Thị trường hàng hóa tuần từ 20-27/5: Đồng loạt tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 20-27/5, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận đà tăng giá của hầu hết các loại hàng hóa, trong đó nhiều mặt hàng tăng nhiều tuần liên tục như dầu, khí đốt, paladi…
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu tăng 5 tuần liên tục, giá khí tăng tuần thứ 2

Trên thị trường dầu, giá giảm nhẹ trong phiên 27/5 nhưng vẫn ở gần mức cao nhất 2 tháng qua được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng.

Cụ thể, dầu thô Brent giao tháng 7/2022 giảm 21 cent (-0,2%) xuống 117,19 USD/thùng, có thời điểm tăng lên 118,17 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ (WTI) cũng giảm 24 cent (-0,2%) về 113,85 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn tăng khoảng 4%, dầu WTI tăng khoảng 0,5%, cũng là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của 2 loại dầu này.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của Công ty Dữ liệu và phân tích OANDA (Mỹ) cho biết: “Giá dầu thô tăng do thị trường dầu mỏ thắt chặt và điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh các kho dự trữ của Mỹ giảm dần”. Thực tế, từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng khoảng 50%.

OPEC+ dự kiến sẽ tuân theo thỏa thuận sản lượng dầu năm 2021 tại cuộc họp ngày 2/6/2022 và nâng mục tiêu sản lượng tháng 7/2022 lên 432.000 thùng/ngày.

Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do sản lượng được nâng lên và dự báo nhu cầu trong 2 tuần tới suy giảm.

Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn New York giảm 16,8 US cent (-1,9%) xuống 8,727 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 20/5/2022. Tuy nhiên, tính cả tuần vẫn tăng 8% sau khi tăng 5% trong tuần trước đó.

Kể từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tăng 134% do giá khí đốt tại châu Âu và châu Á tăng, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh. Đặc biệt, kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra từ ngày 24/2/2022, làm dấy lên mối lo ngại Moscow có thể cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu.

Kim loại: Tiếp tục đi lên

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp, được thúc đẩy bởi USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, bên cạnh mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ suy giảm.

Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,1% lên 1.852,22 USD/ounce trong phiên cuối tuần qua 27/5 và cả tuần tăng 0,4%. Vàng kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 0,6% lên 1.851,3 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau số liệu chi tiêu tăng mạnh, trong khi USD có tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Tương tự, giá palađi tăng 2,3% lên 2.060,36 USD/ounce trong phiên 27/5 và cả tuần tăng 4,8% - tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4/2022.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trở lại trong phiên 27/5, qua đó ngắt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp do USD giảm và kỳ vọng nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc hồi phục từ các hạn chế Covid-19.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,3% lên 9.470 USD/tấn, sau khi giảm 2% trong 3 phiên trước đó.

Giá nickel trên sàn London tăng 3,8% lên 28.220 USD/tấn, sau khi tăng 7% lên mức cao nhất kể từ ngày 9/5/2022.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên tăng 4,4% lên 863,5 CNY (128,24 USD)/tấn và kết thúc tuần với mức tăng mạnh nhất trong 2 tháng qua

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Singapore tăng 2,7% lên 133 USD/tấn.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giữ ổn định ở mức 130 USD/tấn, tăng so với mức 128,5 USD/tấn trong tuần trước đó, Công ty Tư vấn SteelHome cho biết.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,3%, thép cuộn cán nóng tăng 1,8% và thép không gỉ tăng 0,5%.

Nông sản: Giá cùng tăng

Giá ngô và đậu tương tại sàn Chicago (Mỹ) tăng do dự báo mưa có thể làm chậm tiến độ trồng trọt tại khu vực Trung Tây nước này.

Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 12-1/4 US cent lên 7,77-1/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 5-3/4 US cent lên 17,32-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông giao cùng kỳ hạn tăng 14-1/4 US cent lên 11,57-1/2 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường ít biến động, cao su và dầu cọ tăng giá, cà phê diễn biến trái chiều

Giá đường thô ít biến động sau khi chạm mức thấp nhất 2 tuần trong phiên trước đó, với các đại lý đặt cược nước sản xuất hàng đầu Brazil sẽ nỗ lực giữ giá năng lượng trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,1% xuống 19,52 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/5/2022 (19,27 US cent/lb) trong phiên trước đó. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London giảm 0,1% xuống 564,6 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 0,1% lên 2,2695 USD/lb, sau khi tăng mạnh 4,4% trong phiên trước đó. Ngược lại, giá cà phê robusta cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 0,6% xuống 2.097 USD/tấn.

Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka tăng 1,7 JPY (+0,7%) lên 247,8 JPY (1,95 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 11/5/2022 (250,4 JPY/kg) trong đầu phiên giao dịch. Tính cả tuần, giá cao su tăng 0,7%.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 45 CNY lên 13.220 CNY (1.963,14 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 21/4/2022 (13.295 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 2,8% xuống 6.351 ringgit/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần trong đầu phiên giao dịch, nguyên nhân do sự không chắc chắn về tình hình xuất khẩu từ nước sản xuất hàng đầu Indonesia. Tuy nhiên, tính cả tuần dầu cọ vẫn tăng, qua đó ngắt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp bởi dự kiến nhu cầu tăng mạnh.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan