Thiếu liên kết nội - ngoại, công nghệ chậm chuyển giao

Do liên kết còn lỏng lẻo, nên chuyện chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang doanh nghiệp nội địa còn chậm và yếu, chưa đạt kỳ vọng. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn trong thu hút FDI giai đoạn tới.

Chuyển giao công nghệ chậm và yếu

Một cách thẳng thắn, khi phát biểu đề dẫn tại Hội thảo Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp FDI, diễn ra cách đây 2 ngày tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương thừa nhận, chuyển giao công nghệ qua FDI “chưa đạt kỳ vọng”. “Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Thậm chí, để dẫn chứng cho câu chuyện chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI còn chậm và yếu, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) còn viện dẫn một báo cáo của Diễn đàn Kinh tếthế giới 2016, rằng “hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam rất thấp và có xu hướng ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực”.

Theo thông tin từ TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Việt Nam thậm chí đứng vị trí thứ 103 về hiệu quả chuyển giao công nghệ, trong khi Thái Lan đứng thứ 36, Indonesia đứng thứ 39, còn Malaysia ở vị trí thứ 13.

Một con số khác cũng đã được TS. Nguyễn Hữu Xuyên nhắc đến, dù đã cũ, đó là trong giai đoạn 2006 - 2015, có gần 14.000 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ có khoảng 600 dự án có hợp đồng chuyển giao công nghệ, chỉ chiếm 4,28%. Tỷ lệ quá thấp này một phần do hoạt động đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn thấp, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn là nền kinh tế gia công.

Trên thực tế, chuyện chậm chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam không phải bây giờ mới được nói tới, mà thậm chí còn là một điểm yếu trong thu hút FDI của Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua. Và nguyên nhân xuất phát từ một điểm yếu khác, đó là khu vực FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, cũng như chuyển giao công nghệ.

Phân tích rõ hơn về câu chuyện này, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, do thiếu liên kết, nên mặc dù khu vực FDI có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thể hiện qua các tác động tích cực đến năng suất của khu vực trong nước, nhưng tác động này chủ yếu đến từ liên kết xuôi và có chuyển giao công nghệ cũng là nhờ liên kết xuôi. Liên kết xuôi tức là doanh nghiệp FDI “bán” đầu vào cho doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, lan tỏa từ chuyển giao công nghệ nhờ liên kết ngược còn yếu. “Có nghĩa rằng, chỉ rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia được chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, chuỗi giá trị toàn cầu. Rất ít doanh nghiệp nhận được sự chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI”, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh nhận định. 

Thách thức trong thu hút FDI giai đoạn tới 

Mặc dù chuyện chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước chưa đạt kỳ vọng, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng đã chỉ ra “hai cái được”. Thứ nhất, thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây. Thứ hai, do cạnh tranh ngày càng cao với sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập các thiết bị và công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu với một giá cả hợp lý.

“Đây có thể coi là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh lên nhờ cách tiếp cận này”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Tuy nhiên, điều này là không đủ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mong muốn thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, cũng như muốn bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Phải làm sao để thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Hữu Xuyên đã dẫn kinh nghiệm từ Thái Lan để cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ đất nước này trong việc “bắt” doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

“Các doanh nghiệp FDI tại Thái Lan hiện nay tuy vẫn giữ vai trò quan trọng về công nghệ và vốn, nhưng vẫn phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nội địa trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh”, TS. Nguyễn Hữu Xuyên nói và cũng cho biết, để nâng cao năng lực công nghệ thì Thái Lan cũng đã có chiến lược nhập khẩu công nghệ thông qua FDI từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ.

“Đầu tiên là họ nhập công nghệ thông qua FDI, rồi chủ động nghiên cứu và phát triển, khai thác công nghệ, từng bước đồng hóa, làm chủ và sáng tạo công nghệ nhằm nâng cao năng lực nội sinh công nghệ quốc gia”, TS. Nguyễn Hữu Xuyên nói.

Đây là con đường mà nhiều nước đã thành công, trong đó có Trung Quốc. Hiện Trung Quốc thậm chí đã yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải ký cam kết chuyển giao công nghệ thì mới được đầu tư vào nước này.

“Vị thế của Việt Nam có thể khác hơn. Tuy nhiên, cũng cần có quy định bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ và chỉ thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được thực hiện có kết quả”, GS-TSKH. Nguyễn Mại đã từng nhiều lần đề xuất như vậy. 

Trong khi đó, đại diện của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng, để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nên dành nhiều ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp cam kết đầu tư vào hoạt động R&D tại Việt Nam. “Thậm chí, nên cho doanh nghiệp FDI được hưởng thêm ưu đãi khi liên doanh đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam hoặc mở trung tâm R&D tại Việt Nam”, vị này nói.

Tin bài liên quan