Thị trường tài chính 24h: Yếu tố đang tác động mạnh đến thị trường chứng khoán là tỷ giá

Thị trường tài chính 24h: Yếu tố đang tác động mạnh đến thị trường chứng khoán là tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thu hẹp đà giảm; Lãi suất thấp nhưng tín dụng yếu vì 2 bên đều thận trọng; Thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn; Tỷ giá gây sức ép lên thị trường chứng khoán; Thị trường hàng hóa tăng nóng đang kìm hãm quá trình kiểm soát lạm phát…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/4 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 81,70 – 83,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 39,3 USD lên 2.383,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt và lùi về 2.370 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,23 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.141 đồng/USD, tăng mạnh 45 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.008 – 25.348 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua gần như không đổi tại 64.100 USD thì sang phiên hôm nay đã suy yếu và lùi về 63.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,36 USD (-0,42%), xuống 85,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,32 USD (-0,36%), xuống 89,78 USD/thùng.

VN-Index thu hẹp đà giảm

Sau phiên sáng giảm gần 10 điểm với áp lực bán dâng cao về cuối phiên, thị trường bước vào phiên chiều với nỗi lo gia tăng. Chỉ số VN-Index tiếp tục suy yếu khi nhóm bluechip rơi nhanh và có thời điểm thủng mốc 1.200 điểm và về gần 1.192 điểm, tương đương giảm gần 25 điểm.

Nhưng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm này thêm một lần phát huy tác dụng, khi giúp lực cầu nhập cuộc, dù không quá lớn nhưng cũng đủ giúp VN-Index dần hồi phục và đã chạm gần tham chiếu khi đóng cửa, dù đà đi lên tương đối khó nhọc bởi chủ yếu nhờ nhóm VN30 bớt tiêu cực hơn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,61 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 105,3 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/4: VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,08%), xuống 1.125,68 điểm; HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,38%), xuống 228,83 điểm; UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,39%), xuống 88,63 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trong phiên thứ Hai (15/4), khi lợi suất trái phiếu gây tác động xấu, cũng như lo ngại gia tăng về căng thẳng địa chính trị giữa Iran và Israel.

Dữ liệu quan trọng hôm nay là doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3, chưa được điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 0,7% so với tháng 2. Không bao gồm ô tô và xăng, doanh số bán lẻ tăng 1%. Dữ liệu cho thấy tiêu dùng vẫn mạnh mẽ bất chấp áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, điều này lại khiến suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên trên mốc 4,6% trong phiên, chạm mức đỉnh kể từ giữa tháng 11/2023 và khiến các cổ phiếu tăng trưởng chịu sức ép.

Kết thúc phiên 15/4: Chỉ số Dow Jones giảm 248,13 điểm (-0,65%), xuống 37.735,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 61,59 điểm (-1,20%), xuống 5.061,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 290,08 điểm (-1,79%), xuống 15.885,02 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong tám tuần, khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,94% xuống 38.471,20 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 21/2. Chỉ số Topix mất 2,04% xuống 2.697,11 điểm.

Đồng đô la đã tăng lên mức cao nhất trong năm tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, với đồng yên giao dịch ở quanh vi phạm 154 yên/ mỗi đô la, mức yếu nhất trong 34 năm.

Nhóm cổ phiếu chip là gánh nặng lớn nhất với Tokyo Electron giảm 4,15%, trong khi nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest mất 3,76%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lo ngại về sự leo thang xung đột ở Trung Đông và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng cao nhiều hơn dự kiến, nhưng các số liệu khác đặt ra câu hỏi về triển vọng trong phần còn lại của năm.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,65% xuống 3.007,07 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,07% xuống 3.511,11 điểm.

Trung Quốc đã công bố GDP quý I với mức tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn dự báo.

Các dữ liệu khác như sản xuất công nghiệp tăng 4,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ cũng tăng thêm 3,1%.

Tuy nhiên, hai số liệu này đều thấp hơn dự báo và chậm lại so với 2 tháng đầu năm. Cùng đó, tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố lớn giảm về 5,2%, chấm dứt chuỗi tăng 3 tháng liên tiếp.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà giao dịch ngày càng lo lắng về cuộc khủng hoảng Trung Đông cũng như dữ liệu kinh tế kém thuyết phục từ Đại lục khiến lực bán dâng cao.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,12% xuống 16.248,97 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,92% xuống 5.743,78 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc, khi giới đầu tư thận trọng trước căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, cũng như doanh số bán lẻ ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 60,80 điểm, tương đương 2,28% xuống 2.609,63 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 2,68% và SK Hynix mất 4,84%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,88%.

Kết thúc phiên 16/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 761,60 điểm (-1,94%), xuống 38471,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 50,31 điểm (-1,65%), xuống 3.007,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 351,49 điểm (-2,12%), xuống 16.248,97 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 60,80 điểm (-2,28%), xuống 2.609,63 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất thấp nhưng tín dụng yếu vì 2 bên đều thận trọng

Tín dụng từ đầu năm 2024 đến nay tăng trưởng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó không ít doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay dù lãi suất thấp, còn ngân hàng thì thận trọng giải ngân vì lo ngại nợ xấu phát sinh..>> Chi tiết

- Thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn

Với những điểm sáng xuất hiện trong quý I/2024, các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn từ quý II..>> Chi tiết

- Tỷ giá gây sức ép lên thị trường chứng khoán

Yếu tố đang tác động mạnh đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư là tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử và có thể tiến lên mức cao hơn..>> Chi tiết

- Thị trường hàng hóa tăng nóng đang kìm hãm quá trình kiểm soát lạm phát

Sự bùng nổ của giá hàng hóa đang làm phức tạp thêm nỗ lực kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương và có thể làm chệch hướng triển vọng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan