Thị trường tài chính 24h: Tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu đầu cơ

Thị trường tài chính 24h: Tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu đầu cơ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng lên trên 1.350 điểm; Lợi nhuận ngân hàng nhỏ cải thiện ngay quý đầu năm; Thị trường giảm sâu, cách nào để nhà đầu tư chế ngự nỗi sợ?; Doanh nghiệp xây dựng: Bên kỳ vọng, bên thất vọng; WB: Thế giới đối mặt với cú sốc năng lượng lớn nhất kể từ năm 1973…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/4 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 69,35 – 70,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 7,3 USD/ounce lên 1.905,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và lùi về gần 1.895 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,60 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.135 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.825 – 23.105 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng giảm về 38.100 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục lên trên 39.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,69 USD (+0,68%), lên 102,39 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,70 USD (+0,67%), lên 105,69 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, VN-Index đảo chiều tăng điểm

Thị trường nhanh chóng giảm mạnh trở lại khi bước vào phiên sáng nay với dòng tiền bị hạn chế đi rất nhiều, thanh khoản sụt giảm mạnh.

Sang đến phiên chiều, chỉ số VN-Index đã phát tín hiệu hồi phục theo đà của VN30 và cả 2 chỉ số này đều đi lên thẳng đứng lên trên tham chiếu, vượt qua ngưỡng 1.350 điểm.

Phiên hôm nay chứng kiến sự “nổi loạn” trở lại của nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao khi hàng loạt mã khoe sắc tím với 47 mã.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 13,24 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 272,5 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/4: VN-Index tăng 12,43 điểm (+0,93%), lên 1.353,77 điểm; HNX-Index tăng 11,92 điểm (+3,45%), lên 357,09 điểm; UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,22%), lên 101,37 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Ba (26/4), với Nasdaq đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 do các nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng toàn cầu chậm lại và Fed đang trở nên quyết liệt hơn trong vấn đề tăng lãi suất.

Trong phiên này, cổ phiếu Tesla giảm tới 12%, do các nhà đầu tư lo ngại rằng Elon Musk có thể bán một số cổ phần tại Tesla để bổ sung nguồn vốn cho thương vụ 44 tỷ USD mua Twitter.

Các cổ phiếu công nghệ khác như Alphabet (Google) và Microsoft đều giảm gần 4% ngay trước khi báo cáo kết quả kinh doanh được công bố.

Cổ phiếu Apple, công ty giá trị nhất Phố Wall, đã giảm 3,7% trước báo cáo kết quả kinh doanh sẽ được công bố vào thứ Năm tới.

Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Dow Jones giảm 809,28 điểm (-2,38%), xuống 33.240,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 120,92 điểm (-2,81%), xuống 4.175,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 514,11 điểm (-3,95%), xuống 12.490,74 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm theo đà sụt giảm của Phố Wall qua đêm, do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của việc phong tỏa nhiều nơi ở Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,17% xuống 26.386,63 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 12/4. Chỉ số Topix mất 0,94% xuống 1.860,76 điểm.

Shogo Maekawa, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, cho biết: “Trước cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh ở Nhật Bản, triển vọng của công ty đang trở nên không chắc chắn hơn do tác động từ việc Trung Quốc phong tỏa nhiều nơi và sự gia tăng chi phí năng lượng”.

Phiên này, cổ phiếu Fanuc giảm 5,72% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225. Cổ phiếu Kikkoman giảm 12,63% khi một báo cáo cho biết nhà sản xuất nước tương không tiết lộ dự báo lợi nhuận do chi phí tăng.

Công ty Điện lực Tokyo đảo chiều giảm 1,32%, khi Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng điều quan trọng là phải thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Cổ phiếu Asahi Group Holdings tăng 4,29% sau khi nhà sản xuất bia cho biết họ sẽ tăng giá bia và rượu whisky nội địa từ ngày 1/10.

Chứng khoán Trung Quốc phục hồi mạnh từ mức thấp nhất trong hai năm, với hy vọng rằng nước này sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh các chính sách chống Covid-19 hà khắc của mình.

Tâm lý cũng cải thiện nhờ dữ liệu cho thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 3 so với một năm trước đó và các dấu hiệu cho thấy đồng nhân dân tệ đang ổn định sau đợt lao dốc gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,49% lên 2.958,28. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 2,94% lên 3.895,54 điểm, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 trong phiên sáng.

Tờ Nhân dân Nhật báo chính thức nhắc lại “chính sách không khoan nhượng” trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng cho biết “ở giai đoạn hiện tại, mục tiêu của là loại bỏ các đợt bùng phát”, chứ không phải virus hoặc dịch bệnh.

Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, nhờ sự lạc quan từ thị trường chứng khoán ở Đại lục đã bù đắp cho những ảnh hưởng ở các thị trường châu Á lớn khác.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,06% 19.946,36 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,57% lên 6.786,02 điểm.

Thị trường Hồng Kông vẫn bị che phủ bởi sự bùng phát Covid-19 ở Đại lục và căng thẳng địa chính trị gia tăng, sau khi quân đội Trung Quốc đã lên án Mỹ sau khi một tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Phiên này, chỉ số Công nghệ tăng 1,7%, trong khi khu vực công nghiệp tăng 2,7%. Nhưng cổ phiếu bất động sản vẫn suy yếu, giảm 1,3%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn một tháng, do ảnh hưởng từ đà lao dốc qua đêm của Phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 29,25 điểm, tương đương 1,10%, xuống 2.639,06 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,66%, SK Hynix giảm 2,25% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên hơi thiếu kỳ vọng.

Cổ phiếu LG Energy Solution cũng mất 1,3%, ngay cả khi nhà sản xuất pin này công bố lợi nhuận quý đầu tiên giảm nhẹ hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 27/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 313,48 điểm (-1,17%), xuống 26.386,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 71,86 điểm (+2,49%), lên 2.958,28 điểm. Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông tăng 11,65 điểm (+0,05%), lên 19.946,36 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 29,25 điểm (-1,10%), xuống 2.639,06 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng nhỏ cải thiện ngay quý đầu năm

Dịch bệnh dần kiểm soát và tín dụng tăng mạnh trở lại khiến các ngân hàng nhỏ đặt mục tiêu tham vọng. Kết thúc quý đầu năm nay, tín dụng cao đẩy lợi nhuận tăng ở khối ngân hàng này..>> Chi tiết

- Thị trường giảm sâu, cách nào để nhà đầu tư chế ngự nỗi sợ?

Bối cảnh thị trường hiện nay nên đứng ngoài quan sát chờ thị trường ổn định mới tiếp tục hành động hay tranh thủ “bắt đáy” để mua được cổ phiếu tốt giá rẻ?..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp xây dựng: Bên kỳ vọng, bên thất vọng

Hợp đồng ký mới tăng vọt, nhưng kỳ vọng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành lại có sự khác biệt..>> Chi tiết

- Có xảy ra vỡ nợ trái phiếu bất động sản?

Các nhà phân tích Fiin Ratings (dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thuộc Fiin Group) cho rằng, không thể khẳng định là sẽ không xảy ra vỡ nợ trái phiếu bất động sản ở Việt Nam, nhưng khả năng là thấp..>> Chi tiết

- WB: Thế giới đối mặt với cú sốc năng lượng lớn nhất kể từ năm 1973

Theo báo cáo của WB, giá năng lượng trong 2 năm qua đã tăng nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố quyết định ngừng sản xuất dầu mỏ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan