Thị trường tài chính 24h: Mục tiêu lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng 15-25%

Thị trường tài chính 24h: Mục tiêu lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng 15-25%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng tự tin với kế hoạch 2023; Hàng không vững đà hồi phục; Doanh nghiệp dầu khí đón “tín hiệu sáng” từ Quy hoạch điện VIII; Cảnh giác với chứng khoán Nhật Bản khi lên mức cao nhất trong 33 năm…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 19/5 không đổi so với ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng 100.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,65 – 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 24,5 USD xuống 1.957,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên gần 1.965 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,28 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.680 đồng/USD, tăng 8 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.320 – 23.660 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích nhẹ lên 27.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm khá mạnh về 26.500 USD trước khi trở lại ngưỡng 26.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,89 USD (+1,24%), lên 72,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,98 USD (+1,29%), lên 76,84 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường đã trở lại trạng thái lình xình tích lũy trong suốt cả phiên sáng và bất ngờ lùi sâu ngay đầu phiên chiều do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng ra thị trường.

Đà giảm chỉ dừng lại khi mốc 1.060 điểm bị “chọc thủng” do kích thích dòng tiền nhập cuộc giúp VN-Index dần thu hẹp biên độ và tiếp tục đóng cửa trên đường MA5 (mốc 1.065 điểm).

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,44 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 996,11 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/5: VN-Index giảm 1,24 điểm (-0,12%) xuống 1.067,07 điểm; HNX-Index tăng 0,9 điểm (+0,42%), lên 213,91 điểm; UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,21%), lên 81,08 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Năm (18/5) nhờ sự lạc quan gia tăng rằng thỏa thuận trần nợ của Mỹ có thể đạt được trong vòng vài ngày tới, cũng như cổ phiếu Walmart nâng đỡ tâm lý thị trường chung.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy hôm nay đã cho biết, Hạ viện có thể bỏ phiếu về việc đạt được thỏa thuận tăng hoặc đình chỉ trần nợ của Mỹ ngay trong tuần tới.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã phần nào bị kìm hãm sau khi Chủ Fed khu vực Dallas, Lorie Logan, cho biết dữ liệu kinh tế mới nhất chưa chứng minh được cho việc tạm dừng nâng lãi suất.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số Dow Jones tăng 115,14 điểm (+0,34%), lên 33.535,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,28 điểm (+0,94%), lên 4.198,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 188,27 điểm (+1,51%), lên 12.688,84 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/1990, kỷ nguyên "bong bóng" của đất nước này, được thúc đẩy bởi các yếu tố tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua mạnh mẽ và lạc quan về thỏa thuận trần nợ của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,77% lên 30.808,35 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,18% lên 2.161.69 điểm.

Đà tăng của chứng khoán Nhật Bản đã được hỗ trợ bởi một mùa thu nhập tổng thể rất mạnh mẽ, đồng yên yếu hơn được củng cố bởi quan điểm rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ giữ kích thích lâu hơn và một nền kinh tế đang bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh tiêu dùng hậu COVID.

"Các nguyên tắc cơ bản dài hạn có thể đã bắt đầu thay đổi ở Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài không muốn bỏ lỡ cơ hội này”, Masayuki Kichikawa, chiến lược gia vĩ mô trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến Nikkei 225, đóng góp 74 điểm với mức tăng 2,19%.

Công ty thiết bị văn phòng Ricoh là cổ phiếu tăng mạnh nhất, tăng 7,69% sau tin tức họ đang xem xét hợp tác với một đơn vị của Toshiba để phát triển và sản xuất máy photocopy và máy in.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi một loạt dữ liệu yếu đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,42% xuống 3.283,54 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,29% xuống 3.955,54 điểm nhưng tăng 0,2% trong tuần.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết tâm lý nhà đầu tư tiếp tục suy yếu trong bối cảnh dữ liệu vĩ mô của Trung Quốc chững lại và quan hệ địa chính trị yếu hơn dự kiến trong một thế giới đa cực.

Giao dịch chứng kiến dòng vốn ròng chảy ra 2,2 tỷ nhân dân tệ (318,3 triệu USD) khi thị trường đóng cửa, với cổ phiếu các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và trí tuệ nhân tạo (AI) bị bán mạnh nhất.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,4% xuống 19.450,57 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,81% xuống 6.593,92 điểm.

Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ giảm 2,4% với cổ phiếu Alibaba giảm hơn 6% sau khi ước tính với doanh thu quý vừa qua chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Gã khổng lồ thương mại điện tử cũng cho biết họ sẽ niêm yết mảng kinh doanh điện toán đám mây vào năm tới.

Các cổ phiếu khác như Meituan và Tencent Holdings Ltd lần lượt giảm 3,7% và 1,2%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng khi các nhà sản xuất chip lớn giúp thị trường đóng cửa tăng phiên thứ năm liên tiếp.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 22,39 điểm, tương đương 0,89% lên 2.537,79 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 21/2. Tính chung cả tuần, chỉ số này tăng 2,52%.

Các nhà sản xuất chip Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 3,32% và 3,95%

Tuần này, Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 6,71% và 11,58%, ghi nhận hiệu suất tốt nhất kể từ đầu tháng 1/2021.

Các công ty tiếp xúc với hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã tăng vọt khi Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc gặp đại sứ Trung Quốc để thảo luận về hợp tác kinh tế.

Theo đó, nhà sản xuất nội dung truyền thông CJ ENM tăng 2,75%, nhà phát triển trò chơi trực tuyến Netmarble tăng 0,86%, trong khi nhà sản xuất sản phẩm làm đẹp LG Household &; Healthcare tăng 1,24%.

Kết thúc phiên 19/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 234,42 điểm (+0,77%), lên 30.808,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,78 điểm (-0,42%), xuống 3.283,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 276,68 điểm (-1,40%), xuống 19.450,67 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 22,39 điểm (+0,89%), lên 2.537,79 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng tự tin với kế hoạch 2023

Mục tiêu lợi nhuận năm 2023 tăng 15 - 25% trong bối cảnh đang phải đối mặt với không ít khó khăn được xem là áp lực không nhỏ, song các ngân hàng tự tin với kế hoạch này, dù tín dụng khó tăng cao..>> Chi tiết

- Hàng không vững đà hồi phục

Bốn tháng đầu năm 2023, thị trường hàng không nội địa tiếp tục tăng trưởng sau khi năm 2022 ghi nhận số lượt khách cao hơn trước thời điểm đại dịch Covid-19, còn thị trường hàng không quốc tế phục hồi khả quan..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp dầu khí đón “tín hiệu sáng” từ Quy hoạch điện VIII

Sau ngành điện, dầu khí được cho là sẽ nhận được những tác động tích cực từ Quy hoạch điện VIII, bởi định hướng phát triển điện khí sẽ đẩy mạnh tiến độ các dự án, đặc biệt là Lô B - Ô Môn..>> Chi tiết

- Các nhà đầu tư lớn cảnh giác với chứng khoán Nhật Bản khi lên mức cao nhất trong 33 năm

Khi thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, các nhà đầu tư lớn thường sẽ đứng ngoài cuộc, cảnh giác với đà sụt giảm và triển vọng ngân hàng trung ương sẽ thu hồi gói kích thích tiền tệ khổng lồ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan