Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á đang rẻ

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á đang rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Bất động sản nằm ngoài danh mục ưu tiên của ngân hàng; Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên chậm chạp; Mỹ hối thúc G7 thực hiện cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu; P/E chứng khoán châu Á xuống mức thấp nhất 14 tháng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 10/9 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,60 – 57,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 5,6 USD lên 1.794,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng trở lại lên gần 1.805 USD/ounce, nhưng đã bị đẩy ngược trở lại khá nhanh và về dưới 1.795 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,02% xuống 92,46 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.118 đồng/USD, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.670 – 22.870 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,12 USD (+1,64%), lên 69,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm tăng 1,20 USD (+1,67%), lên 72,64 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 46.000 USD thì sang ngày hôm nay tiếp tục gần như chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng nhẹ

Dòng tiền tham gia khá yếu khiến giao dịch khá ảm đạm và VN-Index lình xình dưới ngưỡng 1.350 điểm trong gần suốt cả phiên sáng.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán có phần chiếm ưu thế hơn khi tâm thế nhà đầu tư nghiêng về việc chốt lời, khiến VN-Index rung lắc và may mắn đóng cửa trong sắc xanh nhạt.

Phiên này, vẫn có những điểm sáng như PHC, TCD, TCH, APG, TCO hay các mã nhỏ hơn như SJF, EVG, VPH… đều kết phiên trong trạng thái dư mua trần. Đáng kể là cổ phiếu TCH có lượng dư mua trần chất đống lên tới hơn 20,7 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,42 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 744,55 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/9: VN-Index tăng 1,33 điểm (+0,1%), lên 1.345,31 điểm; HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,11%) xuống 350,05 điểm; UpCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,61%), lên 95,41 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Năm (9/9), đánh dấu phiên thứ tư liên tiếp giảm điểm.

Thị trường đón nhận báo cáo thất nghiệp hàng tuần tiếp tục được cải thiện làm giảm bớt lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm lại, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại Fed có thể sẽ thu hẹp các chính sách sớm hơn.

Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm 35.000 đơn, xuống còn 310.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 4/9, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020.

Điều này cho thấy, tăng trưởng việc làm có thể bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động hơn là giảm nhu cầu tuyển dụng lao động.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Dow Jones giảm 151,69 điểm (-0,43%), xuống 34.879,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,79 điểm (-0,46%), xuống 4.493,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 38,38 điểm (-0,25%), xuống 15.248,25 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nối dài chuỗi tăng với hy vọng về một chính phủ mới và cải thiện hơn nữa lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,25% lên 30.381,84 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,029% lên 2.091,65 điểm.

Triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đã được cải thiện, khi tốc độ triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của nước này đã tiến gần hơn để bắt kịp các quốc gia phát triển khác.

Lĩnh vực tài chính là một trong những ngành tăng điểm hàng đầu, sau khi Tập đoàn tài chính Nhật Bản SBI Holdings chào mua Ngân hàng Shinsei.

Chỉ số môi giới tăng 2,6% trong khi các ngân hàng tăng 1,8%, sau động thái của SBI làm dấy lên hy vọng về sự hợp nhất nhiều hơn trong ngành.

Trái lại, Nipro giảm 7,8%, sau khi công ty thiết bị y tế thông báo bán 30 tỷ yên (273,47 triệu USD) trái phiếu chuyển đổi, có thể gây ra tỷ lệ pha loãng 13%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng và ghi nhận ​​tuần tăng mạnh nhất trong 7 tháng, sau cuộc trò chuyện “thẳng thắn” giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,27% lên 3.703,11 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,88% lên 5.013,52 điểm.

Trong tuần, Shanghai Composite tăng 3,4%, còn CSI300 tăng 3,5%.

Ông Biden và ông Tập đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên kể từ tháng 2 và thảo luận về sự cần thiết phải tránh để sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành xung đột, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Đáng chú ý, chỉ số phụ ngành năng lượng giảm 4,1%, sau khi nước Trung Quốc cho biết sẽ lần đầu tiên "mở" kho dự trữ chiến lược với mục đích làm hạ giá dầu.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, khi tin tức về cuộc gọi “thẳng thắn” giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,91% lên 26.205,91 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,21% lên 9.386,84 điểm.

Trong tuần, Hang Seng-Index và Hang Seng China Enterprises lần lượt cao hơn 1,2% và 1%.

Chỉ số công nghệ đã phục hồi 2,9%, sau khi giảm mạnh nhất trong sáu tuần trong phiên trước, khi các nhà chức trách triệu tập các lãnh đạo công ty game để đảm bảo họ thực hiện các quy tắc mới cho lĩnh vực này.

Các gã khổng lồ công nghệ Meituan và Alibaba Group đều tăng 4,3%, trong khi Tencent Holdings tăng 2,1%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, khi các ông lớn công nghệ phục hồi và tin tức về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đã mang lại một số hy vọng cho các nhà đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,36% lên 3.125,76 điểm. Nhưng trong tuần, chỉ số này đã giảm 2,35%.

Trong số các cổ phiếu lớn, SK Hynix tăng 1,94%, trong khi nhà điều hành cổng web Naver và Kakao lần lượt tăng 2,76% và 1,17%.

Kết thúc phiên 10/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 373,65 điểm (+1,25%), lên 30.381,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,98 điểm (+0,27%), lên 3.703,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 489,91 điểm (+1,91%), lên 26.205,91 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 11,06 điểm (+0,36%), lên 3.125,76 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Bất động sản nằm ngoài danh mục ưu tiên của ngân hàng

Gần 20 ngân hàng cho biết, từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết nhóm khách hàng, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác vẫn thắt chặt cho vay..>> Chi tiết

- Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên chậm chạp

Nhiều doanh nghiệp đại chúng đồng loạt xin gia hạn công bố báo cáo soát xét bán niên 2021 với lý do là ảnh hưởng của dịch bệnh..>> Chi tiết

- Mỹ hối thúc G7 thực hiện cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu

Mỹ cũng đang đề xuất một kế hoạch cải cách thuế khi dự định áp mức thuế chung tối thiểu 21% đánh vào các công ty có hành vi gian lận thuế bằng cách chuyển thu nhập đến các quốc gia có mức thuế thấp..>> Chi tiết

- P/E chứng khoán châu Á xuống mức thấp nhất 14 tháng

Định giá tương đối của cổ phiếu châu Á so với các thị trường trên toàn cầu đang ở mức thấp nhất gần 14 tháng do lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại và sự lây lan của biến thể Delta trong năm nay..>> Chi tiết

Tin bài liên quan