Thu hồi tiền cotton mệnh giá 50.000 và 100.000 đồng: Sẽ không có xáo trộn

(ĐTCK-online) Sẽ không có xáo trộn đối với túi tiền của người dân khi đình chỉ lưu thông hai loại tiền cotton mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Toản, Phó Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Theo thông báo của NHNN, thì hai loại tiền cotton mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng sẽ chính thức hết giá trị lưu hành kể từ ngày 1/9/2007 và sẽ được thay thế hoàn toàn bằng tiền polymer. Từ nay đến ngày 30/8/2007, hai loại tiền cotton mệnh giá trên vẫn được lưu hành bình thường, song song với hai loại tiền polymer có mệnh giá tương đương. Bất kỳ ai đang giữ hai loại tiền này đều có thể đổi ngang giá trị tại Kho bạc Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng. Việc thay thế dần các loại tiền cotton bằng tiền polymer và tiền xu (hiện đã đầy đủ các loại mệnh giá) đã nằm trong kế hoạch, khi NHNN đưa ra các loại tiền bằng chất liệu mới cách đây vài năm (phát hành tiền mới thì thu hồi tiền cũ).

Thực tế, khi NHNN đưa hai loại tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng vào lưu thông, thì vẫn áp dụng cơ chế sử dụng song hành tiền bằng cotton và polymer trên cùng mệnh giá mà không thay thế hẳn bằng tiền polymer. Sở dĩ như vậy là nhằm đảm bảo không gây biến động thị trường, tận dụng tối đa giá trị kinh tế của các đồng tiền cotton. Trong thời gian qua, hai loại tiền cotton mệnh giá nói trên không được in thêm, mà được thu hồi dần, và cơ bản đến nay đã thu hồi gần như toàn bộ, bất kể ở thành thị cũng như nông thôn, miền núi hay miền xuôi.

“Thời điểm hiện nay đã hội đủ các điều kiện về kinh tế, về phát hành tiền mới và thu hồi tiền cũ, nên việc đình chỉ lưu thông nhằm chính thức hóa việc bỏ đi một loại tiền cụ thể, và không gây xáo trộn với túi tiền của người dân”, ông Toản nói.

Trả lời câu hỏi về việc liệu khi nào NHNN sẽ đình chỉ lưu hành toàn bộ các loại tiền bằng cotton vẫn đang lưu hành trên thị trường, như các loại tiền mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng..., ông Toản cho biết, việc đình chỉ lưu hành tiền là quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nên hiện tại chưa thể nói chính xác thời điểm.

Một trong những thành công của bộ tiền polymer được đưa vào sử dụng tại Việt Nam là tính chống giả tốt hơn nhiều so với tiền cotton trước kia. Theo số liệu mà NHNN đưa ra, trong hai năm 2005 và 2006, lượng tiền giả thu giữ được qua hệ thống ngân hàng và kho bạc đã giảm mạnh so với các năm trước đó. Cụ thể, năm 2005 giảm 22,5% so với năm 2004, còn năm 2006 giảm 69,61% so với năm 2005. Tỷ lệ tiền giả thống kê qua ngân hàng và kho bạc cũng tương tự với lượng tiền giả thu giữ qua các vụ án thống kê được của ngành công an.

Cũng theo thống kê, năm 2006, tiền giả bằng cotton chiếm tỷ lệ cao với 72,4%, chủ yếu là mệnh giá 100.000 đồng và 20.000 đồng (chiếm 77,4% tổng số tiền giả cotton thu giữ). Tiền giả polymer đã xuất hiện các mệnh giá 500.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng. Tuy nhiên, tiền giả bằng polymer thu giữ được có kỹ thuật làm giả thấp, chỉ giống về hình thức, không có đủ các chi tiết bảo an như in nổi, mực đổi màu, hình ẩn, mực dễ bay màu..., nên khá dễ phát hiện.

Còn theo số liệu thống kê trong 2 tháng đầu năm năm 2007, lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng và kho bạc tiếp tục giảm, chỉ còn tương đương 61,23% so với hai tháng đầu năm năm 2006. Tiền giả bằng cotton vẫn chủ yếu là hai loại 100.000 đồng và 20.000 đồng.

Như vậy, với việc đình chỉ lưu thông hai loại mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng bằng cotton, thì khả năng lượng tiền giả bị thu giữ sẽ tiếp tục đà giảm xuống như hai năm trước đây.

Ngọc Kha

Tin liên quan:

>>1/9: Ngừng lưu thông tiền cotton 50.000 và 100.000 đồng