Các đại biểu khai mạc

Các đại biểu khai mạc

Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp hiện đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất các sản phẩm hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của sản phẩm xanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn còn chừng mực và khiêm tốn.

Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Để cạnh tranh, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm.

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó đã quy định nhiều nội dung liên quan đến sản xuất, tiêu dùng bền vững. Các quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện các hoạt động, các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Sự chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp đã góp phần tích cực, thúc đẩy “tiêu dùng xanh”, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nylon sinh thái, 3R (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế). Tuy nhiên, phần lớn mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, chưa có tính phổ biến và tính bền vững. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh truyền thông hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng bền vững là điều bức thiết hiện nay.

Trước thực trạng trên, ngày 21 - 23/07, tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức chuỗi hoạt động chương trình “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030.

Sự kiện diễn ra tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, 222 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, gồm các hoạt động như chương trình triển lãm với chủ đề “Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành” với gần 30 gian hàng, quy tụ hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước. Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 25.000 lượt người tham quan.

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương chia sẻ, triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu các mô hình thực tiễn về sản xuất bền vững; chia sẻ, hướng dẫn thực hành tiêu dùng bền vững, đồng thời tổ chức các phiên trao đổi, thảo luận mở, có sự tham gia của các nhân vật truyền cảm hứng để nâng cao nhận thức và tăng cường hành động của toàn thể xã hội đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững.

"Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tăng cường kết nối kinh doanh, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm thực tiễn các sản phẩm bền vững và các cơ quan quản lý, các tổ chức, hiệp hội có sự trao đổi, chia sẻ và đề xuất các sáng kiến, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững”, ông Lê Triệu Dũng nói.

Bên lề Triển lãm là phiên thảo luận “Xây dựng ý thức cộng đồng hướng tới tiêu dùng bền vững” gồm các đại biểu, chuyên gia đến từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Tổng cục Quản lý Thị trường, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Tập đoàn Central Retail…để thảo luận các vấn đề về xu hướng sản xuất tiêu dùng, bền vững tại Việt Nam, rác thải nhựa và những vấn đề cảnh báo; về vai trò của hệ thống phân phối hiện đại trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững…

Các đại biểu tham gia thảo luận tại sự kiện

Các đại biểu tham gia thảo luận tại sự kiện

Tọa đàm “Vai trò công nghệ trong tiêu dùng bền vững” cũng sẽ tập trung vào thực trạng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu Việt hay khát vọng đưa tri thức Việt vào sản phẩm xanh. Các hoạt động Sống xanh cùng giới trẻ, Sản xuất xanh vì người tiêu dùng cũng là những hoạt động bên lề thu hút nhiều giới trẻ tham gia với những hoạt động bảo vệ môi trường, phong cách sống xanh…

Thông qua các hoạt động tại chương trình, là cơ hội để nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, mức độ nhận biết của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và kết nối với các mô hình, đối tác sản xuất xanh, tăng cường giới thiệu, mở rộng phạm vi sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm tiêu dùng xanh, tham gia các hoạt động tương tác để nâng cao kiến thức và nhận thức về tiêu dùng bền vững, về vai trò của người tiêu dùng trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Đồng thời, cũng là cầu nối để ghi nhận đầy đủ thông tin, tham khảo ý kiến phân tích, đánh giá đa chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, là nguồn dữ liệu thực tế để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng trong hoạch định chính sách; để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi phương thức quản lý hướng đến sản xuất sạch và để định hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng đến mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Chuỗi sự kiện tại Triển lãm bao gồm:

Ngày 21/07/2023: Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành

Ngày 22/07/2023: Sống xanh cùng giới trẻ

Ngày 23/07/2023: Sản xuất xanh vì người tiêu dùng

Tin bài liên quan