Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tăng mạnh nhất trong gần 7 tháng

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tăng mạnh nhất trong gần 7 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt lên 1.080 điểm; Doanh nghiệp đã mua lại 161.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn; Các nhà đầu tư cần một chiến thuật đầu tư khác cho năm 2023; IMF: Khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 2% "ngày càng tăng"…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay (2/12) tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm 300.000 đồng/lượng hiện niêm yết tại 66,20 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 34,3 USD/ounce lên 1.803 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và gần như đi ngang quanh 1.800 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,62 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.660 đồng/USD, giảm 2 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.960 – 24.240 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về ngay sát 17.000 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 81,23 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,03 USD (+0,03%), lên 86,91 USD/thùng.

VN-Index tăng vọt

Tâm lý thận trọng đè nặng trong suốt cả phiên sáng khiến thị trường biến động lình xình giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, sang đến phiên chiều, lực cầu dần được kích hoạt từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng sang toàn thị trường, kéo hàng loạt mã lớn bé nới rộng đà tăng, và sắc tím đã quay trở lại nở rộng trên bảng điện tử, kéo VN-Index tăng vọt gần 44 điểm lên trên 1.080 điểm khi đóng cửa.

Như vậy, VN-Index đã ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ phiên tăng tăng 56 điểm vào ngày 17/5/2022.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 75,3 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 2.209,73 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/12: VN-Index tăng 43,73 điểm (+4,22%), lên 1.080,01 điểm; HNX-Index tăng 4,95 điểm (+2,35%), lên 215,96 điểm; UpCoM-Index tăng 0,79 điểm (+1,11%), lên 72,21 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Năm (01/12), khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu việc làm sẽ được công bố vào ngày mai có thể xác định tốc độ thắt chặt lãi suất trong tương lai của Fed hay không.

Nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp và mức lương theo giờ để hiểu rõ hơn về thị trường lao động, vốn tương đối mạnh mặc dù có những dự báo về sự suy yếu khi Fed tìm cách hạ nhiệt lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo nền kinh tế Mỹ tạo thêm 200,000 việc làm trong tháng 11/2022, giảm so với mức 261,000 việc làm ghi nhận trong tháng trước.

Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Dow Jones giảm 194,76 điểm (-0,56%), xuống 34.395,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,54 điểm (-0,09%), xuống 4.076,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 14,45 điểm (+0,13%), lên 11.482,45 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, dẫn đầu bởi đà đi xuống của nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi đồng yên mạnh lên cũng đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,59% xuống 27.777,90 điểm và mất 1,59% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 1,64% xuống 1.953,98 điểm và đánh rơi 1,64% trong tuần.

Chiến thắng gây sốc của Nhật Bản trước Tây Ban Nha trong Giải bóng đá thế giới chỉ sau một đêm đã nâng cổ phần của đài truyền hình trực tuyến CyberAgent và chuỗi quán rượu kiểu Anh Hub.

Theo đó, CyberAgent – ​​công ty truyền thông xã hội và quảng cáo trực tuyến đang phát sóng tất cả các trận đấu của Qatar World Cup trên ứng dụng Ameba - tăng 3,95%, trong khi Hub tăng 7,03%.

Ở chiều ngược lại Mitsubishi Motors hoạt động kém nhất, giảm 5,91%. Nissan giảm 2,98% và Toyota mất 1,38% do đồng yên tăng giá so với đồng USD.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lo ngại rằng lĩnh vực bất động sản của nước này đang phải đối mặt với sự suy thoái kéo dài, ngay cả với các biện pháp hỗ trợ gần đây của chính phủ, trong khi việc mở cửa trở lại sau 3 năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống COVID sẽ rất gập ghềnh và không chắc chắn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,29% xuống 3.156,14 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,61% xuống 3.870,95 điểm.

Cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc dẫn đầu đà giảm, mất 2,9%,

“Triển vọng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn còn tiêu cực do nhu cầu chậm lại, và trong khi các chính sách mới của chính phủ có thể nới lỏng các hạn chế về tài trợ, chúng sẽ cần thời gian để phát huy tác động,” cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cho biết hôm thứ Sáu.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ thông báo nới lỏng các quy trình kiểm dịch COVID-19 trong những ngày tới và giảm xét nghiệm hàng loạt, các nguồn tin nói với Reuters.

Tuy nhiên, Nomura cảnh báo “con đường 'sống chung với Covid' có thể vẫn còn chậm, tốn kém và gập ghềnh”.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm do nhóm cổ phiếu bất động sản gây ảnh hưởng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,33% xuống 18.675,35 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,25 xuống 6.368,74 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành bất động sản, với các cổ phiếu Đại lục niêm yết tại Hồng Kông giảm 3,9%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, ghi nhận mức giảm tuần thứ ba liên tiếp, do giới đầu tư thận trọng trước dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 45,51 điểm, tương đương 1,84% xuống 2.434,33 điểm. Chỉ số này giảm 0,15% trong tuần.

Phiên này, hai cổ phiếu lớn là gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 3,51% và 3,31%.

Thông tin đáng chú ý là dữ liệu mới cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng 5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 4 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Kết thúc phiên 2/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 448,18 điểm (-1,59%), xuống 27.777,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,33 điểm (-0,29%), xuống 3.156,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 61,09 điểm (-0,33%), xuống 18.675,35 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 45,51 điểm (-1,84%), xuống 2.434,33 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp đã mua lại 161.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết khi trao đổi về tình hình thị trường trái phiếu và các khó khăn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu..>> Chi tiết

- Các nhà đầu tư cần một chiến thuật đầu tư khác cho năm 2023

Mua cổ phiếu khi giá xuống, hay tìm kênh trú ẩn là trái phiếu chính phủ khi mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế gia tăng là những chiến lược cơ bản, đã phục vụ tốt cho các nhà đầu tư trong nhiều thập kỷ. TUy nhiên, chúng không còn hiệu quả ở thời điểm này..>> Chi tiết

- IMF: Khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 2% "ngày càng tăng"

IMF dự đoán hơn 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay hoặc năm 2023, trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đình trệ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan