Thời cơ vàng để hành động

Thời cơ vàng để hành động

Một lần nữa, Luật Doanh nghiệp lại được nhắc đến như một kỳ vọng tạo động lực mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam, khi trong năm 2014, phiên bản mới sẽ chính thức được ra mắt.

1 Lịch họp lấy ý kiến chuyên gia góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp chỉ được chốt trước một ngày, nên bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) buộc phải lui lại công việc đã định để “không bỏ lỡ”. “Tôi phải có mặt vì Luật Doanh nghiệp”, bà nói vậy. Những người khác cũng nói vậy.

Khoảng 15 năm trước, nhiều người có mặt trong cuộc gặp này, như ông Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), ông Vũ Quốc Tuấn, ông Đặng Đức Đạm, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Kim Toàn, nguyên Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), ông Nguyễn Thái Sơn, Văn phòng Chính phủ…  đều đặn mỗi tuần một lần, vào các buổi chiều thứ Sáu, lại ngồi cùng nhau tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) để bàn về công việc tương tự - tìm cách đưa được nhiều nhất tinh thần “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”, “công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” vào cuộc sống.

Họ là những người đã đến từng quán photocopy, từng quán phở và phát hiện rằng, cứ 3 tháng một lần, người chủ quán phải làm thủ tục để xin gia hạn giấy phép kinh doanh, để từ đó khởi xướng cuộc chiến không khoan nhượng với đủ loại giấy phép con, giấy phép cháu.

Chính họ đã cất công đi đến từng địa phương, từng doanh nghiệp để giải thích quyền và nghĩa vụ của từng thành viên trong công ty cổ phần là dựa theo tỷ lệ vốn góp, chứ không phải phụ thuộc sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Để rồi, ông Cao Bá Khoát, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đã phải ra hầu tòa khi cho rằng, chỉ đạo của một vị lãnh đạo đầu tỉnh về hoạt động nội bộ của công ty cổ phần là vi phạm Luật Doanh nghiệp, khiến vị lãnh đạo đó “cảm thấy bị ảnh hưởng uy tín”.

Cũng những con người này đã hào hứng, hồ hởi với sự phát triển như nấm sau mưa của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chỉ trong vòng 10 năm, tính từ năm 2000, đã có 500.000 doanh nghiệp ra đời trên cả nước. Đặc biệt, những khái niệm vừa được xới xáo lên ở Việt Nam, nhờ Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty sửa đổi năm 1995, như môi trường kinh doanh, quản trị hiện đại, đã trở thành phổ biến, trở thành mục tiêu của những kế hoạch đổi mới, cải cách hệ thống văn bản, chính sách liên quan đến đầu tư - kinh doanh… khi đó và cho tới hiện tại…

Chỉ có khác, khi đó, tâm điểm xoay quanh là Luật Doanh nghiệp năm 1999. Nhiều người trong số những thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp năm đó đã không còn… Và không ít giấy phép con, những thủ tục hành là chính vốn đã được những đợt rà soát nhiều năm trước bãi bỏ nay lại xuất hiện, nhưng ở tầm cao hơn. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, phá sản tăng lên. Niềm tin kinh doanh giảm sút…

2 Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn 1985-1994 trước khi trở thành thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ giờ đã ngoại 90. Những năm 2000, ông là một trong những chuyên gia kinh tế đầu tiên đề nghị dùng cụm từ “doanh nghiệp dân doanh” để thay cho thuật ngữ “doanh nghiệp ngoài nhà nước” với luận điểm, gọi đúng tên doanh nghiệp do người dân lập ra và loại bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ngay trong tư duy của những người làm luật…

Giờ ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và đặc biệt là vẫn đầy tâm huyết với những bước đổi mới, cải cách của khu vực kinh tế tư nhân, khi ông bức xúc với sự sụt giảm về niềm tin kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tư nhân, điều mà nhiều người, nhiều thế hệ đã phải mất rất nhiều công sức, trí tuệ mới có thể tạo dựng được.

“Cơ chế hiện tại đang làm khó cho doanh nghiệp tư nhân khi bị tác động bởi nhóm lợi ích. Tôi tự hỏi, mục tiêu phân bổ lại nguồn lực trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ đến với khu vực kinh tế tư nhân thế nào, nếu không đưa được khu vực doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo, nếu bộ máy nhà nước vẫn công kềnh như hiện nay”, ông nói và nhắc tới con số 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về đình đám trong năm rồi, hay tình trạng các dự án, công trình cứ dồn về quê của các vị lãnh đạo các cấp...

Cũng phải nói thêm, trong rất nhiều cuộc bàn luận về những tác động của Luật Doanh nghiệp tới nền kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhắc tới vế sau của tư duy mang tính cách mạng của Luật Doanh nghiệp: “công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” với những tiếc nuối nhất định.

Ông Mại kể, sáng kiến thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp được đề xuất từ năm 1998, khi công việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp đi vào giai đoạn nước rút và căng thẳng.

“Trước đó, cũng có ý kiến đề nghị thành lập một tổ giúp việc, nhưng quan điểm của tôi là phải có một bộ máy trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, với những trách nhiệm và quyền hạn độc lập, với cơ chế làm việc mang tính chuyên gia, thì mới có thể thực hiện được. Trong quá trình hoạt động của Tổ công tác, các ý kiến có giá trị ngang nhau, vì quan điểm thống nhất là mở rộng cơ hội cho người dân kinh doanh, chứ không phải vì anh là lãnh đạo, tôi là chuyên viên nên phải nghe theo. Thực tế cho thấy, thành công của Luật Doanh nghiệp sau này có phần quan trọng từ cơ chế làm việc này”, ông Mại nhớ lại.

