Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 31/12/2020 – 8/1/2021: Giá dầu, kim loại công nghiệp và nông sản tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường hàng quá thế giới kết thúc tuần qua với điểm nhấn đến từ mức tăng cao của giá dầu, kim loại công nghiệp và nông sản do nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. Trong khi đó, giá kim loại quý và cà phê giảm mạnh

Năng lượng: Giá dầu tăng cao nhất trong gần 1 năm qua

Kết thúc phiên 8/1/2021, giá dầu Brent tăng 1,61 USD/thùng (+3%) lên 55,99 USD/thùng, còn dầu thô WTI tăng 1,41 USD/thùng (+2,8%) lên 52,24 USD/thùng – là mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 của 2 loại dầu này. Tính chung cả tuần cả 2 loại dầu tăng khoảng 9%.

Chuyên gia năng lượng Carsten Fritsch thuộc Commerzbank Research cho rằng, việc tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia khiến thị trường năng lượng có thể thu hẹp nguồn cung trong quý I/2021 giữa bối cảnh nhu cầu năng lượng yếu do các biện pháp hạn chế đi lại mà nhiều quốc gia đang áp dụng được áp dụng ở nhiều quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, ngày 5/1/2021 cam kết tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày, lớn hơn so với mức hạn ngạch yêu cầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh (OPEC+) trong tháng 2 và 3/2021.

Giá dầu tăng còn bởi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) thông báo dự trữ dầu thô của nước này giảm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/1/2021, nhiều hơn mức dự đoán là giảm 2,1 triệu thùng.

Nông sản: Đậu tương và ngô duy trì mức giá đỉnh trong 6,5 năm

Kết thúc phiên 8/1/2021, giá đậu tương của Mỹ tiếp tục tăng và đứng vững trên vùng cao nhất 6,5 năm qua xác lập từ tuần giao dịch cuối cùng của năm 2020 do có những dấu hiệu nhu cầu xuất khẩu mới và dự đoán báo cáo xuất khẩu nông sản của Mỹ tuần tới cho thấy nguồn cung toàn cầu khan hiếm.

Tương tự, ngô kỳ hạn cũng được duy trì tại vùng giá cao nhất 6,5 năm trong tuần qua. Tuy nhiên, lúa mì kỳ hạn đóng cửa giảm giá, thoái lui từ mức đỉnh 6 năm thiết lập trong ngày 5/1/2021.

Cụ thể, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa tăng 19-1/2 US cent, lên 13,74-3/4 USD/bushel sau khi chạm 13,86 USD/bushel - mức cao nhất kể từ tháng 6/2014.

Ngô CBOT giao tháng 3/2021 cũng tăng 2-1/4 US cent lên 4,96-1/4 USD/bushel. Lúa mì cùng kỳ hạn giảm 3-1/2 US cent đóng cửa tại 6,38-3/4 USD/bushel.

Tính chung cả tuần, trong khi ngô và đậu tương tăng lần lượt là 4,6% và 5,7%, thì lúa mì giảm nhẹ 0,3%.

Kim loại: Vàng và bạc giảm mạnh nhất 3 tháng, đồng vẫn trên vùng đỉnh 8 năm

Tuần qua tiếp tục đánh dấu tuần giảm điểm mạnh ở nhóm kim loại quý. Cụ thể, kết thúc phiên 8/1/2021, giá vàng giao ngay giảm 3,6% xuống 1.843,06 USD, có thời điểm trong phiên đã xuống mức 1.828,36 USD/ounce, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Vàng kỳ hạn tháng 2 của Mỹ đóng cửa giảm 4,1% xuống 1.835,4 USD/ounce.

Giá vàng giảm do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ mạnh lên. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi triển vọng về gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ.

Thực tế, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Bob Haberkorn, chiến lược gia tại RJO Futures nhận định, đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã thúc đẩy hoạt động bán ra trên thị trường vàng. Thêm vào đó, sự mạnh lên của USD cũng gây áp lực lên lên giá vàng. Chỉ số USD-Index đã phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều năm, khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Dẫu vậy, vị chuyên này cho rằng, đà tăng của đồng bạc xanh có thể sẽ không kéo dài.

Trong khi đó, việc đảng Dân chủ tại Mỹ nắm được quyền kiểm soát Thượng viện sau khi giành được chiến thắng trong 2 cuộc bầu cử bổ sung ở Georgia đã thúc đẩy kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới. Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered đánh giá, chiến thắng của đảng Dân chủ làm tăng kỳ vọng gói kích thích sẽ được mở rộng và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ ở mức tăng lên. Dự báo lạm phát sẽ hỗ trợ đà đi lên của giá vàng trong thời gian tới.

Tương tự, giá bạc giảm khoảng 7,3% trong tuần qua, xuống 25,14 USD/ounce, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Như vậy, cả vàng và bạc đều có tuần giảm giá mạnh nhất trong 3 tháng qua. Các kim loại quý khác như bạch kim giảm 0,12% xuống 2.356,23 USD/oucne, palađi giảm 0,6% xuống 2.423,82 USD/ounce.

Ngược lại, nhóm kim loại công nghiệp vẫn trong xu thế tăng giá. Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên 8/1/2021 tuy giảm 0,6% xuống 8.131,5 USD/tấn sau khi chạm mức 8.238 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2013, nhưng cả tuần vẫn tăng 3,5%.

