LPBank đang lên kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

LPBank đang lên kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

Kế hoạch M&A ngân hàng: Nơi 'bay màu', chỗ lặng lẽ triển khai

0:00 / 0:00
0:00
Khác với các năm trước, trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A), chào bán cho nước ngoài vắng bóng hơn trong tờ trình của các ngân hàng.

Vắng bóng kế hoạch M&A

Trong tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố, năm nay, LPBank dừng kế hoạch tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 31%) qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trước đó, năm 2023, ĐHĐCĐ LPBank đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 3.000 tỷ đồng, song kế hoạch này không thể triển khai do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Tương tự, năm 2024, tài liệu ĐHĐCĐ của MSB cũng không ghi nhận tờ trình hay thông tin nào về kế hoạch M&A một ngân hàng khác. Tại ĐHĐCĐ năm 2023, Hội đồng Quản trị ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, tờ trình này sau đó không được cổ đông thông qua.

Trong các ngân hàng thương mại cổ phần đã tổ chức ĐHĐCĐ từ cuối tháng 3/2024 đến nay, cũng chưa có ngân hàng nào công bố kế hoạch M&A hoặc chào bán riêng lẻ cho đối tác nước ngoài.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB chia sẻ, ngân hàng có quan sát một vài đơn vị có thể có khả năng M&A. Tuy nhiên, quan sát xong thì thấy vẫn cần duy trì phát triển nội tại để không bị chệch hướng so với mong muốn của cổ đông. Do đó, ACB không có kế hoạch M&A trong năm nay. Ngay cả công ty con là ACBS, dù có nhiều đối tác tìm tới, song do không nhìn thấy cơ hội hợp tác, nên ACB cũng quyết định tự tăng vốn để phát triển.

“ACB sẽ cởi mở để tạo cơ hội tăng vốn nếu có cơ hội hợp tác tốt trong thời gian tới”, ông Hùng Huy cho biết.

Tại ĐHĐCĐ năm nay, ABBank cũng không đề cập kế hoạch M&A hay chào bán riêng lẻ cho nước ngoài. Tuy vậy, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank cũng thừa nhận, để đạt mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD trong tương lai, ABBank sẽ cần cú hích như M&A, có cổ đông mới, hoặc niêm yết.

Nhiều thương vụ lớn đang lặng lẽ đàm phán

Hiện nhiều ngân hàng chưa công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2024, đặc biệt là các ngân hàng đã lên kế hoạch M&A từ mùa ĐHĐCĐ năm ngoái. Do đó, chưa rõ lộ trình M&A đang tiến hành đến đâu.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ các năm 2022 và 2023, SHB đều trình cổ đông phương án tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, song đến nay, kế hoạch vẫn chưa thành công. Tại ĐHĐCĐ năm 2023, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB cho biết, đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư trên thế giới và kỳ vọng chậm nhất cuối năm 2024 sẽ có những “chàng rể” trung hạn.

Trong khi đó, kế hoạch bán vốn tỷ USD của BIDV và Vietcombank cũng được cho là đang trong quá trình đàm phán. Cả hai ngân hàng này đều chưa công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Vietcombank đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến hoàn tất thương vụ trong năm 2023 - 2024. Theo nguồn tin của Bloomberg, tới đầu năm nay, Vietcombank lựa chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ. Đợt chào bán vốn có thể diễn ra trong nửa cuối năm 2024, dự kiến thu về khoảng 1 tỷ USD (tương đương 25.000 tỷ đồng).

Trong báo cáo phân tích về BIDV mới đây, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong thời gian qua, BIDV đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022.

BVSC nhận xét, việc hoàn tất thương vụ có thể kéo dài đến năm 2025, trước bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro và chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Nếu phát hành thành công, BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng.

Còn tại HDBank, dù không đưa ra kế hoạch bán vốn cụ thể tại ĐHĐCĐ năm nay, song trao đổi với nhà đầu tư, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của HDBank. Ngân hàng dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn và đã sẵn sàng cho việc đón đối tác chiến lược.

Ông Tùng thông tin, thời gian qua, HDBank nhận được sự quan tâm của một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược sẽ triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và tìm được đối tác phù hợp.

Tin bài liên quan