần qua tăng mạnh, lập những kỷ lục cao mới, tính chung cả tuần tăng gần 5% và dự kiến đà tăng vẫn chưa dừng lại trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần qua 8/10, giá dầu thô Brent tăng 44 US cent (+0,5%) lên 82,39 USD/thùng, tiệm cận mức cao nhất 3 năm ở phiên đầu tuần (83,47 USD/thùng). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này tăng 1,05 USD (+1,3%) lên 79,35 USD/thùng - cao nhất kể từ ngày 31/10/2014.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI và dầu Brent tăng lần lượt 4,6% và 4,9% - là tuần tăng thứ 7 liên tiếp của dầu WTI và thứ 5 liên tục của dầu Brent.

Giá xăng kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Quyết định giữ nguyên hạn ngạch gia tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) đúng lúc khủng hoảng năng lượng lan rộng trên khắp các thị trường trọng điểm như châu Âu và Trung Quốc đã đẩy giá dầu Brent lên mức 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2018. Mặc dù Chính phủ Mỹ cho biết, sẽ tìm cách để bình ổn lại thị trường xăng dầu, nhưng đến giờ vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào được thông báo chính thức.

Giá dầu cũng được thúc đẩy bởi đà tăng tại thị trường khí tự nhiên. Hiện tại, khí tự nhiên là một trong những nhiên liệu hoá thạch chính được sử dụng rộng rãi nhất để sản xuất điện, với lợi thế lớn là ít gây ô nhiễm so với dầu và than. Điều này khiến cho khí tự nhiên trở thành nguồn nhiên liệu “chuyển đổi” khi các quốc gia hướng tới mục tiêu năng lượng sạch.

Tuy nhiên, việc Nga không tăng sản lượng nhiều lên trong bối cảnh nhu cầu ngày càng lớn khiến cho giá khí tự nhiên tăng kỷ lục, thúc đẩy các nước quay trở lại việc sử dụng dầu để giảm chi phí đầu vào. JP Morgan Chase dự báo, nhu cầu về dầu thô có thể tăng đến hơn 2 triệu thùng/ngày trong cuối năm nay.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á tăng mạnh trong tuần qua do khách hàng mua dẫn đầu thế giới là Trung Quốc đối mặt với tình trạng suy thoái nguồn điện đang diễn ra và hàng tồn kho thấp ở châu Âu.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG giao tháng 11/2021 ở Đông Bắc Á đạt 37 USD/mmBtu, tăng gần 16% so với tuần trước nữa. Giá giao trong tháng 12/2021 đạt khoảng 38 USD/mmBtu.

Bangladesh đã mua khí LNG từ Vitol để giao vào giữa tháng 10 với giá 35,89 USD/mmBtu và một lô hàng khác từ Gunvor để giao vào cuối tháng 10 với giá 36,95 USD/mmBtu, đây đều là các mức giá cao.

Giá cước vận chuyển LNG tăng trong tuần qua và ở mức cao nhất trong nhiều tháng do nhu cầu LNG tăng đã thúc đẩy nhu cầu vận chuyển.

Các nguồn tin thương mại cho biết, các khách hàng Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều hàng hơn và đặt giá cao hơn giá thị trường, bất chấp mức giá thị trường đã cao kỷ lục vì mùa Đông đang đến gần, trong khi lượng khí dự trữ của nước này không còn nhiều.

Kim loại: Giá vàng giảm nhẹ, các kim loại khác đều tăng

Ở nhóm kim loại quý, phiên cuối tuần 8/10, giá vàng giảm nhẹ, bất chấp thông tin số lượng việc làm mới trong tháng Chín thấp hơn nhiều so với dự đoán.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.758,86 USD/ounce, sau khi đạt 1.781,2 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 22/9/2021, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 0,1% xuống 1.757,4 USD/ounce.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ ghi nhận thêm 194.000 việc làm mới trong tháng 9/2021, thấp hơn đáng kể so với dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của tờ The Wall Street Journal là 500.000 việc làm. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp số liệu việc làm không đạt được kỳ vọng.

Jason Teed, nhà quản lý danh mục đầu tư của Quỹ Gold Bullion Strategy Fund (Mỹ) nhận xét rằng, số liệu việc làm “đáng thất vọng” cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể chưa đủ “tín hiệu” để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Điều này hỗ trợ giá vàng tăng. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vượt 1,6% - mức cao nhất trong nhiều tháng qua, đã gây áp lực giảm giá vàng.

Ken Ford, Chủ tịch Công ty Tư vấn Warwick Valley Financial Advisors (Mỹ) nhận xét, số liệu việc làm cho thấy nền kinh tế đang phục hồi chậm lại, nhưng điều tệ hơn là số lượng người lao động quay trở lại thị trường việc làm ngày càng giảm và các công ty đang phải trả mức lương cao hơn để thu hút nhân viên, điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về xu hướng nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao. Vàng là một số ít loại tài sản vẫn giữ được giá trị ở những tình huống như vậy trong quá khứ.