Giá đồng tiếp tục vững ở mức cao nhất 8 năm do dự đoán chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ tăng sau khi ông Joe Biden lên nắm chức Tổng thống và đảng Dân chủ của ông nắm quyền kiểm soát Thượng viện.

Giá nickel - chủ yếu sử dụng để sản xuất thép không gỉ - trên sàn LME đạt cao nhất kể từ tháng 9/2019, tăng 1,6% lên 18.060 USD/tấn, sau khi giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng vọt 5% và tồn kho tại quốc gia này giảm.

Trong nhóm sắt thép, giá thép không gỉ của Trung Quốc tăng 5% do chi phí nickel tăng và nguồn cung khan hiếm. Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 3 tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên 14.725 CNY (2.280,72 USD)/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 10/2020.

Giá quặng sắt cũng tăng, theo đó, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 3,1% lên 1.062,50 CNY/tấn; quặng sắt giao tháng 2 tại Singapore tăng 1,2% lên 167 USD/tấn.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su và đường tiếp tục tăng, cà phê điều chỉnh giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa phiên giảm 0,65 US cent/lb (-4%) xuống 15,6 US cent/lb, sau khi có lúc tăng lên 16,33 US cent/lb - cao nhất kể từ tháng 5/2017; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 10,6 USD/tấn (-2,4%) xuống 432,8 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đường kỳ hạn vẫn tăng trên 2%.

Thực tế, giá đường đã tăng trong suốt cả năm 2020 bởi các quỹ mua mạnh khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu và lạc quan về các mặt hàng nông sản, đặc biệt những mặt hàng có nguồn cung cấp khan hiếm. Nguồn cung đường dự kiến vẫn khan hiếm ít nhất tới tháng 4/2021, khi sản lượng tại Brazil có thể bắt đầu tăng trở lại.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa phiên cuối tuần qua tăng 0,2 US cent lên 121,1 US cent/lb, qua đó hạn chế bớt đà giảm trong tuần qua, ở mức giảm gần 1,4%.

Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 20 USD (-1,5%) xuống 1.336 USD/tấn, nâng mức giảm cả tuần lên hơn 4,2%.

Tại châu Á, giao dịch cà phê tại Việt Nam trầm lắng do nhu cầu yếu. Người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán cà phê với giá 32.200-32.600 đồng/kg, phù hợp với giá tại London, trong khi tuần trước nữa còn neo ở mức giá 33.200 đồng/tấn. Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) xuất khẩu chào bán ở mức cộng 90-100 USD, so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 tại London giảm từ mức cộng 135-145 USD trong tuần nữa.

Tại Indonesia, cà phê Sumatra được chào bán ở mức cộng 230-275 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2021 và cộng 270-280 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn London.

Trên thị trường cao su, giá tại Nhật Bản đóng cửa ở mức cao nhất trong gần 3 tuần, bất chấp kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo do số người nhiễm Covid-19 tăng.

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka tăng 7 JPY (+2,9%) đóng cửa phiên 8/1 tại mức giá 245 JPY (2,37 USD)/kg sau khi giảm trong đầu phiên bởi Chính phủ Nhật khẳng định kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp. Hợp đồng cao su tại Thượng Hải giao tháng 5/2021 đóng cửa tăng 3,5% lên 14.875 CNY (2.304 USD)/tấn.

Giá dầu cọ Malaysia đã tăng 6 phiên liên tiếp và đạt mức cao nhất gần 10 năm trong phiên 6/1/2021 do dự báo nguồn cung giảm sâu và bị ảnh hưởng bởi xu hướng giá dầu đậu tương cùng các loại dầu thực vật khác tăng mạnh.

Cụ thể, dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 122 ringgit (+3,2%) lên 3.877 ringgit (967,32 USD)/tấn. Ở mức giá hiện tại, nhu cầu tiêu dùng dầu cọ bị hạn chế.

Giá dầu cọ trên sàn Đại Liên tăng 2%, cũng là mức tăng của giá dầu đậu tương ở sàn Chicago do lo ngại sản lượng đậu tương sụt giảm khi thời tiết ở Nam Mỹ khô hạn.

Dự trữ dầu cọ của Malaysia đến cuối tháng 12/2020 giảm 23% so với tháng 11/2020, đạt 1,21 triệu tấn do xuất khẩu tăng mạnh trong khi sản lượng giảm, theo CGS-CIMB Research.

Giá dầu cọ trong tháng 1/2021 sẽ tiếp tục được hỗ trợ do lượng tồn kho dự báo vẫn ở mức thấp và nguồn cung có nguy cơ sẽ tiếp tục khan hiếm do lũ lụt ở một số khu vực của Malaysia. Nguồn cung được dự báo hồi phục vào nửa cuối năm 2021, khi thời tiết trở lại bình thường.

Tại một hội nghị trực tuyến, nhà phân tích dầu cọ hàng đầu thế giới, James Fry cho biết, thời tiết xấu và tình trạng thiếu hụt lao động khiến sản lượng dầu cọ toàn cầu khó có thể đạt hơn 6 triệu tấn trong năm 2021.

Giá dầu mỏ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 sau khi Saudi Arabia cam kết tự cắt giảm sản lượng nhiều hơn so với mức dự kiến. Điều này khiến dầu cọ trở nên hấp dẫn hơn cho nguyên liệu sản xuất xăng sinh học.

Tin bài liên quan