Thích nghi với những đổi thay

(ĐTCK) 2015 là năm cực kỳ khó khăn cho các NĐT vì tình hình không thuận lợi và nhiều biến động trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu cũng như hàng hóa thương phẩm. Dự báo năm 2016 cũng sẽ khó khăn không kém. 
Ông Steve Brice, Trưởng nhóm Chiến lược Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered

Ông Steve Brice, Trưởng nhóm Chiến lược Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered

NĐT cần phải tự thích nghi những thay đổi đó, nhưng nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng thị trường cổ phiếu toàn cầu sẽ tạo ra những khoản lợi nhuận tích cực và vượt lên thị trường trái phiếu.

Câu hỏi lớn ở đây là liệu mức suy giảm 15% trên thị trường cổ phiếu toàn cầu vào giữa năm 2015 có phải là dấu hiệu cho suy thoái sắp tới ở Mỹ hay không? Nếu đúng như vậy, NĐT cần áp dụng thêm các biện pháp phòng thủ nào? Tuy nhiên, chúng tôi có góc nhìn khác nhau trong quan điểm về năm 2016.

"2016 sẽ là năm khó khăn. Mặc dù lợi nhuận cả năm có thể sẽ tốt hơn so với 2015, song mọi việc sẽ không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió".

Nền kinh tế Mỹ có khả năng đi vào giai đoạn cuối chu kỳ, nhưng đà tăng trưởng kinh tế hiện nay có khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2017. Thông thường, các cuộc suy thoái ở Mỹ là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ với mục tiêu chuyển từ hỗ trợ tăng trưởng sang chống lạm phát.

Ngược lại với điều này, năm 2015 đã chứng kiến nhiều biện pháp chống lạm phát mạnh. Năm 2016, các biện pháp này có thể giảm đi, trong khi khả năng châu Âu và Trung Quốc có thể hoàn toàn làm giảm áp lực lạm phát trên toàn cầu. Do đó, chúng tôi dự đoán việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ diễn ra chậm.

Ở những nơi khác trên thế giới, tăng trưởng được dự báo sẽ tăng nhẹ, đặc biệt là ở châu Âu và Nhật Bản, do chính sách tài chính và tiền tệ được nới lỏng phần nào. Nhưng Trung Quốc lại khác, vì những “làn gió ngược” trong thể chế có thể kìm hãm tăng trưởng, cho dù chính sách được nới lỏng.

Vậy điều này có nghĩa như thế nào đối với NĐT?

Lợi nhuận của DN có thể vẫn trong xu hướng tăng, đặc biệt là tại các thị trường phát triển. Tại Mỹ, lợi nhuận trong năm 2015 bị ảnh hưởng nặng do giá dầu lao dốc. Nhưng ảnh hưởng này có thể nhẹ hơn trong năm 2016 nhờ giá dầu thoát đáy. Trong khi đó, chúng tôi dự đoán nhu cầu trong nước ở khu vực đồng euro và Nhật Bản sẽ tăng, do đó lợi nhuận của DN sẽ ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu và vào các đồng tiền yếu.

Tại châu Á (trừ Nhật), thu nhập cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ dù phần lớn kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng 6% năm 2016 (nguồn: Factset). Chúng tôi dự báo triển vọng không tốt lắm cho các thị trường mới nổi ngoài châu Á, mặc dù sự ổn định của giá dầu sẽ có tác dụng tích cực đáng kể cho các thị trường này.

Khác với bức tranh dự đoán trên, chúng tôi hy vọng thị trường cổ phiếu toàn cầu sẽ tạo lợi nhuận khá tốt trong năm 2016, khu vực đồng euro và Nhật Bản có khả năng tiếp tục sinh nhiều lời trong năm thứ hai liên tiếp. Tất nhiên, bức tranh toàn cảnh lại khác. Năm 2016 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức. Biến động thường tăng khi đến giai đoạn cuối của một chu kỳ kinh tế và lần này vẫn có thể là như vậy.

Điều đó nghĩa là lợi nhuận thị trường cổ phiếu thường rất tích cực trong giai đoạn 12-24 tháng sau khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt. Do đó, cần phải cân bằng giữa nguy cơ suy giảm đáng kể trong các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu và trái phiếu có lợi nhuận cao và khả năng bỏ lỡ đợt phục hồi giá cổ phiếu sắp tới.

"Năm 2016 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức. Biến động thường tăng khi đến giai đoạn cuối của một chu kỳ kinh tế và lần này vẫn có thể là như vậy".

NĐT có thể cân bằng những áp lực trái ngược đó bằng cách tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu toàn cầu, nhưng cũng phải tự bảo vệ nhiều hơn, chống các rủi ro biến động đang tăng. Điều cốt yếu là phải có cách tiếp cận đa dạng, cùng với tăng dần đầu tư vào trái phiếu vì chúng tôi dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất chậm. Nguy cơ lớn nhất ở đây là khi lạm phát nhảy vọt sẽ dẫn đến thắt chặt chính sách tiền tệ, lợi nhuận cao hơn nhưng lỗ vốn cho các NĐT trái phiếu.

Theo đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn ở mức rất thấp, có nghĩa là đầu tư để tạo ra thu nhập ổn định vẫn là cách đầu tư thích hợp trong năm 2016. Chúng tôi đề xuất cách tiếp cận theo ba hướng, đó là tiềm năng thu nhập, phạm vi để tăng trưởng vốn và nguy cơ từ việc giảm bớt đầu tư, nhưng vẫn phải để ý đến các tài sản tạo thu nhập khác. NĐT nên giảm nhẹ đầu tư vào các cổ phiếu có cổ tức cao do có nguy cơ suy giảm mạnh một lần nữa vào năm 2016 và nên tăng đầu tư vào trái phiếu.

Đương nhiên, lợi nhuận từ trái phiếu chính phủ phát hành bằng USD, yên Nhật và euro chưa phải là cao nhất và thường là tiêu cực, NĐT có thể xem xét trái phiếu lãi suất cao của Mỹ như là phương án thay thế. Rất nhiều tin tức cho biết, trái phiếu lãi suất cao của Mỹ hiện đang không tốt, tuy nhiên, mức lãi suất 8,7% (theo chỉ số Barclays US Corporate High Yield Index) là khá hấp dẫn với tình hình kinh tế hiện nay. Trong khi đó, lợi nhuận từ các cổ phiếu ưa thích vẫn hấp dẫn và chúng tôi tin rằng, nguy cơ từ việc giảm bớt đầu tư lại thấp hơn so với các lĩnh vực khác, chẳng hạn như các quỹ đầu tư bất động sản.

Vì vậy, 2016 sẽ là năm khó khăn. Mặc dù lợi nhuận cả năm có thể sẽ tốt hơn so với 2015, song mọi việc sẽ không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Trong khi đó, một số xu hướng thị trường gần đây có thể sẽ yếu đi hoặc quay ngược lại vào một số thời điểm trong năm 2016, ví dụ như sức mạnh của USD, giá dầu suy yếu và sự chững lại của các thị trường mới nổi.

Với tất cả những nhận định trên, chiến lược cốt lõi trong năm 2016 sẽ là “thích nghi với những đổi thay”.

Tin bài liên quan