Thị trường phân hóa, VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên chiều 15/8

Thị trường phân hóa, VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên chiều 15/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền suy giảm và có phần thận trọng hơn khi không tìm thấy chất xúc tác mới để dẫn dắt xu hướng, gây áp lực phân hóa cao trên bảng điện tử khiến thị trường khép lại một phiên tương đối nhàm chán.

Áp lực phân hóa cao chi phối thị trường trong suốt cả phiên hôm nay khiến chỉ số VN-Index gần như chỉ biến động nhẹ và kết thúc phiên điều chỉnh nhẹ. Dòng tiền suy giảm và phân tán, không hướng đến nhóm ngành nào cụ thể.

Thậm chí, thị trường cũng gần như không phản ứng với thông tin mới nhất về việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 232 mã tăng và 221 mã giảm, VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,23%), xuống 1.234,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 912 triệu đơn vị, giá trị 19.213,7 tỷ đồng, giảm 18% về cả khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,7 triệu đơn vị, giá trị 1.505 tỷ đồng.

Trong số các bluechip, điểm nhấn đến từ cặp đôi nhà Vin là VIC và VRE. Theo đó, cổ phiếu VIC có dấu hiệu bị chốt lời và nới rộng đà giảm thì VRE lại tăng tốc, đóng cửa với hai sắc thái khác nhau của hai mã này. Cụ thể, VIC -3,5% xuống 70.700 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp lệnh hơn 14,76 triệu đơn vị, còn VRE +3,3% lên 31.300 đồng, khớp 9,33 triệu đơn vị.

Phần còn lại của các bluechip phân hóa mạnh với biên độ giá thay đổi ở mức thấp, với sắc xanh tại MSN, VPB, VHM, CTG, VJC, TPB, BVH, ngược lại là HPG, VNM, ACB, SSI, PLX, GAS, VCB cùng hai cổ phiếu MBB và SHB đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là hai cái tên từ phiên sáng ITA và DRH nổi bật, khi đứng vững ở giá trần tại 6.560 đồng và 7.910 đồng, khớp lệnh lần lượt có 10,8 triệu và 11,7 triệu đơn vị.

Tương tự là HSL, FCM, PIT, VID khi cũng duy trì được sắc tím cho đến khi đóng cửa. Đáng chú ý là AGM, khi được mua bắt đáy mạnh, giá cổ phiếu từ mức sàn đã leo thẳng lên giá trần +6,9% lên 10.900 đồng, khớp lệnh hơn 1,5 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu đơn lẻ ở các nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hóa chất, dược phẩm, dịch vụ nhận lực cầu tương đối tốt như HAR +2,9% lên 5.320 đồng, CKG +3,2% lên 25.800 đồng, HQC +3,3% lên 4.970 đồng, DHG +3,4% lên 119.900 đồng, DBD +3,4% lên 52.000 đồng, DGC +4,1% lên 76.400 đồng, IMP +4,5% lên 71.600 đồng, VPG +5,8% lên 22.000 đồng.

Tân binh SIP chấm dứt 5 phiên liên tiếp kể từ khi chào sàn HOSE vào 8/8 bằng phiên tăng 4,8% lên 130.000 đồng.

Trái lại, lực bán có phần gia tăng tại một số cổ phiếu như TDP -5,7% xuống 32.300 đồng, SJS -4% xuống 60.000 đồng, TCH -3,3% xuống 13.100 đồng, VPH -3,3% xuống 10.100 đồng, các cổ phiếu TCM, OCB, MBS, BCG, PHC, TGG, NVL, FIR mất từ 2% đến hơn 2,5%, trong đó, NVL phiên này thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 49,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index hạ độ cao dần, nhưng với lực cầu tốt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã giúp chỉ số này đóng cửa trong sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 98 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index tăng 1,01 điểm (+0,40%), lên 251,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 132,8 triệu đơn vị, giá trị 2.160,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,21 triệu đơn vị, giá trị gần 82 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO phiên này vẫn là trụ đỡ lớn nhất, khi tăng kịch trần +9,9% lên 23.400 đồng, khớp lệnh vượt trội so với phần còn lại của sàn HNX với hơn 28,47 triệu đơn vị - mức cao nhất từ giữa tháng 12/2022.

Lực cầu còn chọn nhóm cổ phiếu APEC với API tăng trần +10% lên 7.700 đồng, IDJ +7,9% lên 8.200 đồng, APS +8,8% lên 8.700 đồng, khớp từ 3,57 triệu đến 7,5 triệu đơn vị.

Tương tự là L14, khi cũng giữ vững giá trần +10% lên 57.200 đồng, khớp hơn 0,63 triệu đơn vị.

Các mã quen thuộc khác biến động nhẹ, với TIG, TAR, AAV, DL1, LIG nhích nhẹ, API +4,6% lên 18.100 đồng, còn SHS, PVS, HUT, DDG, MBS, TNG, NRC, PVC mất điểm nhẹ, khớp từ 1,25 triệu đến 11,8 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index dần thu hẹp đà giảm và đã chớm vượt tham chiếu ở những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 93,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,5 triệu đơn vị, giá trị 835,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,47 triệu đơn vị, giá trị 175 tỷ đồng, với đóng góp lớn từ 7,5 triệu cổ phiếu NAB, trị giá 103 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là VSF, khi cũng được mua bắt đáy, từ giá sàn đã leo lên giá trần +14,8% lên 28.000 đồng, khớp 1,16 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu thanh khoản cao khác phân hóa cao, với BSR, DGT, KVC, SBS, TCI, AAS mất điểm nhẹ, trong khi PAS, TVN, DDV, OIL, QNS, VTP nhích lên. Trong đó, BSR vẫn là cái tên thu hút giao dịch nhất với hơn 11,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên thị trường phái sinh, duy nhất hợp đồng VN30F2308 đáo hạn trong thứ Năm tới còn tăng điểm, +1,9 điểm, tương đương +0,15% lên 1.241 điểm, khớp lệnh có hơn 148.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 40.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa cũng mạnh mẽ, với CMBB2211 đứng tham chiếu tại 60 đồng/cq, khớp lệnh cao nhất khi có 2,25 triệu đơn vị, trong khi đó, CSTB2307 theo sau ngay với 1,83 triệu đơn vị, lại giảm 6,8% xuống 680 đồng/cq và CVRE2304 khớp 1,44 triệu đơn vị nhưng tăng 13% lên 610 đồng/cq.

Tin bài liên quan