Thị trường trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục bất ổn cho tới năm sau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một cuộc thăm dò của Reuters với các chiến lược gia trên thị trường, tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài từ 6 tháng đến một năm nữa khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Thị trường trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục bất ổn cho tới năm sau

Hơn một năm sau khi lạm phát bắt đầu trở thành nỗi lo và hơn 6 tháng kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên từ mức gần bằng 0, có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát trở nên ít đe dọa hơn.

Kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên, thị trường trái phiếu đã đối mặt với mức độ biến động cao và bán tháo sâu.

Chỉ số ước tính biến động thị trường trái phiếu của ICE BofAML đã bắt đầu tăng vào cuối năm 2021 và đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 trong tuần trước. Xu hướng không chắc chắn này sẽ tiếp tục.

Hơn 65% các chiến lược gia trái phiếu trong cuộc khảo sát từ ngày 19/10 đến 21/10 cho biết, tình trạng hỗn loạn hiện tại trên thị trường trái phiếu chính phủ sẽ kéo dài ít nhất 6 đến 12 tháng nữa.

Elwin de Groot, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại Rabobank cho biết: “Chúng ta có thể sẽ trải qua ít nhất một năm biến động đáng kể nữa trên thị trường trái phiếu và chắc chắn có thể còn nhiều hơn thế nữa”.

"Sự biến động sẽ không sớm biến mất. Ngay cả khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tiến gần hơn đến điểm xoay trục đó, chúng ta có thể có những yếu tố không chắc chắn khác khiến cho sự biến động trên thị trường ở mức cao. Và sự biến động cao có nghĩa là phần bù rủi ro cao hơn", ông cho biết.

Với lợi suất trái phiếu chính phủ hầu hết tăng hơn 200 điểm cơ bản kể từ đầu năm và hầu hết các ngân hàng trung ương đã vượt qua nửa chặng đường của chu kỳ thắt chặt dự kiến, lợi suất có thể giảm trong 12 tháng tới.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ dự kiến ​​sẽ giảm từ mức cao nhất trong 14 năm là 4,27% vào ngày 21/10 xuống 3,89% vào cuối năm nay. Sau đó, lợi suất dự báo sẽ giảm tiếp tục xuống 3,85% và 3,58% lần lượt trong sáu và 12 tháng tới.

Tuy nhiên, những dự báo trung bình đó cao hơn so với cuộc khảo sát vào tháng 9, cho thấy lợi suất vẫn đang đối mặt với rủi ro tăng.

Điều đó phần lớn là do nỗ lực không ngừng của Fed để giảm lạm phát, hiện đang cao hơn nhiều lần so với mức yêu cầu 2% của ngân hàng trung ương.

Benjamin Jeffery, chiến lược gia tỷ giá tại BMO Capital Markets cho biết: “Trong mô hình hiện tại, lạm phát đơn giản là quá cao để Fed thể hiện bất kỳ sự miễn cưỡng nào ngoài việc tỏ ra quan điểm rất diều hâu”.

Bất chấp sự khác biệt rõ rệt về quan điểm diều hâu giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức và trái phiếu chính phủ Anh vẫn tăng song song với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

Trái phiếu chính phủ Đức đã đạt mức cao nhất trong 11 năm là 2,49% vào ngày 21/10 do lo ngại về việc lãi suất tăng sẽ đè nặng lên thị trường trái phiếu, trong khi ECB dự kiến ​​sẽ đưa ra mức tăng 75 điểm cơ bản một lần nữa trong tuần này.

Thị trường trái phiếu chính phủ Anh đã trải qua một đợt bán tháo chấn động khi chính phủ công bố một làn sóng cắt giảm thuế chưa hoàn lại vào ngày 23/9, làm dấy lên lo ngại về sự thiếu thận trọng về tài khóa và đưa lãi suất vay lên mức cao nhất trong 20 năm.

Niềm tin của nhà đầu tư đã phần nào được khôi phục với hầu hết các biện pháp đó hiện đã bị đảo ngược. Bộ trưởng tài chính sau đó đã bị sa thải và thủ tướng đã từ chức.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh dự kiến ​​sẽ tăng từ 3,9% hiện tại lên trên 4% trong 6 tháng tới, và sẽ giảm trở lại 3,8% trong vòng một năm tới.

Tin bài liên quan