Tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng gia tăng trong quý I/2023

Tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng gia tăng trong quý I/2023

Nợ xấu vẫn tăng dù tích cực xử lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng có nguy cơ chuyển thành nợ xấu trong tương lai.

Thử thách lớn của ngành ngân hàng

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó tổng giám đốc ACB chia sẻ, khó khăn đối với ngân hàng là phải điều chỉnh tăng trưởng gắn với kiểm soát nợ xấu.

“Với Thông tư 02/2023/TT-NHNN (về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn), một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng, trong khi bản thân ngân hàng cũng hoạt động như một doanh nghiệp trong một hoạt động kinh doanh đặc biệt”, ông Hân nói.

Quan ngại của ông Hân không phải là không có cơ sở khi báo cáo tài chính quý I/2023 của ACB cho thấy, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) tăng 31,5%, lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% cuối tháng 3/2023.

Nợ xấu tại nhiều ngân hàng khác cũng tăng. Chẳng hạn, nợ xấu trong quý I/2023 của TPBank tăng 84%, từ 1.357 tỷ đồng lên gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 385 tỷ đồng lên gần 1.200 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 64%; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 6%. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của TPBank ở mức 1,45%, trong khi cuối năm 2022 là 0,84%.

Tương tự, số dư nợ xấu cuối quý I/2023 của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2022, trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,09% lên gần 1,76%.

OCB ghi nhận nợ xấu trong quý I/2023 tăng 51%, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 tăng 54%, nợ nhóm 4 tăng 55%, nợ nhóm 5 tăng 49%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,2% lên 3,3%.

Tại khối ngân hàng có vốn nhà nước, BIDV ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng hơn 40% trong quý đầu năm 2023, lên 24.730 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 127%, nợ nhóm 4 tăng 59%, nợ nhóm 5 tăng 13%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Nợ xấu tại Vietcombank tính đến 31/3/2023 tăng hơn 27% so với cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,68% lên 0,85%.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn đối với ngành ngân hàng.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng, cả nguồn cung lẫn lượng giao dịch thành công đều giảm từ 35 - 50% so với cùng kỳ cũng như so với quý IV/2022. Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng, tính đến 25/4/2023 đạt 2,67 triệu tỷ đồng (tăng 3,51% so với cuối năm 2022).

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố nhận định, rủi ro lây lan của hệ thống tài chính do khủng hoảng thanh khoản tại một số ngân hàng trên thế giới như Silicon Valley Bank, Signature Bank, Credit Suisse không trầm trọng thêm trong tháng 4/2023. Lạm phát của các nước phương Tây tiếp tục giảm, phù hợp với kỳ vọng của giới đầu tư. Mặc dù vậy, rủi ro suy thoái kinh tế lại nổi lên như một mối quan ngại mới sau nguy cơ khủng hoảng của hệ thống ngân hàng và chu kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong nước, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ nút thắt trên thị trường bất động sản và thị trường tài chính để khơi thông dòng vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Các luật và chính sách khác đã được ban hành, trong đó có Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

“Tuy nhiên, tác động của các chính sách này sẽ cần thêm thời gian”, các chuyên gia phân tích của VDSC nhận xét.

Tổng nợ xấu nội bảng ước chiếm 5% tổng dư nợ

Khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn đối với ngành ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này luôn xác định việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động triển khai các biện pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Trong tháng 2/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được 21.300 tỷ đồng nợ xấu; chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416.000 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) đạt 211.900 tỷ đồng, chiếm 50,9%; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122.100 tỷ đồng, chiếm 29,3%; xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.100 tỷ đồng, chiếm 19,7%.

Ngoài ra, tính đến cuối tháng 1/2023, các tổ chức tín dụng đã sử dụng khoảng 223.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt đạt 40.500 tỷ đồng

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91%, cao hơn so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,49% cuối năm 2021 và mức 2% cuối năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng qua rà soát, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành có nguy cơ chuyển nợ xấu trong thời gian tới (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.

“Trên nguyên tắc đó, Ngân hàng Nhà nước xác định, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ”, bà Hồng nói.

Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức này từng bước phục hồi.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán..., nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp.

Tin bài liên quan