Bộ Tài chính, UBCK sẽ xem xét điều chỉnh chính sách đối với vấn đề thoái vốn

Bộ Tài chính, UBCK sẽ xem xét điều chỉnh chính sách đối với vấn đề thoái vốn

Thoái vốn, quy định thoáng nhưng chưa… thông

(ĐTCK) Trong khi nhà quản lý cho rằng quy định về thoái vốn đã được cải cách thông thoáng, nhưng các DN không nghĩ như vậy.

Kẹt đủ đường

“Trình tự, thủ tục thoái vốn theo Công văn 2660/2015 của Bộ Tài chính và Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã thông thoáng hơn rất nhiều so với các quy định trước đây...”, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK nhìn nhận.

Tuy nhiên, ý kiến của nhiều DN tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK, do Bộ Tài chính tổ chức mới đây cho thấy, thực tế việc hoàn thiện hồ sơ thoái vốn vẫn kẹt đủ đường.

Theo quy định tại Quyết định 51/2014 và Công văn 2660/2015, thì trong hồ sơ thoái vốn của DN phải có báo cáo tài chính (BCTC) được kiểm toán cho DN mà có cổ phần được thoái. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều DN, quy định này gây khó cho họ, nhất là với các DN không phải là đối tượng bắt buộc kiểm toán BCTC, nên họ không kiểm toán để tránh phát sinh chi phí. Trong khi số vốn Nhà nước tại các DN cần thoái vốn còn rất ít, nên không đủ sức nặng gây sức ép buộc DN phải kiểm toán BCTC.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, hồ sơ thoái vốn phải có xác nhận sở hữu cổ phần của công ty mà DN muốn thoái. Yêu cầu này không khó đáp ứng với những DN cùng một tập đoàn, tổng công ty, hoặc các đơn vị có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, với những DN mà họ chỉ thuần túy đầu tư, nay muốn thoái vốn, thì gặp rất nhiều khó khăn do công ty mà họ đầu tư đã đổi chủ đến vài lần. Những người lãnh đạo mới tại DN không dám xác nhận. Lục lại chứng từ cũ đã được DN xác nhận trước đây, thì UBCK không chấp nhận, vì cho rằng thời điểm xác nhận cách đây vài năm nên khó tin cậy…

Một vướng mắc khác như phản ánh của ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), là theo quy định tại Quyết định 51/2014, SCIC xem xét mua lại cổ phần mà các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, sau khi các DN bán đấu giá, bán thỏa thuận không thành công, Ngân hàng Nhà nước không xử lý được theo nguyên tắc đầu tư, kinh doanh vốn (nôm na là mua về phải đảm bảo khả năng sinh lời). Điều này khó khả thi. Nguyên tắc này cũng được đặt ra cho SCIC khi tham gia mua lại phần vốn Nhà nước thoái tại các DN tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), cũng như hậu IPO.

“Tuân thủ nguyên tắc trên, SCIC đã làm việc với một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, để xem xét mua cổ phần mà họ có ý định thoái vốn, nhưng khó khả thi. Để tháo gỡ bất cập này, quy định pháp lý cần được điều chỉnh theo hướng, giao cho SCIC tiếp nhận lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng. Sau đó, SCIC sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý, các đơn vị hữu quan tái cơ cấu các khoản đầu tư này, thì mới đem ra bán có hiệu quả…”, ông Học đề nghị.

Sẽ có sự điều chỉnh phù hợp

“Việc yêu cầu hồ sơ thoái vốn phải có BCTC kiểm toán chỉ ở mức độ rất đơn giản so với hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng. Đó là BCTC có kiểm toán, nhưng không cần được chấp thuận, thậm chí BCTC có kiểm toán bị ngoại trừ vẫn được chấp thuận, nhưng DN phải có giải trình về những điểm ngoại trừ...”, ông Hải nói và cho rằng, đây chỉ là những yêu cầu tối thiểu, để phần nào minh bạch thông tin, bảo vệ NĐT mua cổ phần...

Liên quan đến cái khó của DN trong xác nhận sở hữu cổ phần, ông Hải chia sẻ khó khăn này với DN, vì trên thực tế, với những DN có chủ sở hữu Nhà nước, hoặc các DN trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, thì việc xác nhận sở hữu cổ phần không khó. Tuy nhiên, với những công ty mà không phải cùng một chủ sở hữu thành lập, hoặc các công ty mà DN chỉ tham gia đầu tư thuần túy, thì việc lấy xác nhận sở hữu cổ phần đúng là khá vất vả. Dẫu vậy, để quá trình thẩm định hồ sơ thoái vốn nhanh, các DN cần cố gắng xin xác nhận sở hữu cổ phần càng gần thời điểm nộp hồ sơ càng tốt. Nếu thời điểm xác nhận cách hiện tại vài năm, thì tính xác thực khó đảm bảo, bởi trong suốt thời gian dài như vậy dễ phát sinh nhiều vấn đề như cổ phiếu được mang đi cầm cố, thế chấp, thậm chí có liên quan đến các vụ kiện tụng…

Ông Hải cũng cho biết thêm, để giải quyết những vướng mắc trên, Bộ Tài chính, UBCK sẽ nghiên cứu để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong thời gian tới.   

Tin bài liên quan