Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/4: Giá dầu tiếp tục đi lên; kim loại, nông sản, nguyên liệu công nghiệp diễn biến giằng co

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 9-16/4, giá dầu thô tiếp tục đi lên với tuần tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi giá các nhóm hàng hóa khác như kim loại, nông sản, nguyên liệu công nghiệp… ghi nhận sự giằng co.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 9-16/4: Giá dầu tiếp tục đi lên; kim loại, nông sản, nguyên liệu công nghiệp diễn biến giằng co

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp

Giá dầu thế giới tăng vào đầu phiên thứ Sáu (14/4), sau khi giảm 1% trong phiên trước đó. Triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn do sản lượng dự kiến thấp hơn ở Nga đã hỗ trợ giá dầu.

Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 17 US cent (+0,2%) lên 86,26 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) tăng 20 US cent (+0,2%) lên 82,36 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả loại dầu tăng lần lượt 1,3% và 2% - cũng là tuần tăng thứ tư liên tiếp.

Sự chú ý của nhà đầu tư tập trung vào báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) chuẩn bị được công bố, với khả năng cơ quan này có thể hạ triển vọng nhu cầu toàn cầu do tăng trưởng kinh tế vĩ mô chững lại.

Báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố hôm thứ Năm (13/4) đã chỉ ra những rủi ro suy giảm trong triển vọng nhu cầu trong mùa hè, do tăng trưởng yếu hơn, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, dữ liệu thương mại của Trung Quốc được công bố cùng ngày cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 3/2023 tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo tâm lý lạc quan về sự phục hồi kinh tế của nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này.

Giá dầu thế giới tuy tăng nhẹ, nhưng giá đạt mức cao nhất trong hơn 2 tháng do dữ liệu lạm phát của Mỹ giảm và USD yếu hơn.

Chỉ số USD đóng cửa ngày 13/4 ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2023, sau khi dữ liệu giá sản xuất và tiêu dùng của Mỹ công bố trong tuần qua, làm tăng lên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. “Đồng bạc xanh” suy yếu khiến dầu được định giá bằng USD rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy nhu cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, mức giá hiện tại có thể là mức trần kỹ thuật. Nhà phân tích Edward Moya của OANDA cho biết: “Có vẻ như đà tăng của giá dầu thô đã chạm ngưỡng giới hạn”.

Kim loại: Giá vàng, quặng sắt cùng giảm, đi ngược kim loại cơ bản và thép

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm trở lại trong phiên 14/4 sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm vào phiên trước đó do USD phục hồi và một quan chức Fed thông báo sự cần thiết phải tăng tiếp lãi suất.

Cụ thể, vàng giao ngay giảm 1,8% xuống 2.003,6 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6/2023 giảm 1,9% xuống 2.015,8 USD/ounce.

Chỉ số USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng sau khi một quan chức Fed cảnh báo ngân hàng cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Vàng cạnh tranh với USD là một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị, trong khi USD tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng với những người mua bằng ngoại tệ khác.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản được hỗ trợ do hy vọng nhu cầu tốt hơn từ quốc gia tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc, trong khi USD lung lay khiến hàng hóa này rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Cụ thể, giá đồng giao 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,7% lên 8.978,50 USD/tấn.

Các nhà phân tích kỳ vọng trong năm nay, kim loại công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, với nghiên cứu của Ngân hàng ANZ lưu ý rằng, nhập khẩu hàng hóa tổng thể của quốc gia này mạnh một cách đáng ngạc nhiên vào tháng 3/2023 khi việc bổ sung hàng hóa ở hạ nguồn tiếp tục diễn ra trước mùa xây dựng.

Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, hợp đồng đồng giao tháng 5/2023 được giao dịch nhiều nhất tăng 0,3% lên 69.170 CNY (tương đương 10.063,43 USD)/tấn.

Dữ liệu hải quan cho thấy, nhập khẩu đồng giao tháng 3 của Trung Quốc đã giảm 19% so với một năm trước đó do sản xuất trong nước tăng và giá toàn cầu cao hơn đã hạn chế lãi suất.

Ngoài ra, USD suy yếu do dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến đã làm tăng tâm lý rủi ro và đặt ra kỳ vọng rằng Fed sẽ tạm dừng việc thắt chặt tiền tệ sau khi tăng lãi suất lần cuối vào tháng tới.

Về các kim loại cơ bản khác, trên sàn London, giá nhôm tăng 0,5% lên 2.337,50 USD/tấn; chì tăng 0,7% lên 2.144 USD/tấn; kẽm tăng 0,7% lên 2.803,50 USD/tấn; thiếc tăng 1,2% lên 24.300 USD/tấn; ngược lại, nikel giảm 0,5% xuống 23.465 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải, giá nhôm tăng 0,3% lên 18.490 CNY/tấn; kẽm tăng 0,1% lên 21.995 CNY/tấn; chì tăng 0,3% lên 15.320 CNY; thiếc tăng 0,8% lên 192.260 CNY/tấn; ngược lại, nikel giảm 0,4% xuống 181.290 CNY/tấn.

Quặng sắt giảm trong phiên cuối tuần qua (14/4), ghi nhận tuần thứ hai giảm giá liên tiếp trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nhu cầu thành phần sản xuất thép tại Trung Quốc.

Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 0,8% xuống 768,5 CNY (112,3 USD)/tấn và có tuần giảm giá gần 3%.

Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 5/2023 giảm 0,4% xuống 115,9 USD/tấn và giảm hơn 1% trong tuần.

Các nhà chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng ANZ cho biết, quặng sắt tiếp tục giảm do Trung Quốc có kế hoạch hạn chế sản lượng thép năm 2023 nhằm đáp ứng sự phục hồi nhu cầu chậm hơn và hạn chế khí thải.

Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu yếu, công suất sử dụng lò cao của 247 nhà máy thép Trung Quốc tăng 91,8% trong tuần qua - mức cao nhất trong 22 tháng qua, theo khảo sát hàng tuần của Mysteel. Trong khi đó, nguồn cung có thể bị gián đoạn từ cảng xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.

Tại Thượng Hải, thép thanh tăng 0,4%; thép cuộn cán nóng tăng 0,5% và thép không gỉ tăng 0,8%.

Nông sản: Ngô và lúa mì cùng tăng giá, đậu tương đi lùi

Giá ngô Chicago và lúa mì đóng cửa phiên 14/4 cùng tăng, trong đó ngô ghi nhận tăng tuần thứ 4 liên tiếp, sau một tuần bán hàng gấp rút sang Trung Quốc và nhu cầu chế biến ethanol tăng. Ngược lại, đậu tương giảm giá, kết thúc chuỗi tăng từ cuối tháng 3/2023, do vụ thu hoạch kỷ lục của Brazil làm giảm lo ngại về thiệt hại bởi hạn hán ở một thị trường lớn khác cùng khu vực Nam Mỹ là Argentina.

Cụ thể, giá ngô CBOT tăng 14 US cent lên 6,66-1/4 USD/bushel; lúa mì tăng 15-1/2 US cent lên 6,82-1/2 USD/bushel; đậu tương giảm 1/2 US cent xuống 15,00-1/2 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường tiếp tục đi lên; cà phê, bông và dầu cọ giảm; cao su biến động trái chiều

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 đóng cửa phiên 14/4 tăng 0,06 US cent (+0,2%) lên 24,1 US cent/lb, củng cố ngay dưới mức cao nhất 11 năm tại 24,85 US cent/lb thiết lập trong tuần. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 tăng 2 USD (+0,3%) lên 668,2 USD/tấn.

Giá đường tăng thời gian gần đây bởi dự đoán sản lượng niên vụ 2022-2023 tại Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan thấp hơn dự kiến, cũng như lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino có thể làm giảm sản lượng niên vụ 2023-2024 tại châu Á, nơi thời tiết có thể khô hơn bình thường.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2023 đóng cửa phiên 14/4 giảm 38 USD (-1,6%) về 2.344 USD/tấn, giảm trở lại từ mức cao nhất 11,5 năm tại 2.401 USD/tấn của phiên trước đó. Cà phê arabica cùng kỳ hạn giảm 2,9 US cent (-1,5%) về 1,915 USD/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 6 tháng tại 1,981 USD/lb trong phiên 13/4.

Các đại lý cho biết, nhu cầu cà phê robusta mạnh và nguồn cung cấp tại Việt Nam khan hiếm đã tác động lên giá.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Osaka đóng cửa phiên 14/4 tăng 3,3 JPY (+1,6%) lên 209,8 JPY (1,58 USD)/kg. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng 2,5%. Tuy nhiên, tại Thượng Hải, giá cao su cùng kỳ hạn lại giảm 60 CNY xuống 11.640 CNY (1.701,06 USD)/tấn.

Giá cao su Nhật Bản đạt mức cao nhất trong hơn một tuần do nguồn cung giảm trong đợt nghỉ Tết của Thái Lan, nhưng nhu cầu của Trung Quốc yếu đã hạn chế đà tăng. Các nhà sản xuất cao su Thái Lan đang trong kỳ nghỉ lễ Songkran, nhưng các nhà sản xuất lốp vẫn hoạt động tích cực trên thị trường để lấy hàng từ Indonesia.

Giá bông diễn biến khá giằng co trong tuần qua với mức giảm nhẹ 0,32% về 82,86 cents/pound so với giá tham chiếu.

Thị trường không đón nhận thông tin cơ bản mới, giá bông chủ yếu diễn biến theo Dollar Index và giá dầu. Dollar Index tiếp tục giảm tuần thứ 5 liên tiếp, giúp giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn phần nào, từ đó thúc đẩy lực mua và hỗ trợ giá. Trong khi giá dầu thô lại khởi sắc, khiến polyester, chất thay thế chính của bông trở nên đắt hơn, kéo theo giá bông và tạo ra thế trận giằng co về giá.

Giá dầu cọ thô tại Malaysia quay đầu giảm 2,42% về 3.702 ringgit (MYR)/tấn sau 2 tuần khởi sắc trước đó.

Theo các chuyên gia, mặt hàng này đang chịu sức ép từ sự suy yếu của các loại dầu thực vật khác. Bên cạnh đó, theo hãng khảo sát Societe Generale de Surveillance, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ từ ngày 1-10/4/2023 của Malaysia đã giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần vào sự suy yếu của giá.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan