Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia tại Hội nghị Đối tác M&A toàn cầu (GMAP) 2023 đều cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A), dù quy mô còn khiêm tốn. Thị trường này sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn ở một số ngành như bán lẻ, sản xuất, logistics, bán dẫn.
Bán lẻ là lĩnh vực được đánh giá có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia M&A. Ảnh: Đức Thanh

Bán lẻ là lĩnh vực được đánh giá có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia M&A. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường hấp dẫn

Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị GMAP lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, diễn ra đầu tuần này, dòng vốn mới từ các công ty châu Âu, Mỹ đang đổ vào thị trường Việt Nam. Tuy thị trường M&A Việt Nam có quy mô chưa lớn, những sẽ vẫn tiếp tục duy trì sức hấp dẫn.

Ông Ivan Alver, đồng chủ tịch GMAP, điểm mạnh của thị trường Việt Nam là có nền chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề cao, chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc.

“Vì vậy, các công ty đa quốc gia đang lựa chọn Việt Nam làm địa điểm để thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng thị trường đang ngày càng cạnh tranh và tăng trưởng”, ông Ivan Alver nói.

“Ngoài triển vọng trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực, Việt Nam còn hứa hẹn là thị trường tiêu dùng với dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Bất chấp sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ sẽ phải đầu tư nhiều hơn để thâm nhập thị trường này”, ông Ivan Alver đánh giá.

Ông Frederic De Boer, đồng chủ tịch của GMAP cũng khẳng định, dù kinh tế suy thoái, nhưng vẫn có một số lượng giao dịch M&A đáng kể được thực hiện.

“Chúng tôi cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Các công ty có lịch sử kinh doanh tốt sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư mới và sẽ được định giá ở mức giá tốt. Nhưng điều quan trọng đối với các công ty đang muốn thực hiện chiến lược M&A là phải chú trọng hơn nữa cho các công tác chuẩn bị và thực hiện quy trình M&A”, ông Frederic De Boer cho biết.

GMAP là sự hợp tác toàn cầu của 30 công ty M&A có hoạt động tại 50 quốc gia và khu vực trên khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

GMAP 2023 do RECOF Việt Nam đăng cai tổ chức, đóng vai trò là cầu nối quan trọng, kết nối các chuyên gia M&A của GMAP và các nhà đầu tư với những cơ hội tại thị trường Việt Nam. Các đối tác tại Hội nghị đã trình bày, thảo luận và kết nối giao thương, giúp các nhà đầu tư có được những hiểu biết sâu sắc về bối cảnh đầu tư, khung pháp lý và các lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam.

Trong những năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ nhiều thị trường châu Á khác nhau, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, thị trường M&A Việt Nam chưa quá thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư tới từ châu Âu và Bắc/Nam Mỹ.

Ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành RECOF Việt Nam cho rằng, hiện nay, những biến động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư Nhật Bản. Đồng yên Nhật đang bị mất giá tương đối nhiều và nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cũng bị ràng buộc bởi các quy định về sở hữu/cổ đông, nên cần phải lưu trữ lượng tiền trong ngân hàng khá là lớn. Do vậy, nhu cầu đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận vào những thị trường hấp dẫn như Việt Nam là cần thiết.

“Hiện tại, dưới áp lực của đồng yên đang sụt giảm, nhà đầu tư Nhật Bản cần phải bỏ ra chi phí cao hơn khoảng 1,3 lần so với trước đây để thực hiện các giao dịch. Đây là một vấn đề khá đau đầu với nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Yoshida nhấn mạnh.

Lĩnh vực thu hút khẩu vị ngoại

Theo ông Sam Yoshida, riêng ở Việt Nam, những lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng sẽ tiếp tục thu hút các cơ hội M&A từ nhà đầu tư ngoại, như FMCG (hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) - bán lẻ, sản xuất - chế biến thực phẩm, logistics - kho bãi, tài chính - fintech.

GMAP là sự hợp tác toàn cầu của 30 công ty M&A có hoạt động tại 50 quốc gia và khu vực trên khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. GMAP 2023 do RECOF Việt Nam đăng cai tổ chức, đóng vai trò là cầu nối quan trọng, kết nối các chuyên gia M&A của GMAP và các nhà đầu tư với những cơ hội tại thị trường Việt Nam.

Các đối tác tại Hội nghị trình bày, thảo luận và kết nối giao thương, giúp các nhà đầu tư có được những hiểu biết sâu sắc về bối cảnh đầu tư, khung pháp lý và các lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam.

