Thị trường tài chính 24h: Lựa chọn kênh đầu tư vẫn hết sức khó khăn ở thời điểm này

Thị trường tài chính 24h: Lựa chọn kênh đầu tư vẫn hết sức khó khăn ở thời điểm này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên trên 1.050 điểm; Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen; Đường dài thị trường chứng khoán Việt Nam; Lực bán được hấp thụ; Kênh đầu tư nào lên ngôi khi lãi suất và dòng tiền đảo chiều?; Mỹ: Lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ rồi đảo chiều…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 27/3 tăng 50.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,65 – 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 15,3 USD xuống 1.978,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục rơi và về dưới 1.955 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,09 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.602 đồng/USD, tăng 2 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.340 – 23.680 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích nhẹ lên 27.800 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,44 USD (+0,64%), lên 69,70 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,47 USD (+0,63%), lên 75,46 USD/thùng.

VN-Index lên trên 1.050 điểm

Tâm lý lưỡng lự của bên mua và bên bán thể hiện rõ từ sớm, VN-Index gần như chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu cùng thanh khoản ở mức khá thấp.

Mặc dù vậy, lực cầu có sự cải thiện đôi chút cùng sự hồi phục tích cực của dòng bank, đã giúp thị trường “phá” được rào cản 1.050 điểm.

Chỉ số VN-Index tiếp tục nhích bước và chỉ thử thách ở vùng 1.055 điểm rồi chững lại trong bối cảnh thị trường thiếu vắng dòng tiền mạnh.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,1 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 174,31 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/3: VN-Index tăng 5,46 điểm (+0,52%), lên 1.052,25 điểm; HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,46%), lên 206,67 điểm; UpCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,64%), xuống 75,68 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Sáu (24/3), dù vẫn có những lo ngại nhất định khủng hoảng ngân hàng có thể lây lan sang Deutsche Bank.

Nhân tố thúc đẩy thị trường chính là sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, với quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF chuyên cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng hơn 3%, chốt tuần với mức tăng 0,18%.

Vào buổi sáng, cổ phiếu Deutsche Bank niêm yết ở Mỹ bị bán tháo, có thời điểm giảm hơn 7%, trước khi thu hẹp đà giảm và đóng cửa với mức giảm 3,11%.

Trong tuần, Dow Jones nhích 0,4%, S&P 500 tăng 1,4% và Nasdaq tăng 1,6%.

Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Dow Jones tăng 132,28 điểm (+0,41%), lên 32.237,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,27 điểm (+0,56%), lên 3.970,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 36,56 điểm (+0,31%), lên 11.823,96 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ đồng yên yếu hơn thúc đẩy tâm lý tại thị trường nặng về xuất khẩu, nhưng lo ngại về khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đè nặng lên cổ phiếu tài chính.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,33% lên 27.476,87 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,33% lên 1.961,84 điểm.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing là lực đỡ lớn nhất cho Nikkei 225, đóng góp 28 điểm vào mức tăng 92 điểm của chỉ số với mức tăng 1%.

Các nhà sản xuất ô tô vững vàng sau khi đồng yên giảm giá từ mức cao gần hai tháng so với đồng USD, với Suzuki Motor Corp tăng 1,37%, Subaru Corp tăng 0,53% và Honda Motor Co Ltd tăng 0,62%

Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron Ltd là lực cản lớn nhất, xóa 43 điểm chỉ số với mức trượt 2,5%, theo dõi sự sụt giảm từ thứ Sáu của các công ty cùng ngành ở Mỹ.

Concordia Financial Group Ltd là cổ phiếu tài chính hoạt động kém nhất theo Nikkei, mất 1,68%. Chiba Bank Ltd mất 1,2% và Shizuoka Financial Group Inc giảm 1,06%. Sumitomo Mitsui Financial Group Inc giảm 1,01%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, dẫn đầu là các doanh nghiệp nhà nước và cổ phiếu công nghệ, do lợi nhuận công nghiệp sụt giảm và căng thẳng địa chính trị làm sứt mẻ tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,44% xuống 3.251,40 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,36% xuống 4.012,48 điểm.

Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm 22,9% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, do khu vực nhà máy phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng suy thoái do gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19.

Một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Bảy cho biết, nền tảng phục hồi kinh tế chưa đủ vững chắc, đồng thời, cảnh báo về tác động lan tỏa có thể xảy ra từ các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng địa chính trị cũng đè nặng thị trường, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy cho biết nước này sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Chứng Khoán Hồng Kông cũng chịu ảnh hưởng từ Đại lục, cũng như nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,75% xuống 19.567,69 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,15% xuống 6.648,68 điểm.

Cổ phiếu công nghệ phiên này giảm 2,8%, dẫn đầu là Meituan giảm 6,3% sau khi công bố thu nhập quý IV/2022. Trong khi Tencent và Xiaomi lần lượt mất 3,7% và 3,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm khi các nhà đầu tư duy trì quan điểm thận trọng đối với rủi ro trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 5,74 điểm, tương đương 0,24% xuống 2.409,22 điểm.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tìm cách xoa dịu những lo lắng trên thị trường bằng cách đưa ra một tiếng nói nhất trong lĩnh vực ngân hàng, nói rằng các ngân hàng của EU có vốn và tính thanh khoản tốt nhờ những bài học rút ra sau sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008.

Chỉ số phụ của các ngân hàng Hàn Quốc phiên này giảm 0,6%, không phải là một đợt bán tháo ồ ạt nhưng vẫn là kết quả của những lo ngại về lĩnh vực này nói chung.

Kết thúc phiên 27/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 91,62 điểm (+0,33%), lên 27.476,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,26 điểm (-0,44%), xuống 3.251,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 347,99 điểm (-1,75%), xuống 19.567,69 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 5,74 điểm (-0,24%), xuống 2.409,22 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của tổ chức tín dụng, cũng như khả năng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân..>> Chi tiết

- Đường dài thị trường chứng khoán Việt Nam

Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã được trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình 20 - 30% mỗi năm..>> Chi tiết

- Lực bán được hấp thụ

Thị trường xuất hiện tâm lý nghi ngờ “bẫy” tăng giá, nhưng lực bán trong tuần qua được hấp thụ, VN-Index có dấu hiệu tích lũy tích cực..>> Chi tiết

- Kênh đầu tư nào lên ngôi khi lãi suất và dòng tiền đảo chiều?

Theo các chuyên gia, thời kỳ tiền đắt trên thế giới chưa kết thúc, song tại Việt Nam, lãi suất đã xác lập đỉnh. Dù vậy, lựa chọn kênh đầu tư vẫn hết sức khó khăn ở thời điểm này..>> Chi tiết

- Mỹ: Lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ rồi đảo chiều

Lo ngại tác động từ việc một số ngân hàng sụp đổ sẽ hạn chế hoạt động cho vay của ngành ngân hàng và làm suy yếu nền kinh tế, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, thậm chí việc đó cũng không chắc chắn..>> Chi tiết

Tin bài liên quan