HSBC và REE ký kết hợp đồng tín dụng xanh cho dự án E-Town 6.

HSBC và REE ký kết hợp đồng tín dụng xanh cho dự án E-Town 6.

Tín dụng xanh: Ngoại hào hứng, nội dè dặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận được khoản vay lớn cho sản xuất - kinh doanh, phát triển xanh từ các định chế tài chính nước ngoài, trong khi các định chế tài chính trong nước vẫn còn hạn chế.

Vốn quốc tế đổ vào dự án xanh

Tháng 8/2022, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) thực hiện thu xếp khoản tín dụng xanh trị giá 900 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE). Thỏa thuận cho vay này sẽ giúp REE, một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu của Việt Nam, phát triển dự án E-Town 6, tòa nhà văn phòng cao tầng được cấp chứng nhận LEED Bạch kim về thiết kế bền vững. Đây cũng là lần đầu tiên HSBC cấp một khoản tín dụng xanh cho dự án bất động sản của một doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, khoản tín dụng xanh này một lần nữa khẳng định mối quan hệ bền chặt, lâu dài của HSBC và REE, cũng như thể hiện tham vọng chung mạnh mẽ của cả hai doanh nghiệp là đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

“Cùng nhau chúng ta có thể giúp xây dựng một Việt Nam xanh hơn, tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai. Chúng tôi rất tự hào khi được tham gia vào một thương vụ ghi dấu cột mốc quan trọng khác cho lĩnh vực bất động sản xanh tại Việt Nam. Điều này càng quan trọng hơn khi ngành xây dựng và bất động sản chiếm tới 39% lượng khí thải carbon trên toàn cầu”, ông Tim Evans chia sẻ.

Nhằm hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26, đặc biệt mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, HSBC Việt Nam đã cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án bền vững và các doanh nghiệp tại Việt Nam, đến năm 2030.

Đây là một phần trong cam kết về cân bằng khí thải của Tập đoàn HSBC toàn cầu, nhằm cung cấp từ 750 - 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ và đầu tư bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp trên thế giới khi họ chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và giảm phát thải carbon.

Tính tới tháng 8/2022, HSBC Việt Nam đã tham gia thu xếp được hơn 1,3 tỷ USD tài chính xanh cho Việt Nam, đạt 10% mục tiêu đề ra, đồng thời tham gia hỗ trợ các dự án xanh và bền vững quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc giúp nền kinh tế giảm phát thải carbon.

Trước đó, tháng 4/2022, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam công bố cung cấp một hạn mức tín dụng trị giá 13,5 triệu USD cho Công ty TNHH Sản phẩm giấy Leo (Việt Nam) nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn lưu động của công ty. Phía Leo Việt Nam cam kết sẽ giảm khối lượng chất thải nguy hại và tổng cường độ chất thải xuống mức cam kết trong khoảng thời gian nhất định.

Standard Chartered Việt Nam sẽ mang đến những ưu đãi về tài chính cho Leo Việt Nam nếu công ty đạt được các mục tiêu thực thi bền vững đề ra.

Cùng hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, bên lề hội nghị, Standard Chartered Việt Nam đã trao biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các dự án bền vững.

Cũng trong năm 2022, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới, đã công bố sẽ hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long phát triển dự án nhà ở xanh và bền vững tại tỉnh Long An. Theo đó, IFC đã đăng ký mua trái phiếu với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng (khoảng 44 triệu USD) do Nam Long phát hành.

Nam Long sẽ sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu cho giai đoạn hai của dự án nhà ở Waterpoint tại tỉnh Long An, bao gồm không gian công cộng xanh, công trình thể thao, trường học, trường đại học, cơ sở y tế, cũng như công trình giao thông, bán lẻ và văn phòng.

Dư nợ tín dụng xanh vẫn còn rất hạn chế

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và vệ sinh môi trường.

Theo đó, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh (12 dự án xanh do Ngân hàng Nhà nước xây dựng và ban hành từ năm 2015) đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 12,96% so với cuối năm 2021. Dư nợ tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%).

Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng với hơn 1,1 triệu món vay.

Tuy nhiên, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế cho thấy tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững..., dư nợ tín dụng xanh vẫn còn rất hạn chế.

Cần có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, dù có mức tăng trưởng bình quân ấn tượng hàng năm, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng của tín dụng xanh. Do đó, cần có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường. Ngoài ra, những dự án xanh thường đi đôi với thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn…

“Cần có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh”, bà Hằng kiến nghị.

Đồng quan điểm, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nhận định, hành lang pháp lý đang là trở ngại trong việc tiếp cận dòng vốn xanh của doanh nghiệp Việt. Do đó, nếu có khung quản lý được tiêu chuẩn hóa, thậm chí có thể bao gồm cả báo cáo ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) của các doanh nghiệp được công khai sẽ mang lại định nghĩa rõ ràng hơn về dự án xanh. Như vậy, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc cho vay các dự án xanh.

“Ngành tài chính - ngân hàng cần phối hợp với các doanh nghiệp hướng tới thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tiến trình này sẽ tăng tốc khi các đối tác trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tiếp tục làm việc để tạo điều kiện lưu chuyển dòng tài chính khu vực tư nhân. JETP sẽ cần trao đổi với NHNN để hướng dẫn các ngân hàng”, bà Michele Wee nhấn mạnh.

Đại diện IFC cũng cho biết, nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam chưa biết làm thế nào để vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục làm dự án xanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn để các tổ chức tín dụng triển khai.

Với những vướng mắc trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu tháng 6/2023, Thông tư 17/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực và là điểm mấu chốt để khơi thông dòng vốn xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang gấp rút hoàn thiện “Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh”.

Theo đó, tiêu chí môi trường đối với dự án hoặc hạng mục của dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh bao gồm: Tiêu chí sàng lọc, tiêu chí ngưỡng và chỉ tiêu và yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác, gồm: Phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương (nếu có); tuân thủ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và các yêu cầu khác theo quy định.

Thị trường kỳ vọng các văn bản trên sẽ tạo hành lang pháp lý, là điều kiện cho các ngân hàng thúc đẩy tín dụng xanh.

Tin bài liên quan