Nhà máy chế biến thủy sản Ảnh Lê Toàn

Nhà máy chế biến thủy sản Ảnh Lê Toàn

Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD sớm hơn dự kiến, khó khăn vẫn chực chờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD sớm hơn dự kiến.

Đáng chú ý, riêng khối các thị trường trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ước đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021 và tăng 13,6% so với năm 2018. Các nước trong khối đều tăng trưởng hai con số so với năm 2021 như Nhật Bản tăng 33%, Canada 67%, Úc 53%, Malaysia 34%, Mexico59% và đặc biệt đã mở được thị trường Peru với giá trị gần 12 triệu USD, tăng trên 100%.

Ngoài ra, Nhật Bản là thị trường truyền thống của Việt Nam với giá trị 1,3 - 1,4 tỷ USD đã góp phần tạo nên sự sôi động cho thương mại thủy sản giữa Việt Nam và khối CPTPP.

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế để phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra. Trong đó, tôm xuất khẩu vào khối đã tăng 51% và nhanh chóng phủ sóng các thị trường như Úc với tốc độ tăng trưởng gần 60%; Canada tăng 56%...

Đối với sản phẩm cá tra cũng có sự tăng trưởng rất ấn tượng tại Mexico với mức tăng trưởng 70% - đưa quốc gia này là nước nhập khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.

Một điểm đặc biệt là bên cạnh ưu đãi về thuế quan giúp các doanh nghiệp Việt tăng được khả năng cạnh tranh so với các nước khác, thì hiệp định này cũng mang lại cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ các nước thành viên.

Một yếu tố thành công của các doanh nghiệp thủy sản trong việc nhanh chóng tận dụng được những ưu đãi do CPTPP mang lại chính là sự chủ động chuẩn bị và xây dựng trước một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất chế biến. Đây là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU - vốn là thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy trình nghiêm ngặt, do đó họ đã áp dụng các tiêu chuẩn cao của thế giới để quản lý hệ thống nuôi, chế biến.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp thủy sản đang dần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hơn với các yêu cầu của thị trường từ khâu quản lý chất lượng, đến truy xuất nguồn gốc, và hướng đến doanh nghiệp có trách nhiệm. Việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về nuôi, chế biến, trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu nếu doanh nghiệp muốn thâm nhập và khối CPTPP hay các thị trường khác.

Mặc dù xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD năm nay, nhưng bà Lan cũng cho rằng, có rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ bị tác động sâu sắc trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới. Từ quý III/2022 đã thấy rõ những khó khăn, thách thức khiến cho sản xuất - xuất khẩu tăng trưởng chậm lại so với nửa đầu năm. Năm 2023, sẽ còn nhiều thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thủy sản xuất khẩu. Dù các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm ra các phương án để khơi thông cho từng thị trường, nhưng không dám đưa ra một dự báo tích cực cho tình hình hiện nay.

Để ngành thủy sản tiếp tục phát triển, tận dụng được lợi thế của CPTPP nói riêng và các FTA khác nói chung, VASEP kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản vay vốn để duy trì sản xuất - xuất khẩu, có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá năng lượng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Về lâu dài, phải ổn định quỹ đất theo quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản, phát triển những vùng nuôi tiềm năng mới. Phát triển các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu mang tính chuyên nghiệp và đặc trưng chung của quốc gia, toàn ngành…

Tin bài liên quan