Thủ tướng ‘đặt hàng’ các giải pháp tạo bứt phá

Thủ tướng ‘đặt hàng’ các giải pháp tạo bứt phá

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” Bộ Kế hoạch và Đầu sớm có câu trả lời cho câu hỏi về “nhiệm vụ, giải pháp tạo sự bứt phá” cho từng ngành, lĩnh vực, cho toàn nền kinh tế.

“Đơn hàng” đặc biệt của Thủ tướng

Cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày hôm qua (19/2) là “bứt phá”. Có lẽ, điều này xuất phát từ việc năm 2019 được coi là “năm bứt phá” trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như Chiến lược 10 năm 2011 - 2020. Không chỉ bứt phá cho riêng năm 2019, mà còn cho cả giai đoạn phát triển tiếp theo, bởi tại buổi làm việc, Thủ tướng đã nhắc đến khát vọng và tầm nhìn về một Việt Nam thịnh vượng vào năm 2035 và đặc biệt là ở dấu mốc năm 2045, năm Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, tăng trưởng cao là yêu cầu cần thiết của nền kinh tế hiện nay. Ảnh: Đ.T 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn con số thu nhập bình quân đầu người 6.676 USD/người của Việt Nam vào năm 2017 để bày tỏ nỗi lo lắng về nguy cơ tụt hậu, nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.

“Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người là 6,5%/năm, tương đương tốc độ tăng trưởng GDP 7%/năm, thì đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt trên 13.600 USD, bằng mức của Thái Lan năm 2011”, Thủ tướng nói.

Trong khi đó, nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ là 5,5%/năm, tương đương tăng trưởng GDP 6,5%, thì năm 2030, con số này chỉ xấp xỉ 12.000 USD, tương đương của Malaysia vào năm 2000.

Nhấn mạnh “năm 2030 mà chỉ bằng Malaysia năm 2000”, Thủ tướng tỏ vẻ sốt ruột. Ông khẳng định, những con số trên cho thấy, Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trên 7% thì mới thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực. “Đây là bài toán cần phải đặt ra. Tăng trưởng cao là yêu cầu cần thiết của đất nước trong quá trình phát triển”, Thủ tướng nói.

Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mặc dù khẳng định những thành tựu quan trọng của nền kinh tế trong những năm gần đây, song cũng thẳng thắn nói rằng, “có lý do để lo lắng” về mục tiêu đạt GDP bình quân đầu người 3.200 - 3.500 USD/người vào năm 2020 và tầm nhìn 10.000 USD/người vào năm 2035.

Còn ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến “mệnh lệnh” của nền kinh tế trong giai đoạn tới là “phát triển để ổn định”.

Đây chính là nội hàm của mục tiêu “tăng trưởng nhanh và bền vững” mà Việt Nam đã đặt ra trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

“Vậy thì thể chế, chính sách nào để chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn?”, Thủ tướng đặt câu hỏi, đồng thời “đặt hàng” Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. “Làm sao để tạo sự bứt phá cho từng ngành, từng lĩnh vực, trách nhiệm thuộc về ai?”.

“Đơn hàng” đặc biệt này của Thủ tướng buộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phát huy hơn nữa vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, nhằm sớm tìm ra câu trả lời, có giải pháp và thúc đẩy hành động để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của đất nước.

Trách nhiệm của “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc trong thời gian qua, từ thực hiện công tác chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách… đến công tác tham mưu cho Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội, rồi thúc đẩy cải cách, đổi mới…

Đánh giá cao những nỗ lực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, thành tựu hôm nay của nền kinh tế, có đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiên phong đổi mới, sáng tạo hơn nữa để luôn xứng đáng là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ… Thủ tướng cũng đã nhắc đến nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đề xuất, tham mưu cải cách thể chế, chính sách, bởi bí quyết thành công của một quốc gia chính là “thể chế, thể chế và thể chế”.

“Thể chế phải là mũi nhọn. Thể chế nào để chúng ta tránh bẫy thu nhập trung bình, bẫy năng suất thấp, bẫy bãi rác công nghệ?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. Đó chính là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế. Trách nhiệm trong cả xây dựng chiến lược phát triển, mà trước mắt là xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trách nhiệm càng nặng nề thì càng chứng tỏ vai trò quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cam kết, toàn cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn ngành sẽ đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và bản lĩnh, trí tuệ hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng cũng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, thông qua chủ trương cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án về mô hình tổ chức cơ quan Bộ theo hướng hình thành một cơ quan có chức năng chủ yếu về cải cách và phát triển.

Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày hôm qua (19/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vạch ra “9 được” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm qua. Đó là kịp thời đánh giá các rủi ro, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động; tích cực trong hoàn thiện thể chế, chính sách; chủ trì tái cơ cấu đầu tư công nhằm thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; tiếp tục tham mưu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiên phong trong xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo…

Tin bài liên quan