Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán hồi phục mạnh

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán hồi phục mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục hơn 20 điểm; Vững sứ mệnh huyết mạch của nền kinh tế; Lực đẩy cổ phiếu bất động sản thương mại và nhà ở; Cổ phiếu “vua” còn sức bật; Khó khăn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí; Giám đốc IEA kêu gọi OPEC+ thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và hành động…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/2 tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại đúng 300.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 62,25 – 62,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,3 USD lên 1.871,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 1.880 USD/ounce, nhưng đã bất ngờ lao dốc mạnh và về dưới 1.855 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,03 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.116 đồng/USD, tăng 20 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.580 – 22.860 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giàm 2,63 USD (-2,76%), xuống 92,83 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,40 USD (-2,49%), xuống 94,08 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 42.600 USD, thì sang ngày hôm nay tiếp tục bật mạnh và chạm 44.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng hơn 20 điểm

Câu chuyện hiện tại của thị trường vẫn là sự thận trọng bao trùm, việc thị trường tăng điểm mạnh phiên hôm nay có vai trò của sự suy giảm của lực bán hơn là vì lực mua mạnh.

Ngoài ra, còn phải kể tới vai trò của một vài mã trụ như MSN, VIC, VHM, VCB phục hồi, đây đều là các mã có đợt điều chỉnh giảm trước đó nên việc phục hồi "đúng lúc" vào phiên hôm nay giúp chỉ số tăng điểm tốt chỉ có ý nghĩa ngắn hạn chứ không phải là dài hạn.

Động lực chính là MSN +5,9% và nhóm nhà Vin với VRE +3%, VHM +2,4%, VIC +2,3%.

Nhóm ngân hàng có sự đồng thuận cao, với BID +3,2%, VPB +2,7%, MBB +2,2%, STB +2%, TPB +1,9%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi lên là HAG, khi lượng dư bán sàn hơn 23 triệu đơn vị đã được hấp thụ hết ngay đầu giờ chiều và giao dịch tiếp tục sôi động, kết phiên khớp hơn 38,5 triệu đơn vị, giá cổ phiếu có thời điểm đã gần tới giá trần, nhưng áp lực chốt lời đã khiến cổ phiếu này hạ nhanh độ cao, đóng cửa chỉ còn +0,9%.

Kết thúc phiên giao dịch 15/2: VN-Index tăng 20,79 điểm (+1,41%), lên 1.492,75 điểm; HNX-Index tăng 2,83 điểm (+0,67%), lên 423,84 điểm; UpCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,33%), lên 111,22 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall thêm một phiên giảm trong ngày thứ Hai (14/12), do tình hình căng thẳng tại Ukraine chưa thể hạ nhiệt và thêm vào sự diều hâu từ quan chức Fed khiến thị trường chịu thêm sức ép.

Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken đã ra lệnh cho Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev đóng cửa và nhân viên sứ quán phải chuyển đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraine, một dấu hiệu cho thấy có thể xảy ra về một cuộc tấn công quân của Nga sắp xảy ra đã khiến giới đầu tư thêm lo ngại.

Thêm vào những áp lực đến phố Wall, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, nói với CNBC rằng, uy tín của Fed đang bị đe dọa và ngân hàng trung ương cần quyết liệt chống lạm phát mạnh mẽ hơn nữa, lặp lại những nhận định mà ông đã đưa ra hồi tuần trước.

Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones giảm 171,89 điểm (-0,49%), xuống 34.566,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,97 điểm (-0,38%), xuống 4.401,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,24 điểm (-0,00%), xuống 13.790,92 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản vẫn bị đè nặng bởi những lo lắng về việc tăng lãi suất của Mỹ và các nhà đầu tư thận trọng đứng ngoài, bởi hành động quân sự có thể xảy ra từ phía Nga đối với Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,79% xuống 26.865,19 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,83% xuống 1.914,70 điểm.

Phiên hôm nay, cổ phiếu đáng chú ý nhất là của nhà sản xuất máy xây dựng Kubota giảm 12,62%, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Nikkei 225, trong khi Recruit Co giảm 12,46% và mã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chung.

Tài chính là lĩnh vực hoạt động kém nhất của Nikkei 225, giảm 2,44%, do lợi suất trái phiếu dài hạn toàn cầu giảm xuống làm giảm triển vọng lợi nhuận của ngành.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ cổ phiếu các công ty chăm sóc sức khỏe và năng lượng mới, sau khi ngân hàng trung ương của nước này bơm thêm tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,5% lên 3.446,09 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,06% lên 4.600,10 điểm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm nay đã bơm 300 tỷ nhân dân tệ (47,19 tỷ USD) thông qua các khoản vay trung hạn vào hệ thống tài chính, nhiều hơn so với dự báo của thị trường, đồng thời giữ nguyên lãi suất.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các công ty tài chính và công nghệ kéo lùi, khi các nhà đầu tư lo lắng về tác động của một cuộc tấn công quân sự từ Nga vào Ukraine.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,82% xuống 24.355,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,05% xuống 8.528,27 điểm.

Nhóm cổ phiếu tài chính giảm 1,9% là tác nhân ảnh hưởng xuất nhất đến thị trường, trong đó Tập đoàn Bảo hiểm Ping An và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc giảm lần lượt 3,5% và 2,9%.

Chỉ số công nghệ giảm 0,2%, khi gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan mất 2,6%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi lo lắng dai dẳng về căng thẳng địa chính trị xung quanh Nga và Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 27,94 điểm, tương đương 1,03% xuống 2.676,54 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 28/1.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất pin LG Energy Solution và nhà sản xuất chip SK Hynix lần lượt giảm 4,15% và 2,48%, trong khi Naver giảm 1,09%.

Kết thúc phiên 15/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 214,40 điểm (-0,79%), xuống 26.865,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,21 điểm (+0,50%), lên 3.446,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 200,86 điểm (-0,82%), xuống 24.355,71 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 27,94 điểm (-1,03%), xuống 2.676,54 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vững sứ mệnh huyết mạch của nền kinh tế

2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tình hình quốc tế và trong nước được dự báo có những cơ hội, thách thức đan xen, trọng trách đặt lên hệ thống ngân hàng cần tiếp tục phát huy sứ mệnh huyết mạch của nền kinh tế..>> Chi tiết

- Lực đẩy cổ phiếu bất động sản thương mại và nhà ở

Cơ hội dòng tiền quay lại với nhóm cổ phiếu bất động sản trong năm 2022 vẫn được đánh giá cao, nhưng sẽ không còn dồn dập như trước..>> Chi tiết

- Cổ phiếu “vua” còn sức bật

Theo nhiều chuyên gia tài chính, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố..>> Chi tiết

- Khó khăn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí

Sau một năm tình hình kinh doanh đi xuống do nhu cầu điện năng suy giảm, các doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí tiếp tục chịu thêm áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong đầu năm..>> Chi tiết

- Giám đốc IEA kêu gọi OPEC+ thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và hành động

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC+ thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động của mình khi giá dầu hôm thứ Hai (14/2) đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm..>> Chi tiết

Tin bài liên quan