“Riêng 20 giao dịch M&A xuyên biên giới mà chúng tôi vừa công bố, thì hiện tại, chưa có giao dịch nào liên quan tới Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi vẫn nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng. Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm những cơ hội và đối tác tiềm năng để giới thiệu lại cho các thành viên trong mạng lưới GMAP”, ông Sam cho biết.

Riêng về lĩnh vực bán dẫn, ông Ivan Alver tin rằng, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng vì ngành này rất đặc thù, hưởng nhiều thuận lợi như các hiệp định mới được ký kết với Mỹ, nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đã có những động thái như mở nhà máy, trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam cũng là một trong những đất nước thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Điều này rất có lợi cho lĩnh vực bán dẫn phát triển.

Ông Arnaud Ginolin, Phó tổng giám đốc Boston Consulting Group Việt Nam chia sẻ rằng, mặc dù các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điện tử tại Việt Nam chủ yếu thiên về các hoạt động hạ nguồn, nhưng với những lợi thế hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên chuỗi giá trị trong lĩnh vực bán dẫn.

“Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam phải chủ động xây dựng một chiến lược rõ ràng và tuyên bố giá trị mục tiêu. Cần xem xét lộ trình chính sách toàn diện, bao gồm các ưu đãi bổ sung để thu hút đầu tư và chương trình nghị sự bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ”, ông Ginolin chia sẻ.

Ngoài ra, mảng đầu tư vào trung tâm dữ liệu (data center) đang nhận nhiều sự chú ý trên toàn cầu.

“Một trong những điểm tích cực cần phải nhấn mạnh là Việt Nam nên triển khai mạnh mẽ hơn việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để làm ‘xanh hóa’ các trung tâm dữ liệu, giảm thiểu dấu chân carbon. Đây cũng là xu hướng chung của các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới”, ông Ivan Alver chia sẻ.

Với kinh nghiệm sâu rộng tại thị trường châu Âu, ông Frederic De Boer, đồng sáng lập GMAP cho rằng, một lĩnh vực hẫp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu hiện nay là mảng sản xuất.

“Một số khách hàng của chúng tôi, bao gồm ở châu Âu và Mỹ, đã và đang tích cực xúc tiến để đầu tư vào mảng sản xuất tại Việt Nam. Tôi tới từ Thụy Sĩ và đang có 2 khách hàng doanh nghiệp lớn ở mảng cơ sở hạ tầng, chuyên sản xuất cầu quan tâm tới thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp này có cơ sở ở Trung Quốc và đang muốn dịch chuyển sang Việt Nam. Họ đã tìm hiểu về nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh và bày tỏ sự hài lòng, nên đang tìm hiểu chi tiết để có thể đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Chúng tôi đang làm việc với RECOF để mang những doanh nghiệp này tới Việt Nam”, ông Frederic De Boer chia sẻ.

Nhìn ở khía cạnh khách quan hơn, theo ông Sam Yoshida, xu hướng M&A tại các doanh nghiệp niêm yết cũng có những điểm cần lưu ý.

“Việt Nam cần có thêm những quy định rõ ràng hơn cho các công cụ để phục vụ trường hợp muốn M&A các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nếu triển khai đúng cách, dòng vốn M&A ngoại sẽ còn tăng ấn tượng hơn nữa vì giao dịch sẽ dễ dàng và có khuôn khổ hơn, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ không còn thấy bối rối. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại rất cẩn thận và sẽ lên kế hoạch chi tiết, bài bản, không chỉ về các cơ hội đầu tư tiềm năng và còn về kế hoạch thoái vốn phù hợp”, ông Sam Yoshida nhận định.

Một điểm lưu ý nữa, theo ông Ivan Alver, là sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ “dry powder” (tiền mặt dự trữ) của nhiều quỹ đầu tư ở mức cao, lượng giao dịch giữa người mua và người bán nhiều hơn và lượng tiền mặt thực tế vẫn còn nhiều.

“Mặc dù nhiều dự đoán về kinh tế suy thoái, nhưng thực tế trên thị trường, theo chúng tôi quan sát, như ở châu Âu, ở Mỹ, nhiều giao dich vẫn diễn ra sôi động. Các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư tư nhân có thể tận dụng dry powder để thực hiện thương vụ M&A các doanh nghiệp phù hợp”, ông Alver nhấn mạnh.

M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp, nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là khách tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Tin bài liên quan