Sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng nhiều khả năng sẽ trở nên rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2023

Sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng nhiều khả năng sẽ trở nên rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2023

Ngân hàng tự tin với kế hoạch 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mục tiêu lợi nhuận năm 2023 tăng 15 - 25% trong bối cảnh đang phải đối mặt với không ít khó khăn được xem là áp lực không nhỏ, song các ngân hàng tự tin với kế hoạch này, dù tín dụng khó tăng cao.

Một số mục tiêu chính

Năm 2023, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Ngân hàng dự kiến tín dụng đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15%; tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2%; tăng vốn điều lệ thêm 20%, lên 54.363 tỷ đồng.

ACB đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt 668.788 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10%; tiền gửi đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453,836 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,1% và 9,7%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.

Kế hoạch của VIB năm 2023 là lãi trước thuế 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3%; tổng tài sản dự kiến đạt 428.500 tỷ đồng, tăng 25%; phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên để tăng vốn điều lệ, tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36%.

Sacombank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Cùng với đó, tổng tài sản của Ngân hàng dự kiến tăng 11%, đạt 657.800 tỷ đồng; huy động vốn tăng 11%, đạt 574.600 tỷ đồng.

VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022.

OCB đạt mục tiêu lợi nhuận năm nay đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tổng tài sản 242.152 tỷ đồng, tăng 25%; tổng huy động vốn 173.087 tỷ đồng, tăng 26%.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT vừa công bố báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, trong đó có đề cập tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận năm 2023 của một số nhà băng.

Cụ thể, ba ngân hàng có vốn nhà nước chi phối niêm yết gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10 - 13%. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, ACB đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10%, trong khi VPBank, VIB và HDBank đặt mục tiêu tăng lần lượt là 33%, 25% và 24%.

Với VPBank, VNDIRECT cho rằng, thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation sẽ cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR), qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, HDBank được nhận định có dư địa để đạt mức tăng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng quy mô nhờ việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém và CAR đạt 13,4% vào cuối năm 2022.

“Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức ban đầu được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước”, VNDIRECT nhận xét.

Về lợi nhuận, công ty chứng khoán này cho biết, có 10/15 ngân hàng thương mại đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 thấp hơn so với mức tăng năm 2022, bởi các yếu tố như nhu cầu tín dụng thấp hơn, chi phí tín dụng cao hơn và nợ xấu tăng. Các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng từ 10 - 17%, trong đó BIDV, VietinBank và Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10 - 15%. Riêng Techcombank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận âm cho năm 2023 (giảm gần 14% so với năm 2022), trong bối cảnh tỷ trọng tín dụng liên quan tới nhóm ngành bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao; tiền gửi không kỳ hạn giảm do khách hàng chuyển sang gửi tiền gửi kỳ hạn dài nhằm hưởng lãi suất cao…

Tự tin với kế hoạch lợi nhuận

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 tăng từ 10 - 25%.

Bức tranh lợi nhuận quý I/2023 của ngành ngân hàng cho thấy nhiều nhà băng tiếp tục tăng trưởng, nhưng có những nhà băng giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Trong quý I/2023, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 11.221,3 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ; tín dụng tăng 2,5%; huy động vốn tăng hơn 3,2%, cao hơn mặt bằng chung của hệ thống; biên lãi ròng tăng thêm 0,04%.

SHB đạt lợi nhuận trước thuế 3.600 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 12% so với cùng kỳ; tăng trưởng huy động vốn đạt trên 8%; tăng trưởng tín dụng khoảng 6%.

Sacombank báo lãi trước thuế 2.383 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, động lực chính đến từ hoạt động cốt lõi - thu nhập lãi thuần.

Tại OCB, lợi nhuận trước thuế ghi nhận trong quý đầu năm nay là 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, MB đạt 6.500 tỷ đồng, ACB đạt 5.156 tỷ đồng, HDBank đạt 2.857 tỷ đồng..., đều tăng trưởng so với cùng kỳ.

Ngược lại, Ngân hàng Bản Việt, Quốc Dân, VPBank, VietABank, SeABank, Techcombank, Lienvietpostbank có lợi nhuận quý I/2023 giảm so với cùng kỳ.

Không ít ý kiến nhận định, các ngân hàng vẫn còn nhiề

u thách thức phải đối mặt, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà băng vẫn tự tin với chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho năm 2023.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, với kết quả đạt được trong quý I/2023, Ngân hàng tự tin về việc sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay.

Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank cho hay, kết quả kinh doanh quý I/2023 theo lộ trình đặt ra, với mức lãi khoảng 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 là đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022.

Tổng giám đốc HDBank, ông Phạm Quốc Thanh cho rằng, chỉ tiêu kinh doanh mà Hội đồng quản trị và Ban điều hành đặt ra cho năm 2023 không dễ đạt được, nhưng Ngân hàng phấn đấu hoàn thành kế hoạch.

“Nhìn lại quá khứ, chẳng hạn năm 2022 vẫn đạt mức tăng 24 - 25% thì chúng ta có cơ sở để tiếp tục tăng trưởng. Tôi tin rằng, đà tăng trưởng của chúng ta sẽ được duy trì. Như quý I/2023, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất ngành, tới 10%. Năm nay, HDBank có kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém nên sẽ có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng ở mức cao”, ông Thanh nói.

Với Techcombank, quý I/2023 ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.623 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do chi phí lãi tăng mạnh, đến từ việc trả lãi tiền gửi cho khách hàng tăng cao do lãi suất huy động đi lên. Tuy nhiên, điểm sáng trong quý đầu năm 2023 là nhiều hoạt động kinh doanh phi tín dụng có kết quả khả quan.

Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, nhóm phân tích của VNDIRECT dự báo, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng trung bình đạt 10 - 11%, so với mức 32% của năm 2022, do tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng, nhưng dự báo lợi nhuận của hầu hết nhà băng sẽ tăng chậm lại đáng kể trước những khó khăn trong năm 2023. Mặc dù vậy, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng phần lớn vẫn sẽ hấp dẫn, dự kiến trung bình đạt 18,5%.

Tuy nhiên, sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng nhiều khả năng sẽ trở nên rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023. Trong đó, các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt và số dư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu tổng dư nợ nhiều khả năng duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Tin bài liên quan