Thị trường tài chính 24h: Thị trường vàng trong nước biến động mạnh

Thị trường tài chính 24h: Thị trường vàng trong nước biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ lên trên 1.500 điểm; Ngân hàng "săn" tiết kiệm đầu năm; 1001 chuyện room phím hàng: Tự sự của một Fn đua đỉnh; Tìm động lực thị trường chứng khoán 2022; Thị trường NFT dễ dàng bị thao túng nhằm làm tăng giá trị…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/2 giảm 450.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 61,80 – 62,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 11,9 USD lên 1.820,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,63 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.090 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.600 – 22.880 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,59 USD (-0,65%), xuống 90,73 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,74 USD (-0,80%), xuống 91,95 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 43.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên, có thời điểm chạm 45.000 USD trước khi hạ nhiệt về 43.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích nhẹ lên trên 1.500 điểm

Về tổng thể thị trường vẫn khá tích cực với số mã tăng điểm chiếm chi phối, quan trọng hơn, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng tâm lý 1.500 điểm để hướng tới chinh phục kỷ lục độ cao ở rất gần là 1.528, 57 điểm tạo lập ngày 6/1/2022.

Trong ngắn hạn, các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng này khi VN-Index đã tỏ ra khá chắc chắn với xu hướng tăng mới khi nằm trên đường MA20, khối lượng giao dịch tăng dần, đường MACD cắt lên…

Điểm nhấn hôm nay chính là sự bứt phá của nhóm cổ phiếu thép, khi mà “anh cả” HPG tăng cao nhất ngày, còn một loạt mã khác như HSG, NKG, TLH, POM cùng tăng trần, trắng bên bán, trong đó HSG và NKG đều khớp trên 6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm bất động sản xây dựng chịu sức ép lớn, nhiều mã quay đầu giảm điểm như LDG, HQC, SCR, HAR, QCG…, thậm chí CEO, DIG, NBB, DRH còn giảm sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7,44 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng 325,06 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/2: VN-Index tăng 3,33 điểm (+0,22%), lên 1.500,29 điểm; HNX-Index giảm 1,44 điểm (-0,34%), xuống 417,89 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,69%) lên 111,52 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm điểm trong phiên đầu tuần (7/2), khi kết quả kinh doanh ở một số công ty lớn gây thất vọng và tâm lý chờ đợi dữ liệu CPI tháng 1 đã khiến giới đầu tư hạn chế đặt cược.

Dịch vụ truyền thông là lĩnh vực hoạt động kém nhất của S&P 500, giảm 2,2% trong bối cảnh cổ phiếu của Meta (Facebook) giảm 5%. Cổ phiếu của gã khổng lồ truyền thông xã hội này đã giảm 28% trong tháng này sau báo cáo kết quả kinh doanh quý cuối cùng năm 2021 đáng thất vọng.

Ngày thứ Năm tới (10/2), Bộ Lao động Mỹ sẽ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1. Các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái là 7,2%, cao nhất kể từ tháng 2/1982.

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Dow Jones tăng 1,39 điểm (+0,00%), lên 35.091,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,66 điểm (-0,37%), xuống 4.483,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 82,34 điểm (-0,58%), xuống 14.015,67 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, nhờ sự hỗ trợ của nhóm công nghệ khi các nhà đầu tư mua mạnh các cổ phiếu giảm sâu trước đó, nhưng sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường trước dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,13% lên 27.284,52 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,42% lên 1.934,06 điểm.

Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset, cho biết: “Chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại khi chỉ số tương lai Nasdaq tăng (theo giờ giao dịch châu Á), nhưng đà tăng bị giới hạn do các nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo CPI của Mỹ sẽ được công bố trong hai ngày tới”.

Phiên này, cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức tăng, với KDDI tăng 1,63%, Fanuc tăng 1,37% và Tokyo Electron tăng 0,4%.

Chỉ số bluechip của Trung Quốc giảm, do động thái của chính phủ Mỹ thêm nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu đã đè nặng tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,67% lên 3.452,63 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,55% xuống 4.608,77 điểm.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 7/2 đã bổ sung thêm 33 công ty của Trung Quốc vào cái gọi là "Danh sách chưa được xác minh". Đây là danh sách các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn vì giới chức Mỹ không thể tiến hành các đợt kiểm tra thông thường.

Công ty sản xuất thiết bị tự động hóa và laser là Shenzhen Hymson Laser đóng cửa giảm 7,4% sau khi công ty con bị đưa vào danh sách này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do lo ngại gia tăng, sau Mỹ thêm nhiều công ty của Trung Quốc vào danh sách đen.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,02% xuống 24.329,49 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,89% xuống 8.513,30 điểm.

Cổ phiếu của WuXi Biologics giảm hơn 30%, sau khi nhà sản xuất nguyên liệu cho vắc-xin bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Giao dịch cổ phiếu này thậm chí sau đó đã bị tạm dừng.

Chứng khoán Hàn Quốc chỉ còn tăng nhẹ, do thị trường tỏ ra thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số công ty Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,41 điểm, tương đương 0,05% lên 2.746,47 điểm, sau khi tăng 1,27% vào đầu phiên.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 7/2 đã liệt 33 doanh nghiệp, tổ chức của Trung Quốc vào danh sách "chưa xác minh, chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ cao.

Kết thúc phiên 8/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 35,65 điểm (+0,13%), lên 27.284,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,05 điểm (+0,67%), lên 3.452,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 250,06 điểm (-1,02%), xuống 24.329,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 1,41 điểm (+0,05%), lên 2.746,47 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng "săn" tiết kiệm đầu năm

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đua tung "lì xì" để "săn" tiết kiệm đầu năm Nhâm Dần, với giá trị lên đến hàng tỷ đồng..>> Chi tiết

- 1001 chuyện room phím hàng: Tự sự của một Fn đua đỉnh

Vốn là dân kỹ thuật, gần 10 năm trước, hắn đã chết đau chết đớn với chứng khoán. Chứng kiến nhiều bạn bè, người quen kiếm tiền dễ dàng khi mua vào một số cổ phiếu tăng giá vù vù mỗi ngày, hắn cũng dùng khoản tiền hai vợ chồng chắt bóp được, cộng với mượn tạm cuốn sổ tiết kiệm nho nhỏ của mẹ đẻ để đầu tư..>> Chi tiết

- Tìm động lực thị trường chứng khoán 2022

Thị trường chứng khoán trong nước vừa có một năm tăng trưởng rất mạnh, với mức tăng 35% của chỉ số VN-Index. Trước thềm xuân mới Nhâm Dần 2021, nhiều chuyên gia chứng khoán cùng chung niềm tin, xu hướng tăng của thị trường vẫn được duy trì trong năm con Hổ..>> Chi tiết

- Thị trường NFT dễ dàng bị thao túng nhằm làm tăng giá trị

Theo dữ liệu mới, các mã thông báo không thể thay thế (NFT) đã chứng kiến ​​sự gia tăng "đáng kể" trong các hành vi thao túng làm phóng đại giá cả, tính thanh khoản và rửa tiền - một nỗi sợ hãi ngày càng tăng khi lĩnh vực tiền điện tử ngày càng biến động..>> Chi tiết

Tin bài liên quan