Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 22-29/7: Giá khí, đồng tăng cao, dầu giảm tháng thứ 2 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 22-29/7, trong khi giá một số mặt hàng như khí tự nhiên, đồng, vàng… tiếp tục tăng cao thì ngược lại, các mặt hàng như dầu, lúa mì… vẫn đi xuống.

Năng lượng: Dầu giảm giá tháng thứ 2 liên tiếp, giá khí tự nhiên tiếp tục tăng mạnh

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tăng trong phiên cuối tuần qua khi các nhà đầu tư chuyển tập trung sang cuộc họp của OPEC+ dự kiến diễn ra trong tuần này (ngày 3/8/2022) và giảm bớt kỳ vọng nhóm các nhà sản xuất sẽ thúc đẩy nguồn cung.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán tăng mạnh cũng hỗ trợ giá dầu, khi đng USD giảm khiến dầu trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Cụ thể, chốt phiên 29/7, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 2,87 USD (+2,7%) lên 110,01 USD/thùng và kỳ hạn tháng 10/2022 tăng 2,14 USD (+2,1%) lên 103,97 USD/thùng; dầu thô Tây Texas (WTI) tăng 2,2 USD (+2,3%) lên 98,62 USD/thùng, thậm chí đầu phiên giao dịch còn tăng hơn 5 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tháng, dầu Brent vẫn giảm 4%, còn dầu WTI giảm gần 7% và đều có tháng giảm thứ 2 liên tiếp.

Các nguồn tin cho biết, OPEC+ sẽ xem xét giữ nguyên sản lượng dầu trong tháng 9/2022. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sẽ rất khó để nhóm này thúc đẩy nguồn cung do nhiều nhà sản xuất đang phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản xuất do thiếu đầu tư vào các mỏ dầu.

Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí tự nhiên tại Mỹ đi lên do dự báo thời tiết đến giữa tháng 8/2022 nóng hơn so với dự báo trước đó, buộc các công ty điện đốt nhiều khí tự nhiên để giữ cho máy điều hòa không khí hoạt động hơn là bơm nhiên liệu dự trữ cho mùa đông.

Theo đó, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn New York tăng 9,5 US cent (+1,2%) lên 8,229 USD/mmBTU. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá mặt hàng này giảm nhẹ sau khi tăng 45% trong 3 tuần trước đó.

Tính chung cả tháng 7/2022, giá khí tự nhiên tăng 52% sau khi giảm 33% trong tháng 6/2022. Đây là tháng tăng mạnh thứ 2 liên tiếp sau khi tăng kỷ lục 63% trong tháng 9/2009.

Kim loại: Giá đồng tăng cao nhất 3 tuần, các kim loại khác cũng đi lên

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao và được coi là tài sản trú ẩn an toàn do USD giảm sau khi lạm phát của Mỹ tăng mạnh.

Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,6% lên 1.765,76 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 0,7% lên 1.781,8 USD/ounce.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm của USD tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn của vàng, mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc 1.750 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.650 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất 3 tuần trong bối cảnh lo ngại nguồn cung và ngân hàng trung ương Mỹ báo hiệu việc tăng lãi suất chậm hơn.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2% lên 7.913 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 8/7/2022 và tăng phiên thứ 6 liên tiếp.

Chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/7/2022. Việc “đồng bạc xanh” suy yếu khiến hàng hóa định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác và thúc đẩy giá tăng.

Trên sàn London, giá kẽm tăng 4,8% lên 3.311,5 USD/tấn và giá nickel tăng 8,1% lên 23.700 USD/tấn, cả hai đều đạt mức cao nhất 4 tuần.

Giá chì trên sàn London tăng 2,2% lên 2.040 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất hơn 1 tháng.

Giá quặng sắt giảm khi Trung Quốc tiếp tục ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19, song vẫn có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2022.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên giảm 1,8% xuống 782 CNY (116,11 USD/tấn) trong phiên 29/7, đóng cửa phiên trước đó đạt mức cao nhất 4 tuần (798,5 CNY/tấn).

Đồng thời, giá quặng sắt cùng kỳ hạn trên sàn Singapore giảm 3,7% xuống 114,3 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/6/2022 (119,9 USD/tấn) trong phiên trước đó.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,6% - tăng phiên thứ 3 liên tiếp; giá thép cuộn cán nóng tăng 0,7% và thép không gỉ tăng 1,4%.

Nông sản: Ngô và đậu tương tiếp tục tăng giá, lùa mì vẫn đi xuống

Giá đậu tương tại Chicago tăng và có tuần tăng mạnh nhất trong 22 năm do dự báo thời tiết khô và nóng tại khu vực trung tây Mỹ dấy lên mối lo ngại nguồn cung, cùng với đó là nhu cầu khô đậu tương tăng mạnh đã hỗ trợ giá đậu tương.

Cụ thể, trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 27-3/4 US cent lên 16,37 USD/bushel và cả tuần tăng 11,99% - tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 23/7/1999.

Giá ngô tăng 1 US cent lên 6,2 USD/bushel và có tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/3/2022.

Ngược lại, giá lúa mì giảm 9-1/4 US cent xuống 8,07-3/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cà phê, cao su, dầu cọ tăng, đi ngược giá đường

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE giảm 0,18 US cent (-1%) xuống 17,54 US cent/lb. Tính chung cả tháng, giá đường thô giảm 6,9%. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London giảm 4,4 USD (-0,8%) xuống 527,2 USD/tấn. Tính cả tháng, giá đường trắng giảm 5,28%.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn ICE giảm 1,2 US cent (-0,5%) xuống 2,172 USD/lb. Tính cả tuần, cà phê arabica tăng hơn 3,5% song có tháng giảm 7,02%. Trong khi đó, giá cà phê Robusta cùng kỳ hạn tăng 15 USD (+0,7%) lên 2.030 USD/tấn. Tính chung cả tháng, cà phê Robusta tăng 0,6%.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm do JPY tăng khiến cao su rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Osaka giảm 3 JPY (-1,3%) xuống 237 JPY (1,79 USD)/kg, nhưng cả tuần giá vẫn tăng 0,2% - tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần qua. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 120 CNY lên 12.230 CNY (1.815 USD)/tấn.

Đồng JPY có tháng tăng mạnh nhất gần 3 năm, sau khi đạt mức cao nhất 6 tuần (132,76 JPY/USD) trong đầu phiên giao dịch, do lo ngại tăng trưởng khiến lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm mạnh.

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 4 liên tiếp và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, được thúc đẩy bởi giá dầu đậu tương tăng mạnh, trong bối cảnh lo ngại nguồn cung và hoạt động mua bù thiếu.

Cụ thể, hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 8,82% lên 4.306 ringgit (968,08 USD)/tấn – cao nhất hơn 3 tuần.

Trên sàn Đại Liên, giá dầu cọ tăng 4,61%, giá dầu đậu tương tăng 3,5%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm 0,08%.

Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan