Quy mô thị trường trái phiếu hiện mới chỉ bằng 16% GDP.

Quy mô thị trường trái phiếu hiện mới chỉ bằng 16% GDP.

Thị trường trái phiếu: Cung - cầu chưa thông suốt

(ĐTCK-online) Theo Bộ Tài chính, việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu (TTTP) còn hạn chế, quy mô thị trường hiện mới chỉ bằng 16% GDP. Trong khi đó, tại Hội thảo "Thị trường vốn và tài chính Việt Nam", do Tổ chức Euromoney phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 30/11, các NĐT, nhất là NĐT nước ngoài rất quan tâm đến cơ hội đầu tư vào thị trường còn nhiều tiềm năng này. Vậy đâu là lực cản khiến nhu cầu đầu tư vào TTTP chưa được đáp ứng?

Theo nhiều ý kiến, có quá nhiều việc phải làm nếu muốn TTTP thực sự hấp dẫn và trở nên sôi động, thu hút các NĐT "đổ" vốn vào thị trường này. "Với những gì đang triển khai như: tiếp tục hoàn chỉnh hành lang pháp lý cho TTTP, hiện đại hoá sàn giao dịch trái phiếu chuyên biệt tại Sở GDCK Hà Nội…, cho thấy Chính phủ đang nỗ lực làm 'đường cao tốc' cho TTTP phát triển", ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ví von. Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, những điều đã làm là chưa đủ, mà cơ quan quản lý cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho sự vận hành của thị trường, trong đó cần tập trung phát triển sản phẩm mới, có chất lượng cao; hiện đại hoá hệ thống giao dịch, lưu ký…

Dưới góc độ của NĐT, ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cho rằng, cần có cơ chế rõ ràng cho phép các NHTM tham gia đầu tư vào các danh mục trái phiếu chính phủ và trái phiếu DN. Kèm theo đó, để hấp dẫn NĐT, cần có biện pháp tăng tính thanh khoản cho TTTP đi đôi với cơ cấu lại danh mục hơn 500 mã trái phiếu hiện nay…

Về triển vọng tăng tính thanh khoản cho TTTP, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, Bộ Tài chính, UBCK đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất cho sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp tại Sở GDCK Hà Nội. Theo đó, đầu năm tới sẽ triển khai Dự án 04 về tăng cường cơ sở vật chất hệ thống giao dịch cho TTTP chuyên biệt, để thực hiện kết nối liên thông với hệ thống thanh toán của ngân hàng và hiện đại hoá Trung tâm Lưu ký nhằm phát triển thị trường vốn. Điều này sẽ cải thiện cơ bản cơ sở hạ tầng cho TTTP. Để việc phát hành trái phiếu chính phủ ở thị trường sơ cấp đạt hiệu quả cao, nhằm tạo nguồn hàng tốt cho thị trường, tới đây Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo việc điều hành lãi suất uyển chuyển hơn, từ đó hấp dẫn NĐT tham gia... "Với vai trò đồng kiến tạo thị trường, nếu chỉ có sự nỗ lực của cơ quan quản lý thôi, mà thiếu sự tham gia tích cực của các thành viên thị trường, nhất là các NĐT, thì sẽ ảnh hưởng đến sự sôi động của TTTP", ông Hùng nhấn mạnh.

Việc làm "đường cao tốc" cho TTTP, theo Bộ Tài chính, vẫn đang được triển khai quyết liệt. Theo đó, Bộ dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 141/2003/NĐ-CP về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương và Nghị định thay thế Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho DN huy động vốn tại thị trường trong nước và nước ngoài. Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương xây dựng để sớm ban hành Quy chế hoạt động của hệ thống nhà giao dịch sơ cấp (hệ thống nhà tạo lập thị trường) để vừa phát triển thị trường phát hành, vừa nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp. Muốn tăng tính thanh khoản của TTTP, các tổ chức tín dụng cần linh hoạt sử dụng nhiều công cụ như: chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở, cầm cố trái phiếu chính phủ; từng bước phát triển thị trường hợp đồng mua lại (repo), thị trường hợp đồng kỳ hạn...

Một giải pháp khác nhằm tăng tính sôi động cho TTTP, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) là, trong điều hành TTTP, cần nỗ lực đưa lãi suất trái phiếu chính phủ giữ vai trò định hướng và tham chiếu cho các loại lãi suất khác trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Hướng tới tổ chức được thị trường trái phiếu chính phủ mang tính cạnh tranh thực sự để hình thành các mức lãi suất chuẩn. Trong mọi điều kiện, cần tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ theo định kỳ để có định hướng, tín hiệu về lãi suất ra bên ngoài cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Tăng tính minh bạch của thị trường cũng là biện pháp không thể thiếu để hấp dẫn NĐT tham gia TTTP. Muốn vậy, thông tin về kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ cần được xây dựng và thông báo cho các thành viên thị trường định kỳ hàng tháng, hàng quý, theo tổng mức và loại trái phiếu dự kiến phát hành. Để làm được việc này, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) xây dựng chi tiết kế hoạch phát hành các loại tín phiếu, trái phiếu theo tháng trên cơ sở kế hoạch trả nợ gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành những năm trước và nhu cầu chi tiêu của ngân sách. Kế hoạch này phải được công khai cho các NĐT, để họ chủ động bố trí vốn tham gia đầu tư vào trái phiếu chính phủ.

Hữu Hòe