Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đầu cơ tiếp tục lướt nhanh

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền đầu cơ tiếp tục lướt nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lùi về 1.040 điểm; Tín dụng kinh doanh bất động sản và đầu tư chứng khoán bất ngờ tăng mạnh; Dòng tiền “xoay tua”; Margin rón rén, nguồn vốn dư thừa; Thị trường chứng khoán: Chờ thẩm thấu chính sách; “Fed tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực ngân hàng"…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 4/5 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã giảm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 23 USD lên 2.039,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và dao động quanh nhẹ quanh ngưỡng 2.040 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,31 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.635 đồng/USD, giảm 4 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.280 – 23.620 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 28.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên và vượt 29.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,37 USD (+0,54%), lên 68,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,62 USD (+0,86%), lên 72,94 USD/thùng.

VN-Index giảm về 1.040 điểm

Ngưỡng 1.040 điểm đang tỏ ra là ngưỡng hỗ trợ tâm lý đáng kể trong thời gian gần đây và phiên hôm nay cũng không ngoại lệ, khi VN-Index có những thời điểm chớm thủng mốc điểm này đã bật trở lại.

Tuy nhiên, sức bật cũng không quá mạnh, trong khi lực bán trực chờ ở nhóm bluechip khiến chỉ số chỉ giao dịch phần lớn ở ngay trên ngưỡng điểm trên cho đến khi đóng cửa, thanh khoản tiếp tục chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10,18 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 312,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/5: VN-Index giảm 8,51 điểm (-0,81%), xuống 1.040,61 điểm; HNX-Index tăng 0,68 điểm (+0,33%), lên 208,15 điểm; UpCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,64%), xuống 77,27 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đảo chiều giảm điểm vào thứ Tư (3/5), sau bình luận của Chủ tịch Fed - Jerome Powell khiến các nhà đầu tư tự hỏi động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ là gì với việc tăng lãi suất.

Các chỉ số chính ban đầu giao dịch khá vững chắc trên tham chiếu sau tuyên bố tăng lãi suất chỉ 0,25% như dự báo của Fed.

Nhưng các cổ phiếu bắt đầu chao đảo sau cuộc họp báo của ông Powell, khi cho biết Fed vẫn coi lạm phát hiện tại là quá cao và cho biết còn quá sớm để nói rằng chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc.

Kết thúc phiên 3/5, chỉ số Dow Jones giảm 270,29 điểm (-0,80%), xuống 33.414,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 28,83 điểm (-0,70%), xuống 4.090,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 55,18 điểm (-0,46%), xuống 12.025,33 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch Tuần lễ Vàng (Ngày Hiến Pháp, Ngày Xanh, Ngày Thiếu nhi).

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi mức tăng của các doanh nghiệp tài chính và nhà nước sau kỳ nghỉ lễ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,82% lên 3.350,46 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,03% lên 4.030,25 điểm.

Cổ phiếu tài chính cùng với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tăng mạnh trong phiên, với Bank of China Ltd, Bank of Communications Co Ltd và China Pacific Insurance Group Co Ltd lần lượt tăng 7,4%, 6,3% và 9,2%.

Bất chấp tin tức về việc du lịch Trung Quốc phục hồi về mức trước COVID trong kỳ nghỉ lễ, với số lượng chuyến đi nội địa tăng hơn 2/3 với một năm trước đó, cổ phiếu ngành du lịch đã giảm 4,5%.

Trong khi đó, hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 4, một cuộc khảo sát độc lập cho thấy, do nhu cầu trong nước yếu đi và cho thấy lĩnh vực sản xuất đang mất đà trong bối cảnh phục hồi gập ghềnh sau đại dịch.

"Chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất đã giảm xuống 49,5 điểm trong tháng 4 từ mức 50 điểm trong tháng 3, cho thấy sự sụt giảm nhẹ trong hoạt động trong lĩnh vực sản xuất do nhu cầu giảm”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, cũng nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm sau khi Fed tăng lãi suất.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,27% lên 19.948,73 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises 1,96% lên 6.718,80 điểm.

Sau Fed, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã tăng lãi suất cơ bản tính qua cửa sổ chiết khấu qua đêm thêm 25 điểm cơ bản lên 5,5%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Chỉ số ngân hàng đại lục niêm yết tại Hồng Kông tăng 4,8%, với Ping An Insurance Group Co of China Ltd tăng 7,7%.

Chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi, khi các nhà đầu tư không quá bất ngờ sau cuộc họp chính sách mới nhất của Fed.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm nhẹ 0,01% xuống 2.500,94 điểm.

Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,46% và SK Hynix mất 1,22%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 0,53%.

Đồng won đã tăng tới 1,33% so với đồng USD, trước khi kết thúc giao dịch tăng 1,16%, khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc cho biết họ coi quyết định nâng lãi suất của Fed là tích cực đối với thị trường trong nước.

Kết thúc phiên 4/5: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,18 điểm (+0,82%), lên 3.350,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 249,57 điểm (+1,27%), lên 19.948,73 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,46 điểm (-0,01%), xuống 2.500,94 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng kinh doanh bất động sản và đầu tư chứng khoán bất ngờ tăng mạnh

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến 31/3/2023, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 2,6%. Tính tới cuối tháng 2/2023, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, cho vay đầu tư chứng khoán tăng gần 13,4%..>> Chi tiết

- Dòng tiền “xoay tua”

Trong khi dòng tiền lớn chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn để nhập cuộc thì dòng tiền đầu cơ tiếp tục lướt nhanh trên thị trường, với tâm lý thận trọng..>> Chi tiết

- Margin rón rén, nguồn vốn dư thừa

Trái ngược với giai đoạn thị trường sôi động trước đây, nhiều nhà đầu tư “tha thiết” vay giao dịch ký quỹ (margin) mà không được đáp ứng vì công ty chứng khoán thiếu nguồn, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư hiện nay khiến khối công ty này dư thừa nguồn vốn nên tìm cách mới để đồng tiền sinh lời..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Chờ thẩm thấu chính sách

Hai thông tư 02 và 03 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành trong tuần qua được xem là công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng như các khoản nợ của doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, nhằm thúc đẩy lưu thông vốn trong nền kinh tế..>> Chi tiết

- "Fed tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực ngân hàng"

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhận định Fed đang tăng lãi suất với hy vọng giảm lạm phát và điều đó đang có tác động tiêu cực đến lĩnh vực ngân hàng, và không nên “đổ dầu vào lửa” bằng vấn đề trần nợ công..>> Chi tiết

Tin bài liên quan