Thị trường vàng: Xếp hàng mua…quả đắng!

Thị trường vàng: Xếp hàng mua…quả đắng!

Thị trường vàng lại tái diễn cảnh xếp hàng mua… "quả đắng". Sự lúng túng của cơ quan quản lý với Nghị định quản lý, kinh doanh vàng khiến thị trường thêm rối.

"Ham tiền, cột mỡ lắm anh leo"

 

Có vẻ như bài học mua vàng bình ổn giá lần trước đã nhanh chóng bị quên. Ngày 23/11, khi thị trường vàng có biến động, người dân lại xếp hàng mua vàng bình ổn giá do SJC bán ra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Công ty SJC đã phải quy định hạn mức bán là 5 lượng/khách hàng nhằm tránh tình trạng đầu cơ do giá. Vậy mà, chỉ trong một ngày, SJC đã bán ra trên 7.000 lượng vàng. SJC liên tục nâng giá bán, nhưng người mua vẫn đông hơn người bán.

 

NHNN phải quản lý theo nguyên tắc thị trường chứ không phải là biện pháp hành chính, tạo ra độc quyền dù chỉ tạm thời

 

Trước đó, trong cả tuần, thị trường vàng khá trầm lắng cho đến khi NHNN đưa ra bản sửa đổi dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh thị trường vàng. Rõ ràng ai cũng biết, đây mới chỉ là dự thảo, nhưng thị trường đã lại xôn xao. Nếu "chiểu" theo dự thảo này (chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong nước trong 3 năm gần nhất, mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng) thì ai cũng hiểu, SJC hiện là doanh nghiệp duy nhất đáp ứng điều kiện này. Vì thế, các thương hiệu vàng khác bỗng dưng…mất giá. Chiều ngày 23/11, giá vàng thế giới chỉ còn 1.688

USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá tự do đã tính các loại thuế và phí chỉ tương đương 43,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá bán vàng cuối ngày tại Công ty SJC là 44,75 triệu đồng/lượng. Tại sao thị trường cho SJC cái "quyền" bán vàng cao hơn giá thế giới đến hơn 1,15 triệu đồng/lượng? Cần chú ý là, trước khi có bản sửa đổi dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng, giá vàng trong nước chỉ còn cách giá vàng thế giới 400 - 600 ngàn đồng/lượng.

 

Một người kinh doanh vàng lâu năm như ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu, khi biết về dự thảo Nghị định quản lý vàng mới đã cho rằng: NHNN vô hình trung tạo ra sự độc quyền cho thị trường vàng. Nhưng sau đó, chính Bảo Tín Minh Châu lại tự nguyện "đại hạ giá" vàng của mình. Có lúc giá vàng Bảo Tín thấp hơn vàng SJC cùng thời điểm hơn 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán. Việc làm này của Bảo Tín đã khiến các thương hiệu vàng khác như Rồng Vàng Thăng Long, AAA giảm giá theo. Điều gì khiến các thương hiệu vàng miếng khác dễ dàng "đầu hàng" trước SJC, ngay cả khi quy định mới ở dạng dự thảo? Thậm chí ông Châu còn cho rằng, việc Minh Châu bán vàng rẻ hơn sẽ tạo điều kiện để SJC mua về, đúc lại thành vàng miếng SJC mà không cần tốn ngoại tệ nhập khẩu (?!). Bảo Tín Minh Châu và một số thương hiệu ít nổi tiếng hơn giảm giá, nhưng giá vàng của họ nhìn chung vẫn cao hơn giá vàng quốc tế đã quy đổi. Như vậy, doanh nghiệp chấp nhận lãi ít để dòng vốn của họ luân chuyển còn hơn bị đọng vốn, cho dù Nghị định kia chỉ là dự thảo.

 

Quả thực, sang đến ngày 24/11, khi giá vàng thế giới tăng lên 1.693 USD/ounce thì giá vàng SJC trong nước đã "bình tĩnh" trở lại, về mức 44,25 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra 44,57 triệu đồng/lượng. Lần này, SJC cũng đã thành công (tuy không bằng lần trước) trong việc bán vàng giá bình ổn. Người thiệt, cuối cùng vẫn là những người đã xếp hàng mua vàng bình ổn.

 

Chơi vàng , chấp nhận có lúc "bạc"

 

Nỗi lo cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu lan rộng khuyến khích giới đầu tư nắm giữ tiền mặt, đặc biệt là USD, khiến đồng tiền này lấy lại vị thế, gây áp lực giảm giá cho vàng. Tháng 9 vừa qua, giá vàng quốc tế đã lập đỉnh cao lịch sử ở mức trên 1.900 USD/ounce. Đến cuối tháng 9, giới đầu cơ vàng thế giới bán ra chốt lời khiến giá vàng rớt mạnh về dưới 1.600 USD/ounce, và hiện đang dao động quanh ngưỡng 1.700 USD/ounce. Dự đoán về giá vàng trong giai đoạn này là không thể. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động như hiện nay việc cất trữ vàng trong dân sẽ tăng. Bên cạnh đó, nhiều người Việt Nam cũng muốn "chơi" vàng. Nhưng, một mặt do vốn ít, mặt khác tâm lý đầu tư theo đám đông vẫn là chủ đạo. Vì thế, nhiều "nhà đầu tư" đã tự đẩy mình vào thế khó. Vàng không phải là nhu yếu phẩm hàng ngày. Việt Nam cũng không phải là nước sản xuất vàng hay có lượng vàng tích trữ lớn so với thế giới. Vậy tại sao thị trường vàng của Việt Nam luôn dễ dàng biến động như hiện nay? Và nếu chấp nhận tham gia cuộc chơi, nhà đầu tư phải xác định có lúc được, lúc mất.

 

Tuy nhiên, việc thu hẹp đầu ra của vàng miếng như dự thảo Nghị định quản lý vàng khiến người dân có nhu cầu tích trữ vàng sẽ mua vàng dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng. Hơn nữa, thực tế các doanh nghiệp vàng đã đầu tư hàng triệu USD vào máy móc thiết bị chế tác sản xuất vàng. Nếu không được sản xuất vàng miếng, họ sẽ chuyển sang sản xuất vàng nữ trang và vàng miếng biến tướng để tồn tại. Lúc đó, thị trường sẽ càng khó kiểm soát hơn. Do đó vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là làm sao để huy động được nguồn lực vàng trong dân, tạo thanh khoản, không để vàng chết trong két (của dân hay của một số ngân hàng như hiện nay).

 

SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN

 

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói: Theo Nghị định quản lý kinh doanh vàng sẽ ban hành sắp tới, NHNN sẽ độc quyền về sản xuất kinh doanh vàng miếng. Hiện thị phần của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ( SJC) đã chiếm 90% thị trường vàng miếng trong nước. Bằng việc này, NHNN cùng lúc đạt được hai mục tiêu là giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, đồng thời tiết giảm được chi phí. Thống đốc tuyên bố: "Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ đổi nhãn hiệu vàng SJC thành SBV (tên viết tắt bằng tiếng Anh của NHNN- State Bank of Vietnam )

Việc này đã được đưa ra bàn cả năm nay. NHNN cũng vừa thành lập tổ xây dựng đề án huy động nguồn lực vàng trong dân. Nhưng, nếu cho đến giờ sau một thời gian dài xây dựng mà Nghị định quản lý thị trường vàng, mới ở mức dự thảo đã có thể khiến thị trường rối loạn, e rằng NHNN phải quản lý theo nguyên tắc cung cầu của thị trường chứ không phải là biện pháp hành chính, tạo ra độc quyền, dù chỉ tạm thời.