Thị trường tài chính 24h: Giá vàng, Bitcoin lại bốc đầu tăng

Thị trường tài chính 24h: Giá vàng, Bitcoin lại bốc đầu tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index về gần 1.250 điểm; Kế hoạch M&A ngân hàng: Nơi 'bay màu', chỗ lặng lẽ triển khai; Dòng tiền cá nhân “cân” thị trường; Chọn ngành sáng cửa; Khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn; Khả năng giá dầu 100 USD/thùng đang tăng lên…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/4 tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng tới 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 80,40 – 82,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 39 USD lên 2.330,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên quanh 2.235 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,37 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.038 đồng/USD, đi ngang so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.790 – 25.130 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm hồi phục mạnh lên 70.200 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng mạnh và lên trên 72.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,74 USD (-0,85%), xuống 86,17 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,74 USD (-0,81%), xuống 90,43 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục lùi bước

Sau ít phút đầu mở cửa le lói sắc xanh, áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường gặp khó và có thời điểm thủng mốc 1.250 điểm trước khi bật hồi trở lại vùng gần tham chiếu.

Tuy nhiên, lực cầu tham gia khá yếu và VN-Index nỗ lực “cầm cự” sắc xanh nhạt trong gần một giờ giao dịch rồi quay đầu rung lắc và điều chỉnh giảm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh về mức 20.000 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong khoảng 1,5 tháng qua, kể từ phiên 22/2 đạt gần 18.000 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,02 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 80,8 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/4: VN-Index giảm 4,76 điểm (-0,38%), xuống 1.250,35 điểm; HNX-Index giảm 1,6 điểm (-0,67%), xuống 238,08 điểm; UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,3%), xuống 90,53 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên thứ Sáu (5/4), sau phiên giảm mạnh trước đó.

Thị trường tăng ngay cả khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nước này tạo ra thêm 303.000 việc làm trong tháng 3, cao hơn so với dự báo tăng 200.000

Trong tuần, Dow Jones giảm 2,27%, S&P 500 mất 0,95%, còn Nasdaq Composite giảm 0,8%.

Kết thúc phiên 5/4: Chỉ số Dow Jones tăng 307,06 điểm (+0,80%), lên 38.904,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 57,13 điểm (+1,11%), lên 5.204,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 199,44 điểm (+1,24%), lên 16.248,52 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng nhờ lực mua bắt đáy, sau khi giảm khá mạnh trong tuần trước đó.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,91% lên 39.347,04 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,95% lên 2.728,32 điểm.

Tuần trước, chỉ số Nikkei 225 đã giảm sâu và có tuần tồi tệ nhất nhất kể từ tháng 12/2022 khi chịu ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ trượt dốc và hoạt động chốt lời gia tăng, cũng như nguy cơ can thiệp tiền tệ của chính quyền Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nikkei 225 vẫn ghi nhận mức tăng 16,5% từ đầu năm đến nay và các nhà phân tích dường như bác bỏ sự sụt giảm gần đây là dấu hiệu của một sự đảo chiều xu hướng.

Nhiều cổ phiếu lớn phiên này tăng điểm, với với gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,1% và SoftBank Group tăng 0,7%.

Các cổ phiếu ô tô cũng nhích lên với Toyota Motor tăng 2,2%, cùng Suzuki Motor và Honda Motor, tăng 3,5% và 1,5%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà đầu tư cũng thận trọng chờ đợi thêm các dữ liệu kinh tế mới.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,72% xuống 3.047,05 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,88% xuống 3.536,41 điểm.

Trọng tâm của các nhà đầu tư trong tuần này sẽ là dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI). Trong khi ở Trung Quốc, dữ liệu tín dụng, lạm phát và các số liệu thương mại cũng sẽ được công bố trong tuần này.

Chứng khoán Hồng Kông tăng sau khi các nhà chức trách đang xem xét các biện pháp mới để thúc đẩy thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,05% lên 16.732,85 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,09% lên 5.868,97 điểm.

Nhà lãnh đạo Hồng Kông John Lee trong Hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu HSBC rằng, một loạt các biện pháp mới đang được bổ sung, bao gồm cải thiện điều kiện niêm yết cho các công ty công nghệ.

"Chúng tôi rất vui vì chúng tôi đang xem xét các biện pháp bổ sung cải thiện cơ chế giao dịch, đến thúc đẩy dịch vụ đầu tư và đẩy mạnh xúc tiến thị trường", ông nói, nhưng không đưa ra bất kỳ chi tiết nào.

Hồng Kông, một trung tâm huy động vốn toàn cầu, đã chứng kiến giá trị của các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giảm 28,5% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 507 triệu USD, theo dữ liệu của LSEG.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 3,44 điểm, tương đương 0,13% lên 2.717,65 điểm.

Cổ phiếu Hyundai Motor tăng 3,1% và Kia Corp tăng 3,33% và thuộc nhóm những mã lớn tăng tốt nhất phiên hôm nay.

Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 354,96 điểm (+0,91%), lên 39.347,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,24 điểm (-0,72%), xuống 3.047,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 8,93 điểm (+0,05%), lên 16.732,85 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,44 điểm (+0,13%), lên 2.717,65 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Kế hoạch M&A ngân hàng: Nơi 'bay màu', chỗ lặng lẽ triển khai

Khác với các năm trước, trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A), chào bán cho nước ngoài vắng bóng hơn trong tờ trình của các ngân hàng..>> Chi tiết

- Dòng tiền cá nhân “cân” thị trường

Trái ngược với diễn biến bán ròng của khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn tích cực mua ròng. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, đây là tín hiệu tốt đối với thị trường chứng khoán nói riêng, nền kinh tế nói chung..>> Chi tiết

- Chọn ngành sáng cửa

Nhận định của nhiều tổ chức cũng như nhà đầu tư có kinh nghiệm đều cho rằng tháng 4 này hoạt động giao dịch sẽ khó khăn hơn bởi nhiều lý do..>> Chi tiết

- Khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn

Thị trường trong tuần qua chứng kiến tâm lý có phần nặng nề của các nhà đầu tư khi tiếp nhận một số thông tin vĩ mô kém tích cực như tỷ giá tăng, tín dụng tăng trưởng thấp, bối cảnh liên thị trường không còn hỗ trợ..>> Chi tiết

- Khả năng giá dầu 100 USD/thùng đang tăng lên khi cú sốc nguồn cung làm rung chuyển thị trường

Căng thẳng quân sự giữa Israel và Iran được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên trên 90 USD/thùng trong tuần qua. Tuy nhiên, nền tảng của đợt phục hồi này còn sâu xa hơn..>> Chi tiết

Tin bài liên quan