Thời cơ doanh nghiệp Việt mở rộng kinh doanh tại Myanmar

Thời cơ doanh nghiệp Việt mở rộng kinh doanh tại Myanmar

62 doanh nghiệp Myanmar đang có nhu cầu nhập khẩu hoặc hợp tác kinh doanh, đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar.    

Ông Cao Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn cho biết, cho dù Công ty chưa xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Myanmar (chỉ mới xuất thông qua các công ty thương mại ở Việt Nam), nhưng việc xuất khẩu tiến triển khá tốt. Dự kiến năm 2014, giá trị xuất khẩu của Công ty sang Myanmar đạt 300.000 - 400.000 USD.

“Tháng 6/2014, Công ty sẽ tiếp tục tham gia Hội chợ ở Myanmar do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức để tăng độ “phủ sóng” ở thị trường này. Chúng tôi nhắm tới những khách hàng là các công ty sản xuất trong các khu công nghiệp (may mặc, thủy sản…). Họ dùng những thùng nhựa, rổ nhựa, pallet nhựa để đựng hàng trong dây chuyền sản xuất cũng như trong khâu vận chuyển hàng hóa”, ông Sang nói.

Ông Lê Quang Dũng, Giám đốc xuất khẩu Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết, Công ty đã xuất khẩu hàng sang thị trường Myanmar hơn 10 năm nay và nhận thấy việc xuất khẩu sang thị trường này ngày càng thuận lợi hơn. Trong 3 năm qua, TP.HCM đã liên tục tổ chức những đoàn khảo sát thị trường, hội thảo kết nối, hội chợ quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện, hỗ trợ thông tin thị trường.

“Trung bình mỗi năm, Công ty xuất sang Myanmar hàng hoá trị giá khoảng 150.000 - 250.000 USD. Tháng 6 tới, chúng tôi sẽ tham gia hội chợ ở Myanmar, giới thiệu một số mặt hàng mỹ phẩm mới để có điều kiện quảng bá đến nhiều vùng, miền của Myanmar, tạo nền tảng thuận lợi cho việc mở kênh phân phối rộng hơn sau này”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp đang gặp một số vướng mắc nhất định khi xuất khẩu hàng hoá sang Myanmar. Ông Trần Thành Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (chuyên sản xuất máy phát điện có công suất từ 10 KVA đến 2.500 KVA tại Việt Nam) cho biết, sau quá trình tìm hiểu thâm nhập thị trường Myanmar, đầu năm 2013, Sáng Ban Mai đã thành lập công ty con tại Myanmar và hiện đã xuất sang Myanmar số hàng hoá trị giá trên 1 triệu USD. Tuy nhiên, Công ty đang gặp khó khăn ở khâu thanh toán. Hiện Myanmar chưa có ngân hàng tại Việt Nam và Việt Nam cũng mới chỉ có văn phòng đại diện của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở tại Yangon (Myanmar), nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

“Nếu không thanh toán được qua hệ thống ngân hàng, thì chúng tôi sẽ không được hoàn thuế (ở mức từ 5 đến 10%). Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa của chúng tôi kém sức cạnh tranh về giá so với hàng hóa nước khác bán tại Myanmar”, ông Trọng nói và cho biết, hiện Công ty đang xuất khẩu một số lượng hàng hạn chế để duy trì hoạt động của công ty con bên Myanmar, chờ đợi sự thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Myanmar.

Dự báo, số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Myanmar sẽ tăng mạnh. “Do đó, Công ty Sáng Ban Mai sẽ tập trung cung cấp theo hình thức bán sỉ sản phẩm máy phát điện cho nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar, thay vì bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng như hiện nay, hiệu quả không cao”, ông Trọng hy vọng.

Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị ITPC giới thiệu những doanh nghiệp Myanmar có khả năng làm đối tác có thể hợp tác kinh doanh, đầu tư. “Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, ITPC đã liên hệ và ghi nhận được danh sách 62 doanh nghiệp Myanmar trên các lĩnh vực: vàng - bạc - đá quý, du lịch, dịch vụ - thương mại, tài chính - ngân hàng… cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu xây dựng quan hệ đối tác”, bà Phượng nói.

Hiện ITPC tiếp tục tiếp nhận doanh nghiệp đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Myanmar và chương trình khảo sát thị trường tại Myanmar; tiếp nhận yêu cầu của các doanh nghiệp muốn tìm kiếm đối tác kinh doanh, đầu tư tại Myanmar, cũng như những phản ảnh của doanh nghiệp về khó khăn cần hỗ trợ.   

Tin bài liên quan