Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 15-22/1: Kim loại quý bật tăng, nông sản và nguyên liệu công giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tăng nhanh tại Trung Quốc, USD mạnh lên, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến đà giảm mạnh ở mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp, trong khi mặt hàng kim loại quý bật tăng.

Năng lượng: Giá dầu và khí đốt cùng điều chỉnh giảm

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua 22/1, giá dầu Brent giảm 69 US cent xuống 55,08 USD/thùng, dầu WTI giảm 86 US cent xuống 51,98 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,02% và giá dầu WTI giảm 0,73%.

Giá dầu giảm trong tuần qua do tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng giữa bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc gây ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Chuyên gia Tariq Zahir của Tyche Capital Advisors dự đoán giá dầu thô tuy tiếp tục biến động nhưng sẽ vẫn được hỗ trợ chừng nào Saudi Arabia còn thực hiện cắt giảm sản lượng và UDS còn yếu. Tuy nhiên, nếu việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục có vấn đề, nhu cầu dầu còn chịu áp lực lớn hơn nữa.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á tuần qua cũng giảm vì thời tiết sắp tới sẽ ấm lên. Theo đó, giá LNG tại Đông Bắc Á kỳ hạn giao tháng 3/2021 hiện khoảng 8,9 USD/mmBtu, thấp hơn so với khoảng giá 8 - 14 USD/mmBtu của tuần trước nữa. Hợp đồng kỳ hạn tháng 3 có giá rẻ bằng một nửa so với kỳ hạn tháng 2; kỳ hạn tháng 4 giá còn thấp hơn, chỉ dưới 7 USD/mmBtu.

Công ty tư vấn Timera Energy cho biết, thị trường đã qua giai đoạn đỉnh điểm - lúc nguồn cung ở châu Á bị gián đoạn gây thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt, giữa lúc giá thuê tàu giao ngay tăng gấp 6 lần chỉ trong vài tháng, lên mức 350.000 USD/ngày.

Kim loại: Vàng tăng mạnh nhất gần 2 tháng, đồng may mắn giữ sắc xanh

Giá vàng giảm khá sâu trong phiên cuối tuần 22/1 do bị chốt lời mạnh sau khi USD mạnh lên. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vẫn tăng bởi kỳ vọng vào những chương trình kích thích mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ Mỹ.

Cụ thể, kết thúc phiên 22/1, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.855,23 USD/ounce, lùi xa dần mức cao nhất 2 tuần đạt được ở phiên liền trước. Vàng kỳ hạn tháng 2/2021 giảm 0,5% xuống 1.859,9 USD/ounce. Tính cả tuần, giá vàng kỳ hạn vẫn tăng gần 1,8% - cao nhất kể từ giữa tháng 12/2020

Một số kim loại quý khác như bạc cũng giảm 1,8% xuống 25,47 USD/ounce, palađi giảm 0,3% xuống 2.356,29 USD/ounce trong phiên 22/1, nhưng chốt tuần 2 mặt hàng vẫn tăng tương ứng gần 2% và 2,8%

Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao tại FXTM dự đoán giá vàng có thể giảm trở lại thời gian tới, nhưng kỳ vọng về nhiều biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Tổng thống Biden có thể hạn chế đà đi xuống. Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, giá vàng có thể cần một “chất xúc tác” mới để có thể vượt hẳn qua ngưỡng 1.850 USD/ounce.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn là yếu tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ hiện nay, khi nền kinh tế vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng trong phiên 22/1 giảm do chịu ảnh hưởng từ các thị trường chứng khoán, dầu mỏ và cũng bởi thông tin số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đang tăng nhanh, cho dù đà giảm được hạn chế bởi thông tin hoạt động ở các nhà máy Mỹ tháng 1/2021 đạt mức cao nhất gần 14 năm.

Giá đồng trên sàn LME phiên này giảm 0,2% xuống 8.005 USD/tấn, trước đó có lúc xuống chỉ 7.864,5 USD. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vẫn tăng nhẹ.

Nông sản: Giá đồng loạt giảm sâu

Giá đậu tương Mỹ phiên cuối tuần 22/1 giảm hơn 4%, giá ngô cũng đi xuống sau khi các khu vực trồng trọt chính ở Nam Mỹ đã có mưa, làm giảm bớt tình trạng khô hạn.

Cụ thể, đậu tương hợp đồng tham chiếu trên sàn Chicago giảm 58-1/2 US cent xuống 13,11-3/4 USD/bushel, mức giảm trong 1 ngày lớn nhất kể từ ngày 10/8/2018. Ngô phiên này cũng giảm nhiều nhất kể từ ngày 12/8/2019, với mức giảm 23-3/4 US cent xuống 5,00-1/2 USD/bushel. Lúa mỳ giảm 26-1/4 US cent xuống 6,34-1/2 USD/bushel.

Nhìn chung cả tuần qua, các mặt hàng nông sản chính đều giảm sâu, trong đó đậu tương -7,4%; ngô -5,8%; lúa mì -6%.

Nguyên liệu công nghiệp: Sắc đỏ bao trùm

Kết thúc phiên 22/1, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 1% xuống 15,87 US cent/lb. Đường trắng cũng giảm 5,5 USD xuống 444,8 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đường giảm hơn 3,5%.

Các nhà kinh doanh đường cho biết, hoạt động bán tháo vẫn tiếp diễn và giá đường sẽ khó hồi phục khi các quỹ hàng hóa tập trung điều chỉnh danh mục đầu tư trước khi giá điều chỉnh quá sâu.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 2,4 US cent (-1,9%), xuống 1,2405 USD/lb và cà phê robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm về mức 1.323 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá 2 cà phê cùng giảm từ 3-5%.

Các nhà kinh doanh cà phê cho biết, điều kiện thời tiết ở những nước sản xuất chủ chốt đang được cải thiện, có lợi cho sự phát triển của cây cà phê, trong khi nhu cầu dự báo sẽ cần nhiều thời gian hơn mới có thể hồi phục.

Giá cao su cũng giảm trong phiên cuối tuần qua do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc sẽ chậm lại vì Covid-19 đang bùng phát mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Kết thúc tuần, cao su kỳ hạn trên sàn Osaka giảm 3,9 JPY (-1,6%) xuống 238 JPY (2,3 USD)/kg, cả tuần giảm 2,2%.

Trên sàn Thượng Hải, cao su giao kỳ hạn giảm 405 CNY (-2,7%) xuống 14.380 CNY (2.221 USD)/tấn; cả tuẩn giảm hơn 1,5%. Nguyên nhân đà giảm được hạn chế do lượng cao su lưu kho trên sàn Thượng Hải đã tăng 0,5% trong tuần qua.

Trên sàn Singapore, giá cao su giảm 1,6% trong phiên này, xuống 155,9 US cent/kg.

Tin bài liên quan