Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tạm vượt qua thử thách T+

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tạm vượt qua thử thách T+

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi nhẹ; USD tự do nhích nhẹ sau khi Fed phát biểu "diều hâu"; Talkshow Chọn Danh mục (Phần 2) - kỳ 4: Gỡ nghẽn dòng tiền; Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình trạng thanh khoản…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại đúng 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,60 – 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 13,2 USD xuống mức 1.760,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ lên 1.765 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.675 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.608 – 24.858 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên 16.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích lên gần 17.000 USD trước khi lùi về gần 16.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,41 USD (+0,50%), lên 82,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,20 USD (+0,22%), lên 89,98 USD/thùng.

VN-Index hồi lên tham chiếu

Lực bán ở cuối phiên sáng tiếp diễn ngay trong phiên chiều, khiến VN-Index rơi về 940 điểm, tương đương mất gần 30 điểm so với tham chiếu.

Nhiều nhà đầu tư lo lắng lượng hàng T+ bắt đáy phiên thứ Tư về tải khoản nếu đồng loạt tung vào sẽ khiến họ chịu nhiều thiệt hại hơn và quan trọng không kém là sẽ trở tay không kịp. Tuy nhiên, điều đó ít nhiều đã không xảy ra, các bluechip “ra quân” gánh vác với nhiều mã thu hẹp đáng kể đà giảm, thậm chí một số còn nhích lên sắc xanh, kéo VN-Index chạm lên trên tham chiếu chỉ sau gần một giờ giao dịch.

Dù vẫn có sự thận trọng nhất định, nhưng mà lực cầu đã làm tốt phần việc của mình, khi đã đổ ồ ạt vào các cổ phiếu thép, bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu, kéo không ít cổ phiếu tăng trần và dần chất lệnh dư mua giá trần.

Chỉ số VN-Index theo đó nhích dần và vượt lên trên tham chiếu và dù đảo chiều nhanh về 960 điểm và bất ngờ tăng vọt lên gần 970 điểm trong phiên khớp lệnh ATC, nhưng đã bật lên trên tham chiếu khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng chỉ hơn 154.000 đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng hơn 25,4 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/11: VN-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,01%), lên 969,33 điểm; HNX-Index tăng 3,01 điểm (+1,6%), lên 190,87 điểm; UpCoM-Index tăng 0,61 điểm (+0,92%), lên 67,15 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Năm (17/11) khi các quan chức Fed cảnh báo chiến dịch nâng lãi suất còn lâu mới kết thúc.

Giới đầu tư thận trọng sau tuyên bố về chính sách lãi suất của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard rằng, “lãi suất điều hành hiện tại vẫn chưa ở trong vùng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn có độ nhạy cảm cao với lãi suất, tăng mạnh lên mức 4,45% trong phiên ngày 17/11. Đà tăng này phản ánh mối lo ngại rằng lãi suất tăng cao sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Dow Jones giảm 7,51 điểm (-0,02%), xuống 33.546,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,23 điểm (-0,31%), xuống 3.946,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 38,70 điểm (-0,35%), xuống 11.144,96 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của các cổ phiếu tăng trưởng, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ dài hạn cao hơn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,11% xuống 27.899,77 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này mất khoảng 1,29%.

Chỉ số Topix tăng 0,04% lên 1.967,03 điểm, nhưng giảm 0,54% trong tuần, chấm dứt một đợt phục hồi kéo dài ba tuần.

Trong ngày, nhà đầu tư công nghệ SoftBank Group là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, lấy đi 50 điểm của chỉ số với mức trượt 3,86%.

Nhà bán lẻ trực tuyến Rakuten Group, một cổ phiếu tăng trưởng khác, là cổ phiếu giảm tỷ lệ phần trăm lớn nhất, mất 5,55%.

Các nhà sản xuất ô tô hoạt động tốt hơn khi đồng yên ổn định quanh mức 140 đổi một USD, với cổ phiếu Mitsubishi Motors tăng 2,77%, Isuzu tăng 2,67% và Mazda tăng 2,54%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, theo dõi tâm trạng thận trọng tại các thị trường khu vực, trong bối cảnh lo ngại về sự thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed và sự bùng phát Covid-19 trong nước.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,58% xuống 3.097,24 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,45% xuống 3.801,56 điểm nhưng tăng 0,3% trong tuần.

Hầu hết các thị trường châu Á đều đi ngang, sau khi các quan chức Fed đưa ra nhiều tín hiệu cảnh báo hơn về lãi suất sẽ còn tăng.

Trung Quốc vừa thông báo có kế hoạch tăng tốc tiêm chủng Covid-19, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm.

“Các thông điệp từ cuộc họp hôm nay củng cố thêm niềm tin cho quan điểm của chúng tôi rằng, ban lãnh đạo cao nhất đang chuẩn bị cho việc rút khỏi chính sách Zero COVID, nhưng việc chuẩn bị hậu cần y tế vẫn là một điểm nghẽn trong ngắn hạn,” các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý.

Số ca nhiễm virus corona trong ngày của Trung Quốc đã tăng lên hơn 20.000 ca trong những ngày gần đây, qua đó, thách thức các kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt vốn đã kìm hãm nền kinh tế nước này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, ngay cả khi các cơ quan quản lý cấp phép nhiều trò chơi của một số công ty lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,29% xuống 17.992,54 điểm và tăng 3,8% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,25% xuống 6.125,40 điểm.

Cơ quan quản lý trò chơi điện tử của Trung Quốc hôm thứ Năm đã cấp giấy phép xuất bản cho 70 trò chơi trực tuyến, bao gồm các tựa game thuộc Tencent Holdings Ltd, NetEase Inc và các nhà phát triển khác.

Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 0,6%, trong đó, công ty game NetEase tăng 3,7%.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng nhẹ và có tuần tăng mạnh, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ thông tin và các nhà sản xuất chip, do đồng won mạnh hơn đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua hơn trong suốt cả tuần.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,58 điểm, tương đương 0,06% lên 2.444,48 điểm.

Trong tuần, chỉ số này đã tăng 5,7%, mức tăng tuần mạnh nhất kể từ đầu tháng Giêng.

Trong số các đối thủ nặng ký, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 0,65% và SK Hynix tăng 0,8%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,17%.

Kết thúc phiên 18/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 30,80 điểm (-0,11%), xuống 27.899,77 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,19 điểm (-0,58%), xuống 3.097,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 53,12 điểm (-0,29%), xuống 17.992,54 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 1,58 điểm (+0,06%), lên 2.444,48 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- USD tự do nhích nhẹ sau khi Fed phát biểu "diều hâu", NHNN hút ròng gần 50.000 tỷ đồng

Hôm nay (18/11), Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ tỷ giá trung tâm nhưng giá USD trên thị trường tự do nhích nhẹ trở lại. Tỷ giá liên ngân hàng cũng tăng nhẹ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng..>> Chi tiết

- Talkshow Chọn Danh mục (Phần 2) - kỳ 4: Gỡ nghẽn dòng tiền

Nếu tiếp tục có các giải pháp thực thi cụ thể, linh hoạt hơn nữa trong triển khai chính sách để gỡ điểm nghẽn thanh khoản hiện nay, thì mục tiêu lớn vẫn đạt được, trong khi hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình trạng thanh khoản sau cú giảm của thị trường trái phiếu

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo về khả năng đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn của họ sau khi diễn ra làn sóng rút tiền của các nhà đầu tư khỏi các sản phẩm có thu nhập cố định..>> Chi tiết

Tin bài liên quan