Thị trường tài chính 24h: Diễn biến kỹ thuật đã nghiêng về hướng tích cực

Thị trường tài chính 24h: Diễn biến kỹ thuật đã nghiêng về hướng tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Nợ xấu vẫn tăng dù tích cực xử lý; Kỳ vọng nhịp bùng nổ; Vốn FII từ góc nhìn nhà đầu tư ngoại; Hút vốn ngoại, cải thiện khả năng cạnh tranh; Các quỹ đầu tư dựa vào các thuật toán đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 15/5 tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã tăng 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,65 – 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ giảm 4,1 USD xuống 2.010,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục và lên trên 2.020 USD trước khi hạ nhiệt về 2.015 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.652 đồng/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.280 – 23.620 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 26.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích dần và vượt 27.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,22 USD (+0,31%), lên 70,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,17 USD (+0,23%), lên 74,34 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Diễn biến phiên sáng phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư có phần “lung lay” khi trạng thái thị trường đang cho thấy dấu hiệu kéo trụ lên cao và VN-Index dần thu hẹp độ cao sau đó khi một số mã bluechip giật lùi, thậm chí đảo chiều giảm điểm, đã có dấu hiệu lan sang nhiều cổ phiếu khác trên sàn.

Bước sang phiên chiều, VN-Index bật hồi nhẹ, nhưng khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng. Thị trường đã kết thúc phiên đầu tuần trong trạng thái giảm nhẹ với sự cân bằng của số mã tăng và mã giảm, trong đó VIC vẫn giữ phong độ và là “má phanh” chính ngăn chỉ số giảm sâu.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19,94 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 402,51 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/5: VN-Index giảm 1,19 điểm (-0,11%), xuống 1.065,71 điểm; HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,36%), xuống 214,33 điểm; UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,54%), lên 80,48 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm nhẹ trong phiên thứ Sáu (12/5), khi giới đầu tư thận trọng quan sát đàm phán trần nợ công của Mỹ.

Lo ngại gia tăng xung quanh các cuộc đàm phán trần nợ công, khi cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày thứ Sáu đã bị hoãn lại sang tuần sau.

Dữ liệu đáng chú ý khác là chỉ số sơ bộ niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5 do Đại học Michigan thực hiện cho thấy sụt giảm còn 57,7 điểm, mức thấp nhất trong 6 tháng. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo chỉ số đạt 63 điểm.

Trong tuần, Dow Jones giảm 1,11%, S&P 500 giảm 0,29%, còn Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,4%.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Dow Jones giảm 8,89 điểm (-0,02%), xuống 33.300,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,54 điểm (-0,16%), xuống 4.124,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 43,76 điểm (-0,53%), xuống 12.248,74 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư tìm mua cổ phiếu các công ty công bố thu nhập quý vừa qua tích cực, trong khi sự suy yếu của đồng yên cũng thúc đẩy tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,81% lên 29.626,34 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,88% lên 2.114,85 điểm.

"Các nhà đầu tư đã mua các cổ phiếu riêng lẻ với báo cáo thu nhập tích cực, điều này đã thúc đẩy thị trường chung", Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura Securities cho biết.

Các cổ phiếu đáng chú ý như Shiseido Co Ltd tăng 5,2% sau khi công bố lợi nhuận ròng tăng 97% trong quý vừa qua so với cùng kỳ.

Tương tự, cổ phiếu nhà sản xuất bia Asahi Group Holdings Ltd tăng 3,3% sau khi lợi nhuận ròng quý tăng hơn bốn lần.

Cổ phiếu SBI Shinsei Bank Ltd tăng 8,6% sau khi tập đoàn tài chính trực tuyến SBI Holdings Inc của Nhật Bản cho biết họ sẽ tư nhân hóa công ty cho vay hạng trung.

Chứng khoán Trung Quốc tăng sau hành động của ngân hàng trung ương nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,17% lên 3.310,74 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,55% lên 3.998,89 điểm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Hai đã cấp các khoản vay trung hạn với lãi suất không đổi đúng như dự báo, nhưng các thị trường nhận định khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ là khó tránh trong những tháng tới để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.

Dù vậy, sự thận trọng gia tăng, khi trên mặt trận địa chính trị, Washington và EU sẽ cam kết hành động chung để giải quyết những lo ngại tập trung vào Trung Quốc về các hoạt động phi thị trường và phối hợp kiểm soát xuất khẩu đối với chất bán dẫn và các hàng hóa khác tại một cuộc họp trong tháng này, Reuters đưa tin.

Cổ phiếu truyền thông và viễn thông giảm lần lượt 4% và 3,2%. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng mới tăng 2,9% và giúp thị trường nhích lên.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khi nhóm cổ phiếu trọng số lớn là công nghệ nhích lên.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,75% lên 19.971,13 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,75% lên 6.780,08 điểm.

Cổ phiếu công nghệ trọng số lớn Tencent Holdings dẫn đầu với tăng 3,4%. Alibaba Group Holding tăng 0,5% và Baidu tăng 1,1%.

Tencent dự kiến sẽ công bố lợi nhuận ròng 19% trong quý đầu tiên của năm 2023 vào thứ Tư, Các nhà phân tích cũng dự đoán thu nhập mạnh mẽ cho Alibaba khi báo cáo thu nhập hàng quý của họ đến vào thứ Năm.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, mặc dù tâm lý giao dịch thận trọng do sự không chắc chắn về các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 3,93 điểm, tương đương 0,16% lên 2.479,35 điểm.

Sự không chắc chắn liên quan đến việc nâng trần nợ đối với Mỹ đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, nơi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị gặp các nhà lãnh đạo quốc hội để nâng giới hạn nợ quốc gia để tránh vỡ nợ.

Kết thúc phiên 15/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 238,04 điểm (+0,81%), lên 29.626,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,38 điểm (+1,17%), xuống 3.310,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 343,89 điểm (+1,75%), lên 19.971,13 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,93 điểm (+0,16%), xuống 2.479,35 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nợ xấu vẫn tăng dù tích cực xử lý

Có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng có nguy cơ chuyển thành nợ xấu trong tương lai..>> Chi tiết

- Kỳ vọng nhịp bùng nổ

Diễn biến kỹ thuật đã nghiêng về hướng tích cực, trong khi các chính sách hỗ trợ kinh tế tăng trưởng đã và đang được triển khai có thể tạo động lực cho VN-Index đi lên..>> Chi tiết

- Vốn FII từ góc nhìn nhà đầu tư ngoại

Dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam biến động liên tục và thực tế vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng quy mô vốn hóa thị trường. Lãnh đạo một số tổ chức đầu tư nước ngoài đã chia sẻ góc nhìn xung quanh xu hướng này..>> Chi tiết

- Hút vốn ngoại, cải thiện khả năng cạnh tranh

Tuần qua, Quỹ China Trust Vietnam Opportunity bắt đầu huy động vốn tại Đài Loan (Trung Quốc) với hạn mức tương đương gần 4.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam sau 4 lần huy động vốn trước đó, kể từ khi thành lập cách đây 2 năm..>> Chi tiết

- Các quỹ đầu tư dựa vào các thuật toán đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ

Các quỹ phòng hộ định lượng (quantitative hedge funds) đã đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán Mỹ trong những tháng gần đây. Nhờ vậy, Phố Wall vẫn tăng điểm khi các nhà quản lý quỹ đầu tư chủ động đứng ngoài..>> Chi tiết

Tin bài liên quan