Về những kim loại quý khác, giá bạch kimpalladium đều tăng trong phiên 10/8, lần lượt là 4,1% lên 1.019,74 USD/ounce và 5,8% lên 2.073,52 USD/ounce, trong khi giá bạc tăng 0,5% lên 22,7 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng và các kim loại công nghiệp khác tăng trở lại trong phiên 8/10 sau số liệu việc làm Mỹ suy yếu dẫn tới USD giảm, khiến hàng hóa mua bằng “đồng bạc xanh” rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 9.355,5 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 9.232,5 USD/tấn; giá nickel tăng 5,2% lên 19.215 USD/tấn do hoạt động mua bù thiếu; giá kẽm tăng 3,5% lên 3.157,5 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.179 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 6/2018. Kẽm là một trong những kim loại chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng Trung Quốc.

Giá nhôm phiên này cũng tăng 0,7% lên 2.967,50 USD/tấn, chì tăng 2,3% lên 2.223 USD/tấn và thiếc tăng 2,5% lên 36.150 USD/tấn. Tính chung cả tuần, các kim loại cơ bản đều tăng.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc kết thúc phiên 8/10 đạt mức cao nhất 1 tháng qua trong bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu thô tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) tăng 4,9% lên 762,50 CNY (118,24 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá đạt 769 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 6/9/2021.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Singapore kết thúc phiên này tăng 5,8% lên 124,25 USD/tấn. Giá quặng sắt nhập khẩu, loại 62% sắt, giảm 49% xuống 118,5 USD/tấn vào cuối tháng 9/2021, từ mức cao kỷ lục 232,5 USD/tấn vào ngày 12/5/2021 do nhu cầu của Trung Quốc giảm.

Cũng trong phiên 8/10, giá thép thanh vằn - sử dụng trong lĩnh vực xây dựng - trên Sàn Giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,8%, trong khi thép cuộn cán nóng - dùng trong sản xuất - tăng 1,9%; thép không gỉ tăng 4,7%.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá, đậu tương về mức thấp nhất từ cuối năm 2020

Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn tương lai giảm trong phiên 8/10, trong đó giá lúa mỳ giảm mạnh nhất.

Chốt phiên này, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 4-1/4 US cent xuống 12,43 USD/bushel, cũng là tuần giảm thứ 5 trong 6 tuần gần nhất, đẩy giá xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020; giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 3-1/2 US cent xuống 5,3-1/2 USD/bushel; giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 7-1/4 US cent xuống 7,34 USD/bushel, trong khi giá lúa mì mùa xuân kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 4-1/4 US cent lên 9,46-1/2 USD/bushel.

Vụ thu hoạch ngô và đậu tương ở Mỹ sẽ đạt gần 50% vào đầu tuần này. Các nhà quản lý quỹ đang hoãn việc mua hàng trong bối cảnh đợi Báo cáo vụ mùa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào ngày mai 12/10/2021.

Khối lượng giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ (CBOT) hạn chế. Thị trường Argentine nghỉ phiên 8/10, và thị trường Brazil sẽ nghỉ vào ngày 12/10/2021

Hiện giá ngô và đậu tương ở Mỹ là rẻ nhất thế giới, sẽ thu hút nhu cầu nhập khẩu mới. Công ty nghiên cứu nông nghiệp AgResource dự đoán Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ là khách hàng mua tích cực hơn trong tuần này.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và cao su tăng, cà phê diễn biến trái chiều

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,45 US cent (+2,3%) lên 20,29 US cent/lb; giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 9,2 USD (+1,8%) lên 519,7 USD/tấn.

Giá cà phê arabica tăng do tồn trữ tại ICE chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021 (1,94 triệu bao), sau khi giảm mạnh từ mức 2,16 triệu bao giữa tháng 9/2021, cho thấy nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế.

Cụ thể, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE phiên cuối tuần tăng 3,45 US cent (+1,7%) lên 2,0135 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London giảm 2 USD (-0,1%) xuống 2.117 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 3 tháng, khi thị trường chứng khoán Tokyo và Trung Quốc tăng, thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào, trong khi kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế mới bởi chính phủ mới Nhật Bản cũng hỗ trợ giá nguyên liệu này.

Phiên 8/10, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka tăng 7,5 JPY (+3,5%) lên 221,6 JPY (2 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 233,1 JPY/kg - cao nhất kể từ ngày 30/6/2021 và cả tuần tăng 5%; cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 300 CNY (+2,1%) lên 14.355 CNY (2.226 USD)/tấn, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 1 tuần.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
Tin bài liên quan