Việc dừng đóng phí hoặc hủy ngang hợp đồng bảo hiểm gây thiệt hại lớn cho khách hàng

Việc dừng đóng phí hoặc hủy ngang hợp đồng bảo hiểm gây thiệt hại lớn cho khách hàng

Bảo hiểm nhân thọ lo giữ khách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gần như không tăng trong 4 tháng đầu năm 2023, đặc biệt sau những lùm xùm liên quan tới hợp đồng bảo hiểm thời gian qua, đang khiến các doanh nghiệp nhân thọ sốt sắng “giữ chân” khách hàng hiện hữu.

Giúp khách hàng khôi phục hợp đồng bảo hiểm

Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ như Generali, Prudential, Manulife… đã chủ động gửi thư cho khách hàng hiện hữu để trấn an trong bối cảnh niềm tin vào bảo hiểm xuống thấp.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, thị trường hiện có gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và tính đến cuối năm 2022, có khoảng 10-11% dân số Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng tăng mạnh những năm gần đây khi theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã bán qua kênh ngân hàng trong năm 2022 với tổng phí năm đầu đạt gần 23.800 tỷ đồng, chiếm 46% doanh số khai thác mới của thị trường này. Tính lũy kế đến hết năm 2022, có khoảng 2,9 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được mua qua kênh ngân hàng với doanh số khai thác là 45.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức độ duy trì hợp đồng từ năm thứ 2 trở đi không ổn định so với các thị trường bảo hiểm khác trên thế giới. Đáng chú ý, thời gian qua, những lùm xùm trong bán bảo hiểm qua ngân hàng dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đang làm đau đầu cả cơ quan quản lý lẫn công ty bảo hiểm và ngân hàng, khiến việc tái tục các hợp đồng bảo hiểm gặp khó.

Thực tế này buộc các công ty bảo hiểm nhân thọ phải có giải pháp níu chân khách hàng. Đơn cử, Prudential áp dụng chương trình tri ân cho các khách hàng có hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực đến hạn đóng phí năm 2 từ ngày 1/5 - 31/5/2023. Đây là các hợp đồng bảo hiểm hợp lệ do Prudential phát hành thông qua các đối tác ngân hàng gồm MSB, Shinhan Việt Nam, United Overseas (Việt Nam), Standard Chartered (Việt Nam), PVcomBank, SeABank và VIB, quà tặng là voucher mua sắm UrBox giá trị 10% phí bảo hiểm thực thu định kỳ của mỗi hợp đồng.

Có công ty bảo hiểm nhân thọ áp dụng chương trình khuyến khích khách hàng khôi phục hợp đồng bảo hiểm. Đơn cử, FWD đưa ra chương trình khuyến khích khách hàng có hợp đồng bảo hiểm (phát hành từ ngày 1/11/2021 - 31/01/2022) đã mất hiệu lực tiếp tục đóng phí để khôi phục hợp đồng. Theo đó, khách hàng không chỉ khôi phục lại các quyền lợi theo hợp đồng, mà còn được tặng số tiền bằng 20% phí bảo hiểm khôi phục hiệu lực hợp đồng (tối đa 30 triệu đồng). Ngoài ra, cứ mỗi 10 triệu tiền phí đóng khôi phục hợp đồng, khách hàng còn nhận được một mã dự thưởng để tham gia rút thăm trúng xe Mercedes C200 Advantgarde vào cuối chương trình...

Bên cạnh động thái trấn an cũng như tri ân, các công ty bảo hiểm còn chủ động đề xuất những giải pháp tài chính phù hợp khi khách hàng có những thay đổi quan trọng trong cuộc sống; chủ động cập nhật các thông tin, chính sách mới để khách hàng nắm rõ những sản phẩm, dịch vụ mới, cũng như các quyền lợi, tiện ích… mà khách hàng được hưởng; nâng cấp đội ngũ đại lý bảo hiểm, tư vấn viên để giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm hơn, có đủ thông tin và tự tin hơn trong việc duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài.

Đáng chú ý, công tác chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng cũng được tập trung hơn so với trước. Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, các công ty bảo hiểm trên toàn thị trường chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm 2022, riêng khối nhân thọ ước chi trả 16.104 tỷ đồng (theo thống kê của Bộ Tài chính).

Toàn thị trường nỗ lực “chữa cháy”

Nếu không lo giữ chân khách hàng hiện hữu, củng cố niềm tin người tiêu dùng bảo hiểm…, kết quả kinh doanh những quý tới sẽ còn ảm đạm.

Tại cuộc họp khẩn về bảo hiểm diễn ra vào trung tuần tháng 4/2023, nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý, công ty bảo hiểm nhân thọ cảnh báo về những sự cố trên kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang khiến niềm tin vào bảo hiểm xuống thấp chưa từng có, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm, thậm chí là cả nền kinh tế.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 75.338 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bảo hiểm nhân thọ gần như không tăng, ước đạt 52.049 tỷ đồng (tăng 0,5%).

Có lẽ vì thế, việc “giữ chân” khách hàng được các công ty bảo hiểm ưu tiên hơn bao giờ hết, khi mà công tác khai thác khách hàng mới đang gặp nhiều khó khăn. Nói như CEO một công ty bảo hiểm, chưa bao giờ cả cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm là Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm và các công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm… lại “bận rộn” đến thế.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25/4/2023, thông qua đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, cơ quan này nhận được gần 500 lượt kiến nghị, phản ánh (số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 lượt và qua email là 299 lượt), phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cơ quan thanh tra của Bộ đã chủ trì buổi tiếp dân với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm và 5 công dân đại diện cho nhóm kiến nghị, phản ánh.

Trước khả năng hủy hợp đồng bảo hiểm giữa chừng gia tăng, IAV cùng với các công ty bảo hiểm liên tiếp tổ chức các chương trình chia sẻ thông tin, các buổi tọa đàm… để giải thích rõ hơn về những nội dung trọng yếu trong hợp đồng bảo hiểm cũng như cảnh báo những hệ lụy do việc dừng đóng phí, hủy ngang mang lại. Chẳng hạn, việc dừng đóng phí giữa chừng sẽ khiến hợp đồng mất hiệu lực và mang tới bất lợi cho chính khách hàng. Khi không duy trì đóng phí bảo hiểm đúng hạn, đặc biệt trong những năm đầu tiên, hợp đồng bảo hiểm có khả năng sẽ mất hiệu lực và khách hàng không còn nhận được sự bảo vệ như mong muốn.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết, nếu hủy hợp đồng bảo hiểm trong 2-3 năm đầu tiên, khách hàng sẽ chịu tổn thất lớn về tài chính bởi các loại phí liên quan đến quản lý hợp đồng thường khá cao vào những năm đầu tiên và giảm dần các năm về sau. Thông thường, phải từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương hoặc cao hơn số phí mà khách hàng đã đóng.

“Duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài là cách để khách hàng được bảo vệ liên tục và không gián đoạn, giảm nguy cơ bị từ chối tham gia bảo hiểm khi lớn tuổi hoặc có dấu hiệu rủi ro về sức khoẻ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Dự báo triển vọng thị trường bảo hiểm nhân thọ từ nay đến cuối năm chưa thể khả quan hơn, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao. Thị trường đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong 20 năm trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không lo giữ chân khách hàng hiện hữu, củng cố niềm tin người tiêu dùng bảo hiểm…, kết quả kinh doanh những quý tới sẽ còn ảm đạm.

Tin bài liên quan