Cũng chính Tổ công tác đã khơi dậy những yêu cầu mang tính chuẩn mực trong xây dựng văn bản chính sách, khi đưa việc đánh giá tác động trở thành một trong những thủ tục bắt buộc. “Chúng tôi phát huy được sự sáng tạo của mình cũng nhờ các vị lãnh đạo các bộ, ngành tham gia Tổ công tác đều có ý thức dân chủ, tiếp nhận các ý kiến phản biện từ thực tế…”, bà Chi Lan kể lại. Có những văn bản sau khi trình 3 ngày là Thủ tướng Chính phủ ký ban hành…

Đáng tiếc là, chính cơ chế này cộng với việc không được phổ cập, phát huy rộng tư duy “công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” đã khiến Luật Doanh nghiệp và Tổ công tác trở thành ốc đảo, trở thành “phía bên kia” với các bộ, ngành và cả các địa phương, thể hiện rõ nhất trong các lần đề nghị bãi bỏ giấy phép con. 

3 Dường như lịch sử đã gắn tên tuổi ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với Luật Doanh nghiệp. Hơn 15 năm trước, ông là người giữ vai trò Thư ký Tổ biên tập Luật Doanh nghiệp và Thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 2000 và sau đó là năm 2005. Hiện giờ, ông cũng đang được phân công ở vị trí Thư ký Ban soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

Nếu tính cả Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1992, những bộ luật đầu tiên xây dựng nền tảng hoạt động cho khu vực kinh tế tư nhân, thì trong suốt gần 25 năm qua, công việc của ông Cung gắn liền với việc hoàn thiện những bộ luật liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân.

Đặt câu hỏi, ông có hài lòng với những gì đạt được không, ông cảm thấy khó trả lời. “Luật Doanh nghiệp dường như chưa làm được gì nếu tính từ thời điểm doanh nghiệp gia nhập thị trường. Nếu đặt câu hỏi Luật Doanh nghiệp có tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp cận các cơ hội kinh doanh một cách công bằng không, cơ hội kinh doanh có được tạo ra bình đẳng không thì dường như là chưa”, ông Cung trăn trở.

Cũng phải nhắc lại câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra rằng, sự hào hứng của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với đầu cơ đất đai, cổ phiếu và sự hạn hẹp trong các hoạt động sản xuất mang tính sáng tạo của người dân có phải do cơ chế khuyến khích không chuẩn hướng… 

Đây cũng là lý do mà ông Cung cho rằng, suốt chặng đường khá dài vừa qua, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn chưa lớn được, hoặc lớn lên không theo những chuẩn mực của thế giới, nghĩa là thực tế không giống như những gửi gắm của những người làm luật.

Đó là chưa kể đến khu vực doanh nghiệp, sau sự dịch chuyển mang tính lịch sử là tham gia sân chơi chung Luật Doanh nghiệp 2005, mà thực chất phải đến năm 2010 mới hoàn toàn hòa nhập, nhưng trên thực tế, vẫn gần như đứng ngoài môi trường kinh doanh, những nguyên tắc của thị trường…

“Mọi việc vẫn đang ngổn ngang, thậm chí có thể đó là một trong những lý do dẫn đến sự trì trệ và suy giảm kinh tế trong những năm gần đây. Tôi cảm nhận sự bức bách đòi hỏi cải cách thay đổi trong tư tưởng sửa Luật Doanh nghiệp lần này, chứ không thể là những sửa đổi mang tính kỹ thuật được”, ông trầm ngâm và cho rằng, có thể việc nghiên cứu lại thể chế phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường sẽ là điểm đột phá.

“Khi nhận trách nhiệm trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và cả vị trí Tổ trưởng Tổ thư ký Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Nghiên cứu đổi mới cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014-2020, tôi lùi xa và quan sát. Nguồn lực đang được phân bố bởi những cơ chế xin - cho rất rõ ràng. Khi quy hoạch đã được phê duyệt, người ta phải xin để có được dự án trong quy hoạch. Rồi tỉnh nọ xin được dự án đường nên làm đường, trong khi nhu cầu của người dân là cần cầu… Tôi không phê phán, nhưng chắc chắn, có những yếu tố không chuẩn về cơ chế, thể chế khiến nguồn lực phân bổ không đúng…”, ông Cung tâm sự.

4 Các chuyên gia đều nói, bây giờ để Luật Doanh nghiệp sửa đổi có được vai trò mang ý nghĩa đột phá như 15 năm trước cam go hơn rất nhiều. Nhưng ông Cung lại tin rằng, mọi việc sẽ thay đổi, đó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh muốn thay đổi.

Có lẽ phải nhắc tới quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với các thành viên Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mà ông đang là Trưởng ban, đó là không chấp nhận bất cứ sự lấn cấn nào về quyền lợi, về vị trí làm việc hay vị nể giữa các cơ quan ảnh hưởng tới tư tưởng tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. “Chúng tôi sẽ làm theo đúng tư tưởng này”, ông Cung nói.

Theo kế hoạch, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014. Những đột phá về sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân đang bắt đầu có cơ sở để nhìn thấy trước.

Tin bài liên quan