CTCK đang tính đến phương án bàn thảo với NĐT trích tiền từ tài khoản của họ để nộp phí lưu ký.

CTCK đang tính đến phương án bàn thảo với NĐT trích tiền từ tài khoản của họ để nộp phí lưu ký.

Thu phí lưu ký: CTCK lúng túng!

(ĐTCK-online) Trong quá trình chuẩn bị thực hiện Thông tư 27/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký (VSD), nhiều CTCK lo ngại việc họ phải đứng ra thu phí lưu ký chứng khoán của NĐT để nộp cho VSD sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Thông tư 27/2010/TT-BTC, kể từ ngày 12/4/2010, NĐT sẽ phải nộp phí lưu ký chứng khoán. Có nghĩa là, dù không có bất kỳ hoạt động giao dịch nào, chỉ cần có chứng khoán trong tài khoản là NĐT phải nộp phí lưu ký chứng khoán, với mức 0,5 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ/tháng.       

Trong khi thừa nhận việc thu phí lưu ký chứng khoán là cần thiết, để có nguồn kinh phí trang trải cho hoạt động nghiệp vụ lưu ký của VSD, thì nhiều CTCK cho rằng, quy định của Thông tư 27 sẽ khiến họ gặp không ít khó khăn khi thu phí lưu ký chứng khoán từ phía khách hàng. Theo giám đốc khối môi giới của một CTCK, với các CTCK có số lượng khách hàng không nhiều, thì DN có thể bỏ ra vài triệu đồng/tháng nộp phí lưu ký thay cho khách hàng, để giúp "thượng đế" tránh phiền toái. Tuy nhiên, với những CTCK có lượng khách hàng lớn, thì CTCK không dễ làm như vậy, nên không còn cách nào khác là phải thu tiền của NĐT để nộp cho VSD. Trong khi đó, cách thu này dễ khiến khách hàng "mất hứng", vì hàng tháng phải làm thủ tục, nộp tiền cho CTCK để nộp lại cho VSD, dù khoản phí không đáng gì.

Để tránh rắc rối cho cả hai phía, các CTCK đang tính đến phương án bàn thảo với NĐT trích tiền từ tài khoản của họ để nộp phí lưu ký. Tuy nhiên, cái khó của cách làm này, theo CTCK An Phát, là tại các thời điểm khác nhau, nhiều tài khoản chỉ có chứng khoán, mà không còn tiền, nên CTCK không thể trích ra để nộp phí. Trong tình huống này, có lẽ CTCK đành phải lấy tiền túi ra trả cho VSD, rồi tìm cách thu của NĐT sau. Các CTCK cũng không thể thu "một cục" của NĐT để trừ dần phí trong năm, bởi không biết chính xác số lượng chứng khoán biến động ra sao, để cuối tháng hoặc cuối năm quyết toán với NĐT. Nếu thực hiện theo phương án này, CTCK sẽ phải tốn nhiều công sức trong thống kê, theo dõi hoạt động giao dịch của NĐT, để đảm bảo thu đúng, thu đủ. Để đơn giản, các CTCK có thể kết hợp thu phí lưu ký khi thu phí giao dịch. Thế nhưng, rủi ro của cách làm này là dễ khiến CTCK mất khách, do NĐT có cảm giác đang phải chịu mức phí giao dịch đắt đỏ hơn.

Một cách thu khác là khi nhận lưu ký chứng khoán, CTCK sẽ thu luôn phí lưu ký. Tuy nhiên, cách thu này, theo CTCK APEC cũng không đơn giản, bởi CTCK chỉ thu được tiền khi khách hàng bán chứng khoán. Nếu NĐT mới lưu ký chứng khoán và chưa giao dịch gì, mà CTCK đã thu phí lưu ký ngay, thì rất khó cho CTCK tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Trong trường hợp này, nếu muốn lôi kéo khách hàng, CTCK có thể ứng ra một khoản tiền để nộp phí lưu ký cho NĐT, rồi chờ khi họ bán chứng khoán mới thu phí. Cách này cũng được đánh giá là khó, nhất là với những khách hàng có khối lượng lưu ký chứng khoán lớn, lên đến hàng triệu cổ phiếu. Rõ ràng, thực hiện thu phí lưu ký chứng khoán theo phương án nào cũng gây khó cho các CTCK.

Để thuận lợi trong hoàn thành nghĩa vụ nộp phí cho VSD, các CTCK đề xuất 2 phương án khả dĩ. Thứ nhất, VSD nên tính toán để đưa ra phương án thu một khoản cứng vào cuối năm, nhằm vừa dễ cho VSD, vừa thuận tiện cho các CTCK, cũng như khách hàng. Thứ hai là VSD trực tiếp đứng ra thu phí của NĐT. Bởi lẽ, đơn vị này có hệ thống phần mềm quản lý lưu ký chứng khoán mới, nên thông qua nghiệp vụ thanh toán bù trừ có thể thu trực tiếp từ khách hàng. Một cách thu khác mà VSD có thể tiến hành là thu phí lưu ký trực tiếp từ các tổ chức phát hành đối với cổ phiếu mới niêm yết hoặc niêm yết bổ sung. Phương án này đảm bảo thu được toàn bộ số cổ phiếu phát hành, mà không lo "lọt" trường hợp NĐT chỉ nắm giữ cổ phiếu để nhận cổ tức, mà không muốn lưu ký để bán hoặc mua thêm.