Thị trường tài chính 24h: Hiện tượng thanh lọc dòng tiền đầu cơ dự báo sẽ tiếp diễn

Thị trường tài chính 24h: Hiện tượng thanh lọc dòng tiền đầu cơ dự báo sẽ tiếp diễn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Nợ xấu lộ dần; Dòng tiền đầu cơ “vội đến, vội đi”; Chờ dòng tiền cá nhân quay lại; Morgan Stanley: Tăng trưởng của châu Á sẽ vượt Mỹ và châu Âu trong năm nay…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 17/4 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và đứng yên ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ giảm 36,1 USD xuống 2.004 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục nhẹ và lên gần 2.010 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,66 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.577 đồng/USD, giảm 11 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.320 – 23.660 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở 30.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm khá mạnh và để tuột mốc 30.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,43 USD (-0,52%), xuống 82,09 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,41 USD (-0,48%), xuống 85,90 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Sự lưỡng lự của bên mua và bên bán khiến các cổ phiếu chỉ biến động trong biên độ hẹp và VN-Index giữ được mốc 1.050 điểm dù có chút “đe dọa” bị chọc thủng vào giữa phiên.

Bước sang phiên chiều, VN-Index vẫn tiếp diễn trạng thái giằng co, lên xuống quanh mốc tham chiếu với biên độ hẹp và đóng cửa trong được sắc xanh nhạt nhờ sự hồi phục của một số bluechip.

Điểm đáng chú ý hơn chính là thanh khoản xác lập mức thấp nhất trong gần 1 tháng, đồng thời thuộc top 10 phiên giao dịch kém sôi động nhất kể từ đầu năm 2023.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 11,05 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 220,88 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/4: VN-Index tăng nhẹ 0,92 điểm (+0,09%) lên 1.053,81 điểm; HNX-Index giảm 0,62 điểm (-0,3%), xuống 206,63 điểm; UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,39%) xuống 78,38 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục giảm trong phiên thứ Sáu (14/4), khi nhà đầu tư đánh giá báo cáo doanh số bán lẻ yếu kém đã làm giảm sự nhiệt tình xung quanh mùa báo cáo lợi nhuận.

Doanh số bán lẻ tháng 3 tại Mỹ giảm 1% trong tháng trước, nhiều hơn so với dự báo giảm 0,5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones, một phần vì người tiêu dùng trả ít tiền hơn cho nhiên liệu.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1,2%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,79% và 0,29%.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Dow Jones giảm 143,22 điểm (-0,42%), xuống 33.886,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,58 điểm (-0,21%), xuống 4.137,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 42,81 điểm (-0,35%), xuống 12.123,47 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ bảy liên tiếp, khi đồng yên yếu hơn nâng đỡ các nhà xuất khẩu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,07% lên 28.514,78 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,41% lên 2.026,97 điểm.

"Nhìn chung, thị trường đang mạnh, được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng yên và đã nâng đỡ các nhà sản xuất ô tô. Thêm vào đó, các ngân hàng đã theo dõi đà tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng Mỹ vào thứ Sáu tuần trước", Jun Morita, Tổng giám đốc nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết.

Đồng USD đạt mức cao nhất trong một tháng so với đồng yên, do khả năng phục hồi trong doanh số bán lẻ của Mỹ và báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng của các ngân hàng trên Phố Wall đã làm tăng kỳ vọng của thị trường về việc Fed tăng lãi suất vào tháng Năm.

Tại Nhật Bản, cổ phiếu vận tải biển tăng 2,52% để trở thành chỉ số hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, với Kawasaki Kisen tăng 3,53%.

Cổ phiếu Fast Retailing của Uniqlo mất 2,71%, sau khi tăng 8,5% trong phiên trước đó, trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi dữ liệu giá nhà tháng 3 của Trung Quốc và các dấu hiệu phục hồi thu nhập doanh nghiệp đã thúc đẩy sự lạc quan trước khi công bố dữ liệu kinh tế quý đầu tiên.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,42% lên 3.385,61 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,40% lên 4.149,38 điểm.

Hơn 300 công ty niêm yết của Trung Quốc đã công bố, hoặc dự báo kết quả quý đầu tiên, với 70% trong số đó đã báo cáo lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, Securities News đưa tin.

Nhấn mạnh sự phục hồi tiêu dùng, cổ phiếu nhà điều hành nhà hàng China Quanjude Group đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 49% trong quý I này và có lợi nhuận dương.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, dữ liệu sẽ được công bố vào thứ Ba, có khả năng tăng 4% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó.

Các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào các công ty nhà nước của Trung Quốc với hy vọng có thêm nhiều cải cách, với China Mobile đã tăng 4,6%, mức cao nhất kể từ khi ra mắt vào tháng Giêng năm ngoái.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng tích cực nhờ dự báo GDP của Trung Quốc tăng 4% trong quý I, cũng như nhóm cổ phiếu công nghệ tăng tốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,68% lên 20.782,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,05% lên 7.056,16 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ và kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ bảy, với sự tập trung của nhà đầu tư vào thu nhập doanh nghiệp lớn, cũng như dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 4,42 điểm, tương đương 0,17%, lên 2.575,91 điểm điểm.

Chỉ số KOSPI tăng phiên thứ bảy liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa tháng 10 và chạm mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 10/6/2022.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết trong một báo cáo rằng, xuất khẩu sang Trung Quốc của Hàn Quốc dự kiến sẽ cải thiện dần dần trong nửa cuối năm nay.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc có thể tăng trong quý đầu tiên, nhờ dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt, theo một cuộc thăm dò của Reuters.

Kết thúc phiên 17/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 21,31 điểm (+0,07%), lên 28.514,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 47,46 điểm (+1,42%), lên 3.385,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 343,64 điểm (+1,68%), lên 20.782,45 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,42 điểm (+0,17%), lên 2.575,91 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nợ xấu lộ dần

Rủi ro nợ xấu gia tăng có thể đến từ lĩnh vực bất động sản, xây dựng và tỷ lệ cao bất động sản là tài sản thế chấp tại ngân hàng..>> Chi tiết

- Dòng tiền đầu cơ “vội đến, vội đi”

Dòng tiền đầu cơ “vội đến, vội đi” tại nhóm bất động sản vốn hóa nhỏ đã ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch trên thị trường. Hiện tượng thanh lọc dòng tiền đầu cơ dự báo sẽ tiếp diễn..>> Chi tiết

- Chờ dòng tiền cá nhân quay lại

Trạng thái thị trường đi ngang cùng thanh khoản thấp khiến việc giao dịch ngắn hạn khá rủi ro, nhưng kỳ vọng dòng tiền chủ đạo từ nhóm nhà đầu tư cá nhân sẽ sớm quay trở lại mua ròng..>> Chi tiết

- Morgan Stanley: Tăng trưởng của châu Á sẽ vượt Mỹ và châu Âu trong năm nay

Theo Morgan Stanley, tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ vượt qua cả Mỹ và châu Âu trong năm nay, dẫn đầu là nhu cầu nội địa mạnh mẽ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan