Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đứng vững trước áp lực bán gia tăng

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đứng vững trước áp lực bán gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đứng tham chiếu; Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp; Những “bất ngờ” tích cực; Bắt đầu cho một chu kỳ hồi phục; Conference Board loại bỏ nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/2 tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 75,80 – 78,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 6,6 USD lên 2.024 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 2.030 USD trước khi lùi về gần 2.025 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,16 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.993 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.340 – 24.680 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống 51.400 USD thì sang phiên hôm nay đã rung lắc khá mạnh và đứng tại 51.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,31 USD (-0,40%), xuống 76,73 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,32 USD (-0,39%), xuống 82,02 USD/thùng.

VN-Index không đổi

Áp lực chốt từ sớm ở nhóm Vingroup sau đó lan rộng ra nhiều nhóm khác khiến VN-Index rung lắc và có lúc đã giảm xuống gần 1.220 điểm.

Tuy nhiên, trong khi một số nhà đầu tư mua vào tuần trước muốn chốt lời sớm, thì số khác vẫn tin tưởng vào một năm thăng hoa của thị trường nên tranh thủ lúc thị trường điều chỉnh trong phiên để vào hàng. Lực mua trong phiên chiều dần thắng thế, giúp VN-Index quay đầu đi lên, vượt qua tham chiếu trước khi lùi về và đóng cửa không đổi.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 13,97 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 38,19 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/2: VN-Index đứng ở mức 1.230,04 điểm; HNX-Index tăng 0,35 điểm (+0,15%), lên 233,84 điểm; UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,09%), lên 90,61 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (20/2), khi nhà sản xuất chip Nvidia giảm mạnh trước khi có báo cáo kết quả kinh doanh rất được mong đợi vào cuối ngày.

Cổ phiếu của nhà thiết kế chip Nvidia giảm 4,4%, khi lo ngại nếu báo cáo lợi nhuận của Nvidia không đạt được kỳ vọng sẽ khiến tổn thất lan rộng trong “cơn điên” xung quanh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed cũng như nhận xét từ một loạt quan chức ngân hàng trung ương vào cuối tuần này.

Kết thúc phiên 20/2: Chỉ số Dow Jones giảm 64,19 điểm (-0,17%), xuống 38.563,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,06 điểm (-0,60%), xuống 4.975,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 144,87 điểm (-0,92%), xuống 15.630,78 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà giao dịch chờ xem liệu kết quả tài chính của nhà sản xuất chip Nvidia.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,26% xuống 38.262,16 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,19% xuống 2.627,30 điểm.

Các nhà giao dịch đã chuyển sang trạng thái thận trọng trước kết quả kinh doanh của Nvidia sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Tư. Qua đó, có thể kiểm tra đà tăng nóng liên quan đến lĩnh vực AI gần đây.

Cổ phiếu liên quan đến công nghệ chùng xuống, với nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm chip Advantest, trong đó có Nvidia nằm trong số các khách hàng, giảm 2%. Gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 0,4%.

SoftBank Group, công ty đầu tư vào một công ty khởi nghiệp tập trung vào AI, đã giảm khoảng 2%.

Những gã khổng lồ chip của Nhật Bản, có chung quan hệ với các công ty công nghệ cao ở Mỹ, đã có "tác động đáng kể" đến Nikkei 225, Giám đốc chiến lược thị trường Masahiro Ichikawa của Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.

Nếu kết quả kinh doanh của Nvidia gây thất vọng, Ichikawa dự báo Nikkei 225 sẽ giảm xuống dưới 38.000 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau những động thái mới của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,97% lên 2.950,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,35% lên 3.456,87 điểm.

Việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Trung Quốc vào ngày hôm qua là một trong những biện pháp nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế, vốn đang suy giảm khi Bắc Kinh chiến đấu với cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản kéo dài và suy thoái toàn cầu.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong bảy tuần khi các nhà phát triển bất động sản phục hồi, do suy đoán chính quyền thành phố sẽ loại bỏ nhiều hạn chế hơn trong tháng này để ngăn chặn sự sụt giảm của ngành.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,57% lên 16.503,10 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,24% lên 5.642,78 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp, khi giới đầu tư chững lại chờ đợi kết quả kinh doanh của Nvidia.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 4,48 điểm, tương đương 0,17% xuống 2.653,31 điểm.

Thông tin khác cho thấy, xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 2 đã giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, do có ít ngày làm việc hơn do chênh lệch múi giờ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong thông báo ngày thứ Năm, sau khi đề xuất xoay trục chính sách tiền tệ vào tháng 1 vừa qua.

Kết thúc phiên 21/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 101,45 điểm (-0,26%), xuống 38.262,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,23 điểm (+0,97%), lên 2.950,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 255,59 điểm (+1,57%), lên 16.503,10 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,48 điểm (-0,17%), xuống 2.653,31 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Những “bất ngờ” tích cực

Thị trường chứng khoán luôn biến động và tràn đầy kịch tính. Hãy chuẩn bị tâm lý và phương án hành động để tận dụng được những “bất ngờ” giúp tối ưu kết quả đầu tư trong năm 2024..>> Chi tiết

- Bắt đầu cho một chu kỳ hồi phục

Ông Jeon Mun Cheol, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chia sẻ dự cảm về thị trường chứng khoán trong năm Giáp Thìn 2024..>> Chi tiết

- Conference Board loại bỏ nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái

Conference Board đã loại bỏ khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, mặc dù chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của tổ chức này ghi nhận sản lượng kinh tế đi ngang trong những tháng tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan